Mã hóa ngành thủy sản

Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ ngành xuất khẩu thủy sản quan trọng của mình. Chỉ riêng mặt hàng cá tra năm nay có thể đạt trị giá xuất khẩu 1 tỷ 300 triệu đô la.

0:00 / 0:00
ca-ba-tra-220.jpg
Các ngư dân đang kéo mẻ lưới đầy cá basa tại nông trại tư nhân ở An Giang. AFP Photo

Để đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thế giới, các bộ ngành chức năng đang chuẩn bị để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản tất cả chuỗi sản xuất kinh doanh, từ hộ nuôi, trang trại, thương lái thu gom cho đến nhà máy chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu. Trước hết vấn đề này được thực hiện với tôm và cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nam Nguyên trình bày thông tin này qua cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tử Cương, ủy viên thường vụ Hội Nghề Cá Việt Nam đặc trách về chất lượng, dịch bệnh và thị trường.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Tử Cương phát biểu:

Kiểm soát xuất xứ

Ông Nguyễn Tử Cương: Trước nay ở Việt Nam đã có làm nhưng mà chưa làm đồng bộ ở tất cả các thị trường, mà đặc biệt là thị trường nội địa thì chưa làm tốt, thì bắt đầu năm nay, từ năm 2009 và khẳng định là đến 2010, toàn bộ thủy sản được cung cấp đi tất cả các thị trường, kể cả bán trên thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng đòi hỏi phải có được nguồn gốc - xuất xứ là được nuôi hay được đánh bắt ở đâu, và tại đó cái việc thực hiện nuôi trồng và đánh bắt có đảm bảo các quy định không, và việc chế biến cũng được thực hiện như thế nào, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không. Ngay ở Việt Nam hiện nay người tiêu dùng cũng đòi hỏi một cái kiểm soát khá là nghiêm ngặt thì họ mới chấp nhận sản phẩm.

Chúng tôi cũng xin ghi nhận rằng đây là một việc làm rất là quá sức, tuy nhiên, để có thể được thị trường chấp nhận, kể cả người tiêu dùng Việt Nam, thì không có con đường nào khác là phải làm.

<strong>Ông Nguyễn Tử Cương</strong>

Khó khăn, vướng mắc

Nam Nguyên: Thưa ông, khả năng để thực hiện việc này có hiện thực hay không? Và còn những khó khăn vướng mắc rất là nhiều ạ.

Ông Nguyễn Tử Cương: Khó khăn lớn nhất là phải xác định cái hệ thống mã hóa. Vì Việt Nam đang ở trong quá trình sản xuất - thu mua nhỏ lẻ do vậy việc triển khai áp dụng mã hóa là gặp khó khăn. Đấy là lý do mà chúng tôi phải chuẩn bị rất là nhiều, nhiều tháng, nhiều năm. Tôi lấy ví dụ, phải có mã nước, sau đó mã tỉnh, sau mã tỉnh đến mã huyện, sau mã huyện mới đến mã nghề, và trong các mã nghề ấy mới đến cái mã số dành cho từng hộ sản xuất, hoặc là từng cơ sở đánh bắt. Việc này phải có một quy định, trước hết là của quốc gia, sau đó phải triển khai một khóa đào tạo quy mô rất là rộng lớn. Sau khóa đào tạo người dân cũng chưa làm được ngay, mà phải tổ chức tập huấn theo cái dạng "cầm tay chỉ việc", thì năm nay làm khóa triển khai quy mô lớn và đồng loạt ở tất cả các địa phương.

Thay đổi tư duy

Nam Nguyên: Có lẽ vấn đề khó khăn hơn cả là thay đổi tư duy người nuôi, kể cả người kinh doanh, nhà chế biến, nhà xuất khẩu nữa ạ?

Ông Nguyễn Tử Cương: Đúng thế. Một cái khó khăn rất lớn là để làm được việc này người ta mất thời gian, thứ hai là người ta phải ghi chép. Trước đây một cái khó khăn là người ta không làm như vậy, bây giờ phải làm, thì quá trình làm để cho người nuôi trồng, người đánh bắt nhận thức ra rằng việc này là phải làm và tại sao họ phải làm. Đấy là một quá trình rất là vất vả, có thể nói là hết sức vất vả giữa người muốn triển khai và đối tượng là phải triển khai việc này.

Nam Nguyên: Thưa ông, có đề nghị là lập mã số - mã vạch cho các vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như có thể là các thủy sản khác nữa, như vậy là có đi quá xa không đối với nông dân?

Ông Nguyễn Tử Cương: Chúng tôi cũng xin ghi nhận rằng đây là một việc làm rất là quá sức, tuy nhiên, để có thể được thị trường chấp nhận, kể cả người tiêu dùng Việt Nam, thì không có con đường nào khác là phải làm. Và chúng tôi cũng đã từng làm những việc như vậy trước đây thì thấy rằng là nếu mình quyết tâm và có giải pháp đúng, đồng thời nữa là làm thế nào đó để người dân đồng thuận với mình thì cái thành công là hiện thực chứ không phải là một cái hoang tưởng.

Và, theo quy luật thị trường, những cơ sở này sẽ, chúng ta không muốn dùng cái từ này nhưng mà nó sẽ xảy ra, đó là sẽ bị phá sản.

<strong>Ông Nguyễn Tử Cương</strong>

Xóa sổ những hộ nuôi nhỏ lẻ

Nam Nguyên: Thưa ông, các vấn đề như vậy và đặc biệt là bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn có thể là sẽ xóa sổ những hộ nuôi nhỏ lẻ hay không ạ? Tương lai của những người nuôi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long ạ?

Ông Nguyễn Tử Cương: Tự chúng tôi và kể cả những người nuôi cũng đã nhận thức được một điều là muốn có một ngành nuôi trồng phát triển, đặc biệt là nuôi thâm canh, tức là nuôi có cho ăn, mật độ dày, và có kiểm dịch bệnh, thì những hộ nuôi nhỏ lẻ và không có kiến thức thì chắc chắn là không cạnh tranh nổi. Và, theo quy luật thị trường, những cơ sở này sẽ, chúng ta không muốn dùng cái từ này nhưng mà nó sẽ xảy ra, đó là sẽ bị phá sản. Và các ao đầm sẽ được tích tụ vào cho các hộ nuôi mà có đủ khả năng kinh tế, và đặc biệt quan trọng là họ có đủ tiềm lực về khoa học - công nghệ thì mới có thể tồn tại được. Cái quy mô này, cái chiều hướng phát triển này thì hiện chúng tôi nhận thức được, và điều đặc biệt quan trọng là nhà nước cũng phải chấp nhận nó.

Nam Nguyên: Cảm ơn ông Nguyễn Tử Cương về thời gian ông dành cho Đài chúng tôi.

Ông Nguyễn Tử Cương: Vâng. Cảm ơn anh.