Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ có một tỉ trọng đáng kể với đội ngũ đông đảo thợ thủ công khéo tay, lành nghề. Đà suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến các làng nghề tại Việt Nam.
Tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu ảnh hưởng thế nào tới các làng nghề tại Việt Nam? Trả lời câu hỏi này của Báo VnEconomy bên lề diễn đàn "Tiềm năng và thực trạng của làng nghề Việt Nam hiện nay", được tổ chức tại Hà Nội hồi cuối năm ngoái, ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nói: "Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thu về của làng nghề là khoảng 750 triệu USD. Năm 2008, kim ngạch của làng nghề vẫn ước đạt khoảng 850 triệu USD. Nhưng ngay từ những tháng giữa năm nay, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, những khó khăn của làng nghề ngày càng hiện rõ."
Do nền kinh tế thế giới khó khăn, thị trường của các làng nghề cũng bị thu hẹp lại. Nhiều hợp đồng đã ký nay buộc phải hủy bỏ vì khách hàng không có khả năng thanh toán. Thêm vào đó sức tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng chững lại. Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, thu nhập giảm sút, các làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Nguy cơ phá sản
Theo số liệu thống kê gần đây nhất, cả nước hiện có khoảng 2.790 làng nghề truyền thống, các làng nghề này đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Trong đó có cả những người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em và lao động lúc nông nhàn.
Các doanh nghiệp này có thể sẽ phá sản nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Ông Lưu Duy Dần
Ông Dần cũng nói thêm rằng: "Theo thống kê của Hiệp hội, hiện có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề đang phải cầm cự, khoảng 20% đang thoi thóp. Các doanh nghiệp này có thể sẽ phá sản nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng trong thời gian tới."
Một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động lâu năm trong ngành Mây-Tre-Lá cũng đồng tình với nhận định trên. Doanh nghiệp này nói rằng:
“Khủng hoảng kinh tế đôi khi ảnh hưởng toàn bộ hết. Ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng thấy rõ là hiện nay không có đơn đặt hàng. Không có đơn hàng thì toàn bộ làng nghề hiện nay không có đầu ra. Theo truyền thống thì sau khi làm ruộng, người ta rảnh thì làm thêm nghề này. Còn bây giờ không có đơn hàng thì bắt buộc họ phải làm chuyện khác, hoặc vô những khu công nghiệp làm công nhân. Nói chung tình hình suy giảm nghiêm trọng về làng nghề. Tất cả bây giờ ăn thua bên phía nước ngoài hồi phục thôi.”
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Giám đốc Công ty Thêu May Việt Trì ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh chuyên làm mặt hàng thêu tay quần áo thời trang xuất sang thị trường Nhật bản hơn 17 năm nhưng cũng gặp khó khăn trong giai đoạn này. Ông Nhơn nói: "Dĩ nhiên là phải khó rồi vì ở đây chỉ làm hàng xuất đi nước ngoài không thôi. Bị ảnh hưởng do đơn đặt hàng ít."
Hàng rào kỹ thuật
Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới, các làng nghề còn gặp phải nhiều khó khăn khác nữa. Trong đó khó khăn hiện nay về vấn đề kỹ thuật là quan trọng nhất. Doanh nghiệp trên cũng cho biết:
Hiện nay khó khăn nhất là phải qua được hàng rào kỹ thuật mà trình độ Việt Nam thì xưa nay làm theo gia truyền thôi, bây giờ phải test theo tiêu chuẩn nước ngoài nên hầu hết các sản phẩm không qua được.
Một doanh nghiệp ở TPHCM
“Toàn bộ thị trường Châu Âu hay Mỹ dựng hàng rào kỹ thuật lên rồi. Mấy cái test của nước ngoài yêu cầu càng ngày càng cao thì với trình độ thủ công của mình, những sản phẩm đó không qua nổi mấy test đó. Hiện nay khó khăn nhất là phải qua được hàng rào kỹ thuật mà trình độ Việt Nam thì xưa nay làm theo gia truyền thôi, bây giờ phải test theo tiêu chuẩn nước ngoài nên hầu hết các sản phẩm không qua được. Bây giờ chưa biết cách nào để tháo gỡ. Hiện nay ở khối doanh nghiệp chưa đủ tầm để làm, có hô hào nhưng chưa có cơ quan nào hỗ trợ cụ thể. Chủ yếu là các doanh nghiệp tự xoay xở.”
Như một cái vòng luẩn quẩn – thiếu vốn, không có điều kiện cải tiến công nghệ, mẫu mã đã khiến cho các làng nghề không dễ mở rộng thị trường. Thị trường không được mở rộng, doanh nghiệp sẽ không có vốn để cải tiến sản xuất. Tất cả điều này đã khiến cho các làng nghề khó có cơ hội phát triển.
Vấn đề việc làm
Các làng nghề còn đang đứng trước thách thức về vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, vì các lao động thủ công này hầu hết là những lao động ở nông thôn xử dụng thời gian lao động nhàn rỗi của họ để kiếm thêm thu nhập, hoặc là những người ở các trại trẻ mồ côi, trung tâm giáo dục. Chủ yếu là hưởng theo sản phẩm, nên nếu không có hàng thì tất nhiên nguồn thu nhập sẽ mất.
Theo Hiệp Hội làng nghề, trong năm nay có khoảng 5 triệu lao động làng nghề mất việc làm, kể cả công nhân thời vụ, trong đó các ngành như gốm sứ, mây tre, đan lát… sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Do sức mua của nước ngoài giảm nên rất nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ việc. Và không chỉ ở làng gốm Bát Tràng mà các làng nghề khác cũng chịu cảnh tương tự.
Ông Lê Huy Thanh
Có doanh nghiệp trước đây có khoảng 1.000 lao động nhưng nay còn lại chỉ khoảng 1/3 và sản xuất cầm chừng. Ông Lê Huy Thanh, Phó Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng cho biết: "Do sức mua của nước ngoài giảm nên rất nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ việc. Và không chỉ ở làng gốm Bát Tràng mà các làng nghề khác cũng chịu cảnh tương tự."
Tuy vậy cũng có doanh nghiệp cầm cự được trong bối cảnh này, để làm được như thế doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và giữ được khách hàng. Chị Tô Trần Bi Vi, chủ doanh nghiệp thêu Bi Vi ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm. Chị nói:
“Đa số thị trường của Bi Vi là bên Mỹ và Nhật. Nói chung là những nơi khác thế nào thì em không biết nhưng đối với em thì vẫn ổn định lượng khách hàng và thời điểm khủng hoảng vừa rồi thì bên em không có vấn đề gì hết. Hàng vẫn làm tương đối đều, không bị ảnh hưởng gì. Về mặt chất lượng thì khách hàng chấp nhận được. Về tiến độ thì bên em cũng đáp ứng được hết nên không có vấn đề gì.”
Làng nghề là nơi tạo ra những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của từng vùng miền, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc, và lưu giữ những giá trị truyền thống, nghệ thuật để truyền từ đời này sang đời khác. Đồng thời cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Do đó cần có một chính sách đúng đắn để duy trì và phát triển làng nghề.