Việt Nam có 13 triệu hộ nông dân với diện tích đất nông nghiệp 9 triệu ha, trong số này có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa. Trong những nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất phải kể tới gạo và cà phê. Thử lắng nghe tâm sự người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, những người góp sức làm ra 5-6 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm.
Cuộc sống thấy cũng đỡ hơn hồi xưa rồi. Tôi thấy cũng có phát triển nhưng mà chậm lắm. Chậm hơn thành thị về mọi mặt, về sự hiểu biết, các nhu cầu phục vụ đời sống.
Nông dân ĐBSCL
“Cuộc sống thấy cũng đỡ hơn hồi xưa rồi. Tôi thấy cũng có phát triển nhưng mà chậm lắm. Chậm hơn thành thị về mọi mặt, về sự hiểu biết, các nhu cầu phục vụ đời sống hàng ngày cũng chậm hơn. Ngay cả những người nông dân kinh tế vào hàng kha khá, chưa chắc gì họ đi ra khỏi tỉnh của mình được một, hai lần mỗi năm…cứ quanh quẩn trong cái ruộng thôi. Trong khi đó những người cán bộ công chức, hay những người làm việc gì không biết, người ta không có ruộng đất nhưng họ vẫn giàu, cuộc sống người ta thoải mái thỉnh thoảng đi du lịch xứ này xứ nọ. Người nông dân thì cứ quanh quẩn trên cánh đồng suốt năm có được đi đâu, có những người cả đời chưa được vào nhà hàng ăn được bữa cơm ngon, nói chi được đi xa.”
Nỗi buồn nông dân miền Bắc
Nếu như ở Tây Nam Bộ, nông dân chí ít cũng làm 1 tới 2 ha ruộng, thậm chí có thể tích tụ nhiều tới 15-20 ha, ở miền Bắc đất hẹp người đông, nên mỗi hộ nông dân bình quân chỉ có từ 0,3 tới 0,4 ha đất canh tác. Nông dân miền Bắc được mô tả là nghèo khó hơn hẳn vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú.
Bức tranh màu xám của người nông dân trồng lúa ở miền Bắc từng được một nhà báo có tên tuổi là ông Nguyễn Quang Thiều tả chân trên Vietnamnet. Theo đó, nông dân miền Bắc như bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa bão gió. Thay vào giấc mơ cơ giới hóa là sự trở về của một hiện thực. Đó là hiện thực buồn với hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau.
Vẫn theo ghi nhận của nhà báo Nguyễn Quang Thiều, ông đến xem triễn lãm ảnh về nông thôn, những bức ảnh chụp rất đẹp theo nghĩa nghệ thuật chụp ảnh. Nhưng ông nhận ra rằng: những cảnh làm ruộng của những người nông dân mấy chục năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm. Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng, còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ.
Nhận định của nhà báo Nguyễn Quang Thiều mang một nỗi buồn u uất. Phải chăng chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của Nhà nước không mang lại lợi ích đích thực cho người nông dân, dù đã qua thời gian nửa đời người.
“Nói đúng ra ở những nước quá độ đều có những thứ phải đánh đổi. rồi từ từ mọi thứ đều sẽ đâu vào đấy. Tôi tin là đời sống của người nông dân cà phê sẽ khác. Cách đây vài năm người nông dân còn chưa biết giá thị trường Luân Đôn là gì, đại lý làm giá là cớ vì sao? Rồi kỹ thuật canh tác chăm sóc bây giờ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, người ta chuyển đổi cơ cấu về giống, thứ hai là hỗ trợ thông tin các thứ rất là tốt. Chẳng qua là do cách làm ăn của bà con mình, thứ nhất là sợ đổi mới, mấy bữa nay cũng rộ lên chuyện giá cà phê thấp quá, chặt đi thì làm cái gì thành ra cũng hướng mở nhiều ý tưởng mới. Tiếp tục làm ăn theo cung cách này thì không riêng gì năm nay mà sẽ khổ dài dài. Nếu so với mặt bằng chung thì người nông dân cà phê có thu nhập cao hơn cả, so với ở quê trồng lúa. Ở miền Trung một nhà 5 sào lúa thì mỗi năm thu hoạch được bao nhiêu, chỉ 800 ngàn tới 1 triệu một vụ. Trồng cà phê một ha thu hoạch 3 tấn, giá 25 triệu đồng một tấn vị chi 75 triệu một ha.”
Việt Nam tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong hai thập niên vừa qua, nền tảng phát triển dựa trên xuất khẩu trong đó có sự đóng góp lớn lao từ nông nghiệp. Thật là nghịch lý khi những người làm ra hạt lúa, hạt cà phê, cá tôm xuất khẩu đem lại hàng tỷ đô la mỗi năm cho đất nước, lại chịu sự thiếu thốn trong đời sống.
Đối với giáo sư viện sĩ Đào Thế Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, đây là hậu quả của việc bóc lột nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp hóa. Trong bài phỏng vấn được Vietnam Net đưa lên mạng đầu tháng 7 năm ngoái, GSVS Đào Thế Tuấn cho rằng: "Nhìn từ góc độ chính trị-xã hội, nông dân Việt Nam là những người ít được hưởng lợi nhất từ đổi mới. Nông dân còn quá nghèo, ít được hưởng phúc lợi xã hội như giáo dục y tế…thiếu việc làm ở nông thôn và buộc phải di cư ra thành phố làm thuê với giá lao động rẻ mạt."
Nhìn từ góc độ chính trị-xã hội, nông dân Việt Nam là những người ít được hưởng lợi nhất từ đổi mới. Nông dân còn quá nghèo.
GS Đào Thế Tuấn
Nhận xét của GSVS Đào Thế Tuấn trên Vietnam Net còn nguyên giá trị, chúng tôi trích lại trong bài này, trong dịp Việt Nam đánh dấu 35 năm thống nhất. Theo GSVS Đào Thế Tuấn, các vấn đề lớn của nông dân Việt Nam hiện nay là:
“Thu nhập thấp, mất đất, không có việc làm. Khoảng cách thu nhập chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn là rất lớn. Nông thôn thừa khoảng 50% lao động, nhưng lại không phải là kết quả của sự phát triển công nghiệp, mà do họ làm nông nghiệp thì không có đất, không làm nông nghiệp thì chẳng biết dùng họ vào việc gì.”
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn Việt Nam, nhìn nhận là nông dân không được phân chia lợi tức tương xứng với công sức lao động của họ, nói chung nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức so với sự đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế. Thực trạng đã được kiểm chứng, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày một lớn, thu nhập trung bình của người dân nông thôn chỉ bằng một nửa của cư dân thành thị. Tuy vậy TS Đặng Kim Sơn cho rằng không thể phủ nhận thành tích xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và thành quả của nông nghiệp:
"Nếu nói là Việt Nam trong thời gian ba mươi năm đổi mới vừa qua cái gì là nổi bật, thì phải nói là nông nghiệp phát triển là thành tựu, một trong những thành tựu nhiều nhất là trước khi đổi mới Việt Nam nhập mỗi năm từ 0,8 tới hơn 1 triệu tấn lương thực, thì đến nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới."
Đặt ra những mốc thời gian 1975 chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước, 1986 bắt đầu đổi mới đi theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì 20 năm qua người nông dân đã vắt kiệt sức mình để chính phủ có thể tự hào với thành tích tăng trưởng được thế giới khen ngợi.
Nếu đặt câu hỏi, đất nước chuyển mình phát triển với biết bao thành quả tất nhiên có cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó. Một bạn sinh viên nói với chúng tôi, đã 35 năm qua đất nước đã đổi khác, tư duy của người dân cũng thế. Đã ở vào thời đại mà chuyện ăn đủ no, mặc đủ ấm chỉ là nhu cầu tối thiểu, điều mà cư dân nông thôn mong muốn rõ ràng là một mức sống cao hơn. Vấn đề hạ tầng cơ sở đường xá cầu cống, trường học, bệnh viện và cả nhu cầu giải trí cũng phải được áp ứng như ở các nước láng giềng.
Có một mốc thời gian nữa cần được nhắc tới: tháng 8/2008 Trung ương đảng cộng sản Việt Nam công bố nghị quyết Tam Nông với chủ đích phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Các chuyên gia nói, ở Việt Nam mọi việc đều tiến triển rất chậm, để chính sách Tam Nông đi vào cuộc sống và thực sự đổi đời nông thôn, có khi cần một thời gian dài bằng cả quá trình đổi mới vừa qua.