Bộ chuẩn được thực hiện có một số thay đổi nhỏ so với bộ chuẩn dự thảo, vốn bị dư luận và các nhà chuyên môn phê phán rất nhiều khi mới được công bố. Việt Hà có bài tổng hợp và tường trình.
Theo bộ chuẩn này, trẻ từ 60 tháng đến 72 tháng tuổi được đánh giá theo 4 lĩnh vực bao gồm: nhận thức, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mục đích của bộ chuẩn trẻ 5 tuổi nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em vào lớp 1.
So với bộ chuẩn dự thảo được đưa ra hồi đầu năm ngoái, bộ chuẩn mới chỉ có một số thay đổi nhỏ. Từ 29 chuẩn với 125 chỉ số, bộ chuẩn mới rút xuống còn 28 chuẩn với 120 chỉ số. Theo bộ chuẩn mới, các tiêu chuẩn về thể lực của trẻ được giảm bớt. Ví dụ như thay vì quy định trẻ phải chạy 18 m với thời gian nhiều nhất 5 giây, và trèo lên và xuống được ít nhất 5 bậc thang luân phiên từng chân, thì bộ chuẩn mới quy định các em có thể chạy 18 m trong khoảng thời gian 5 đến 7 giây và trèo lên, xuống thang ở độ cao 1,5 m so với mặt đất.
Bộ chuẩn mới cũng bổ sung thêm một số chỉ số mới không có trong dự thảo như trẻ 5 tuổi phải biết hút thuốc lá là có hại và không lại gần người đang hút thuốc, hay tham gia họat động học tập liên tục và không có biểu hiện mệt mỏi trong khoảng 30 phút.
Ý kiến của phụ huynh và chuyên gia
Nhìn chung các ý kiến của nhiều chuyên gia và phụ huynh đều cho rằng việc áp dụng một bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi là cần thiết, và ở các nước phát triển khác cũng đã áp dụng các bộ chuẩn này. Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia về tâm lý trẻ em, Giám đốc trung tâm đảm bảo chất lượng và khảo thí, đại học sư phạm Hà nội, nói với báo Vnexpress rằng:
Việc xây dựng ‘bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi’ là cần thiết. Ở mỗi độ tuổi đều cần có những căn cứ thăm dò và đánh giá. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ, Pháp.. đến các nước trong khu vực như Campuchia đều đã áp dụng bộ chuẩn cho trẻ.
Chị Vũ Phương Lan, một phụ huynh ở Hà nội, có con đã 4 tuổi hiện đang đi nhà trẻ, cho biết chị không biết gì về bộ chuẩn này nhưng cũng cho rằng việc ban hành bộ chuẩn phát triển cho trẻ là cần thiết. Chị nói:
Thỉnh thoảng mình thấy thông tin thì đọc thôi chứ nói bộ chuẩn của Bộ Giáo dục thì chưa được đọc, nếu có chuẩn đó thì rất là tốt, 5 tuổi thì có thể thực hiện được nhưng có điều mình biết được các tiêu chuẩn đó và mình thử nghiệm thì bọn trẻ con sẽ đạt được. Còn nếu trước đấy mình chả bao giờ làm mà đến lúc đó mình bảo nó làm thì hơi khó.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia giáo dục, bộ chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra còn khá nhiều ‘sạn’. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Công Khanh thuộc trường đại học sư phạm Hà Nội nhận xét, có rất nhiều các tiêu chí đặt ra là quá ‘cứng’, quá chi tiết, nhất là trong lĩnh vực phát triển thể chất, mà không đưa ra được cơ sở xác đáng nên dễ gây hiểu lầm, tranh cãi. Ông cũng cho rằng việc xác định trẻ phải đạt 50 đến 60% tiêu chí cũng không nên bởi mỗi em có một thiên hướng và tốc độ phát triển riêng nên việc đạt mức thấp hơn như thế cũng không sao.
Trước đó, nhóm tác giả của dự thảo bộ chuẩn lên tiếng cho rằng, những ý kiến đóng góp là ‘rập khuôn, áp đặt một cách cứng nhắc hay đánh tráo trách nhiệm. Các tác giả cho rằng trong văn bản quy định về mục tiêu và kế hoạch đào tạo nhà trẻ, mẫu giáo được ban hành ngày 3 tháng 2 năm 1990 của Bộ giáo dục thì các mục tiêu giáo dục đối với trẻ 5 tuổi cách đây 20 năm còn cao siêu hơn nhiều so với các chỉ số trong bộ chuẩn mới.
Việc xây dựng 'bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi' là cần thiết. Ở mỗi độ tuổi đều cần có những căn cứ thăm dò và đánh giá.
Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh
Trên thực tế, tại các trường mẫu giáo ở Việt nam, các giáo viên hàng năm vẫn nhận được các quy định hướng dẫn để đánh giá mức độ phát triển của trẻ về các mặt trí đức thể mỹ, tức là trí tuệ, đạo đức, nhận thức, và thể dục. Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên mẫu giáo ở một trường ở Hà Nội cho biết:
Mình phải khảo sát. Người ta cho khoảng 4 tờ giấy W kín hai mặt để đánh giá các tiêu chí. Ví dụ yêu cầu độ tuổi 5 tuổi phải biết nhảy lò cò bằng 1 chân, rồi cột bên cạnh là đạt và chưa đạt. rồi ở dòng thứ hai ví dụ là có thể biết bò bằng 2 bàn tay và 2 chân, đạt, chưa đạt. Nó có khoảng 13 cái gạch đầu dòng như thế cho tiêu chí về thể chất. Rồi mặt thứ hai là đức trí thể mỹ. Nhận thức lại chia làm khoảng 6 cột ví dụ như khả năng tạo hình, toán, văn học… Người ta phát cho em 50 tờ để khảo sát từng học sinh một.
Cô Dung cho biết các giáo viên phải quan sát các học sinh của mình và đưa ra nhận xét về từng em trong sổ nhật ký hàng ngày để báo về gia đình. Trên cơ sở đó, gia đình và nhà trường có thể cùng làm việc với nhau để định hướng và giúp đỡ trẻ kịp thời.
Liệu có khả thi?
Tuy nhiên có một thực tế là hiện ở Việt nam, nhất là ở các thành phố lớn, các nhà trẻ công thường có số lượng học sinh rất đông. Một lớp trung bình có khoảng từ 50 đến 60 cháu mà chỉ có 2 giáo viên. Chính cựu bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân hồi năm ngoái có thừa nhận rằng việc đầu tư cho giáo dục của một số tỉnh còn dưới mức quy định, tức là ở mức 10% ngân sách giáo dục. Một số nơi cắt giảm biên chế giáo dục mầm non, gây tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở vùng nông thôn, và vùng đồng bào dân tộc ít người. Đó là chưa kể hiện chỉ có 72% giáo viên đủ chuẩn về sư phạm, nhiều cơ sở mầm non tư thục chưa được cấp phép, giáo viên chưa đạt chuẩn.
Câu hỏi đặt ra là liệu các giáo viên ở các trường mầm non có đủ thời gian và khả năng để theo dõi hết các cháu theo từng tiêu chí như vậy không? chính cô giáo Nguyễn Thị Dung phải thừa nhận là mặc dù trường của mình thực hiện các quy định rất nghiêm chỉnh nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn. Cô nói:
Trường em cũng như các trường khác thôi, có thể là học sinh đông hơn mình còn không đánh giá chuẩn bằng các trường khác. Như các trường khác, tỷ lệ thấp thì giáo viên có nhiều thời gian bao quát, đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Nói chung ở trên mà đưa xuống đúng tiến độ và đúng thời điểm thì bọn em mới có thời gian làm được, chứ nếu không thì đôi khi cũng phải bốc phét.
Cô Dung, GV mẫu giáo
Mặc dù theo quy định các trường phải nộp kết quả đánh giá các cháu về Sở giáo dục đào tạo tỉnh, thành phố. Rồi từng học kỳ sở sẽ cử đoàn kiểm tra xuống các trường để giám sát, kiểm tra. Nhưng liệu các phiếu đánh giá các cháu trong điều kiện thiếu thốn như vậy có dẫn đến tình trạng gian dối và chỉ mang nặng tính hình thức?
Khi được hỏi liệu có những đánh giá gian dối về tình trạng phát triển của trẻ tại các trường mẫu giáo hay không, cô Dung cho biết:
Nói chung ở trên mà đưa xuống đúng tiến độ và đúng thời điểm thì bọn em mới có thời gian làm được, chứ nếu không thì đôi khi cũng phải bốc phét.
Ngoài ra cũng có những ý kiến nhận xét về sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, nhất là đối với các vùng sâu vùng xa, thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất và chuyên môn.
Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép các trường mầm non, mẫu giáo độc lập triển khai sử dụng bộ chuẩn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của trường lớp.
Mặc dù bộ chuẩn mới sửa đổi không còn gặp phải nhiều ý kiến chống đối như dự thảo bộ chuẩn đưa ra hồi năm ngoái, nhưng bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn những nghi ngờ về tính thực thi của nó. Đã có chuyên gia cho rằng có lẽ bộ chuẩn sẽ chỉ được thực hiện mang tính hình thức mà thôi.