Hệ thống điểm thưởng cho học sinh giỏi Việt Nam sắp được quyết định

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Vấn đề tuyển sinh đại học năm nào cũng tạo tranh luận và bức xúc trong giới học sinh, sinh viên và phụ huynh các em. Để giải tỏa bớt phần nào những điểm bất cập, bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tuyển sinh 2006 vào (thứ Năm, hôm nay, ngày mai) nhằm tìm giải pháp tốt đẹp hơn, trong đó vấn đề nổi nhất là chuyện điểm thưởng. Lê Dân tìm hiểu thêm và trình bày như sau.

student200.jpg
Vấn đề tuyển sinh đại học năm nào cũng tạo tranh luận và bức xúc trong giới học sinh và phụ huynh.

Cuối cùng, chuyện nhiều người ngờ vực đã được chứng minh bằng số liệu cụ thể. Sau hai tháng làm việc, tổ công tác nghiên cứu điểm thưởng của bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn tất thống kê về kết quả thi và việc học tập của hơn 50 ngàn học sinh hưởng điểm thưởng của giai đoạn từ năm 2003 đến 2005.

Việc xác định học sinh giỏi thật sự ra sao? Trao đổi với chúng tôi về việc này, một nhà giáo vừa nghỉ hưu cho biết:

“Cái ý thì rất tốt. Không ngờ là khi thực hiện thì nẩy sinh một số tiêu cực. Thật sự các phong trào về học sinh giỏi cho các em được một cái ưu tiên gì đó, để động viên khuyến khích các em vậy thôi.”

Học sinh giỏi "ảo"

Tỷ lệ học sinh giỏi "ảo", tức không thật, được thể hiện khá rõ qua kết quả thi đại học, cao đẳng. Nổi cộm nhất là tại 20 tỉnh, thành phố có trên 20% học sinh giỏi mà điểm thi đại học lại dưới mức 15 điểm. Trong đó có 263 học sinh giỏi có môn bị điểm 0, nhiều em cả ba môn đều bị không điểm. Nhiều nhất là tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang....Tại các địa phương này năm 2005, cứ hai học sinh giỏi thì một em có điểm thi vào đại học dưới mức trung bình.

Việc học tập ở một số trường đại học danh tiếng của số học sinh được điểm thưởng còn đáng quan ngại hơn. Số liệu thống kê tại đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy gần 68% sinh viên có điểm thưởng khi thi tuyển, trong học tập chỉ đạt mức trung bình, chưa kể 7% có kết quả kém.

Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có 63% sinh viên hưởng điểm thưởng chỉ đạt kết quả học tập mức trung bình và 10% học kém. Tình trạng đó còn được nhận thấy tại đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại một số trường như đại học Giao thông-Vận tải, riêng khóa 43 có 8 sinh viên có điểm thưởng bị buộc phải thôi học, 7 sinh viên phải tạm dừng học. Trường đại học Thủy lợi năm 2004 có 29 sinh viên hưởng điểm thưởng khi thi nhập học, nhưng ngay năm đầu tiên có tới 27 em phải thi lại hoặc học lại.

Nạn "chạy"điểm

Tình hình đó cho thấy sự chỉ trích của nhiều học sinh và phụ huynh các em về nạn "chạy"điểm để dễ vào đại học, bất chấp trình độ học hành của chính các học sinh được cưng chiều đó.

Độc giả Hoàng Lan viết cho tờ VnExpress rằng "là một người đã trải qua thời gian đào tạo trung học, tôi khẳng định chuyện "xin điểm" để được danh hiệu học sinh giỏi đầy rẫy. Nhiều khi chỉ cần những lời "nhờ cậy" của giáo viên chủ nhiệm, hoặc giáo viên bộ môn, là cũng có thể "giải quyết" được vấn đề, mà không phải quà cáp, biếu xén gì. Nhưng cũng có khi phụ huynh phải "chi" khá nhiều cho chuyện điểm giả của con em họ".

Chuyện chạy điểm giỏi để dễ vào đại học hầu như vẫn được dư luận nói tới từ lâu nay, nhưng nó chỉ mới thật sự trở thành nóng bỏng khi học sinh Hoàng thị Hiền của trường Lê Viết Thuật ở thành phố Vinh thẳng thắn nêu ra và được đích thân thứ trưởng Giáo dục Bành Tiến Long quan tâm.

Thật ra, việc một học sinh thật sự giỏi ở cấp trung học thì đương nhiên vẫn giỏi hơn người khác khi thi vào đại học. Còn học sinh không giỏi, mà được hưởng điểm thường từ 1 đến 2 điểm, có vào đại học cũng không vượt trội hơn được các bạn đồng học khác.

Một đặc ân, đặc quyền

Việc ban bố điểm thưởng do đó trở thành một đặc ân, đặc quyền mà nhiều người cho là không nên có trong một xã hội công bằng. Ngoài việc tiếp tay với tiêu cực, nó còn thúc đẩy bệnh thành tích, vốn đeo đẳng trầm kha mà Nhà nước đang ra sức tiêu diệt.

Nhà giáo vừa nghỉ hưu đưa ra nhận xét: "Thế là phát sinh tiêu cực, rằng ở lớp mình dạy có học sinh giỏi cấp này, cấp kia. Nó còn liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm nữa." Chiều thứ Ba, thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn văn Vọng cho báo chí biết sẽ tiến hành thanh tra những địa phương có số luợng học sinh giỏi tăng đột biến trong thời gian qua. Nếu phát hiện có dấu hiệu bệnh thành tích hoặc tiêu cực, bộ sẽ có biện pháp kỷ luật thích đáng.

Việc phương án điểm thưởng trong thi tuyển đại học có hủy bỏ hay không sẽ được Hội nghị Tuyển sinh 2006 quyết định vào phiên họp có trực tiếp truyền hình vào ngày thứ Năm. Nhiều phụ huynh và học sinh hy vọng là quy định ưu tiên đó sẽ được bãi bỏ ngay từ mùa thi tuyển sắp tới.