Nhân lực cho trường đại học đẳng cấp quốc tế

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa chủ trì một cuộc hội thảo lấy ý kiến các nhà giáo dục và chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước về hướng xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ được thành lập ở Việt Nam vào năm 2013.

Kinh phí xây dựng 4 trường này là vốn vay khoảng 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàngPhát Triển Châu Á (ADB). Kỳ trước trong loạt bài viết về vấn đề này, Mặc Lâm đã đưa ý kiến các chuyên gia cũng như nhà giáo dục nhận định về mặt hạ tầng cơ sở, kỳ này mời quý vị theo dõi tiếp những ý kiến bức xúc của các vị giáo sư trong và ngoài nước nhận định về vấn đề tuyển dụng nhân sự cho các trường này như thế nào, mời quý vị theo dõi.

Chất lượng còn kém

Việt Nam là nước có số lượng TS và GS tương đối khá cao trong khu vực, tuy nhiên khả năng thật sự của họ từng được dư luận nghi ngờ và nhiều điều tiếng liên tiếp xảy ra khiến khuôn mặt các nhà mô phạm ít nhiều ảnh hưởng.Tình trạng mua bằng cấp diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm qua khiến khó phân biệt ai giả ai thật trong hàng chục ngàn TS và GS hiện nay.

Vấn đề chuẩn bị nhân sự để có các GS sư giảng dạy tôi chưa thấy có một văn bản nào rõ ràng cả.

GS Nguyễn Đăng Hưng

Trước với thực trạng này dư luận xã hội quan ngại chất lượng giảng dạy trong các trường đại học hiện nay không phải là không có cơ sở. Chủ trương trường đại học quốc tế sẽ huy động doanh nghiệp đầu tư của Phó thủ tướng khó được đồng tình từ các doanh nghiệp, bởi lẽ việc sinh viên ra trường không thể làm việc đúng với bằng cấp của mình khiến doanh nghiệp cần kỹ sư tốt nghiệp từ đại học Việt Nam làm việc cho hãngxưởng của họ phải chấp nhận huấn luyện lại nếu không muốn thuê người nước ngoài là điều phổ biến. Cho tới nay chưa có chương trình hay kế hoạch nào được Bộ Giáo Dục quan tâm thực hiện để điều chỉnh tình trạng giảng dạy cho sinh viên được học hỏi tốt hơn theo thực tế mà doanh nghiệp đang đòi hỏi.

Chất xám thiếu như vậy thì việc Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân cho mở trường đại học đẳng cấp quốc tế phải chăng là một nỗ lực khó vượt qua? Cho tới nay chưa ai dám khẳng định rằng đội ngũ giảng viên đại học hiện nay trong nước được bao nhiêu người có thể đứng trên bục giảng của trường Đại học đẳng cấp này mà không cảm thấy lúng túng.

Tuyển dụng nhân sự chưa rõ ràng

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết về 4 mô hình mới mà ông kỳ vọng trong tương lai sẽ là 4 "lò" đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế; Cùng với việc tạo ra và nhân rộng những tri thức mới, công nghệ mới - đây sẽ là mô hình sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, có cơ cấu tổ chức, quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.

GSTS Trần Hồng Quân nguyên bộ trưởng Bộ Giáo Dục và đào tạo lo ngại về những tư duy bảo thủ sẽ cản trở tiến trình giáo dục theo khuynh hướng hội nhập nhưng ông tin rằng phải chú trọng vào nhân lực tại Việt Nam trước khi tìm kiếm ở bên ngoài, ông chia sẻ:

“Cái việc thành lập những trường mới là quyết tâm cao nhưng phải dựa vào con người VN. Con người thì có những yếu tố mới và cũ nên phải khắc phục.”

Việc tìm kiếm nguồn nhân lực theo kế hoạch của Phó thủ tướng xem ra không được sự đồng tình của các nhà giáo dục. Theo GS Nguyễn Đăng Hưng người có kinh nghiệm trong vấn đề này sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam cho biết:

" Vấn đề chuẩn bị nhân sự để có các GS sư giảng dạy tôi chưa thấy có một văn bản nào rõ ràng cả. "

Thất vọng của các GS hải ngoại

Giáo sư Bùi Thị Phượng, giám đốc trường đại học tư thục Hoa Sen nói lên kinh nghiệm của trường bà trước vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực nước ngoài bà nói:

Không có một người nào đã về dạy ít lâu mà có kinh nghiệm tốt về Việt Nam. Không ai muốn trở lại Việt Nam luôn để dạy cả.

Giáo Sư Trần Hữu Dũng

"Theo tôi thì kiều bào người ta rất nhiệt tình nhưng thường là khó có thể đóng góp được vì mục tiêu xử dụng ở trong nước nó không rõ ràng.”

Cả hai Giáo sư Bùi thị Phượng và Nguyễn Đăng Hưng đều có chung quan điểm về sự không rõ ràng trong khi vận động sự đóng góp của các GS kiều bào hải ngoại. Vậy vấn đề không rõ ràng này phát xuất từ đâu? Chính sách phân biệt giữa trong và ngoài hay cách hành xử của các viên chức giáo dục trong nước đã gây thất vọng cho những tinh hoa này?

Giáo Sư Trần Hữu Dũng hiện giảng dạy tại đại học Wright tiểu bang Ohio cho biết, ông không tin vào những kế hoạch mà phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra ông nói:

“Nếu tôi không lầm thì ông Nhân ổng nói 4 trường này là chuẩn quốc tế chứ không phải đẳng cấp quốc tế. Nhưng tôi không tin vì việc thiếu GS đang là một vấn đề lớn hiện nay của Việt nam.”

Giáo Sư Trần Hữu Dũng cũng cho biết những kinh nghiệm của ông và bạn bè ông về việc giảng dạy tại Việt Nam như sau:

“Không có một người nào đã về dạy ít lâu mà có kinh nghiệm tốt về Việt Nam. Không ai muốn trở lại Việt Nam luôn để dạy cả.”

Nhân lực là cốt lõi của ngành giáo dục. Trường hư có thể sửa, tiền thiếu thì dân có thể đóng góp, nhưng thầy giỏi thì phải là kế hoạch đào tạo lâu dài và đứng đắn của ngành giáo dục. Dư luận vẫn rất quan tâm về dự án đại học đẳng cấp quốc tế này và băn khoăn rằng: trong khi nền giáo dục đang đối diện với những thử thách lớn về nhân lực khắp các trường trong cả nước, Bộ Giáo Dục lại chủ trương mở trường đẳng cấp quốc tế liệu có phải là giải pháp hợp lý nhằm thay đổi bộ mặt giáo dục Việt Nam hay không?

Quý vị vừa theo dõi bài thứ hai với tiêu đề “Nhân lực cho trường đại học đẳng cấp quốc tế”. Mời quý vị tiếp tục theo dõi bài thứ ba bàn về vai trò quản trị cũng như chương trình giảng dạy của đại học này cũng do Mặc Lâm thực hiện sẽ phát thanh vào kỳ tới.