Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng - Tổng thống Johnson

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Phần thứ nhì của cuộc hội thảo về những cuộn băng ghi âm tại tòa Bạch ốc về chiến cuộc Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại thư viện Tổng thống John F. Kennedy ở Boston dành cho thời Tổng thống Lyndon B. Johnson. Biên tập viên Lê Dân tham dự buổi hội thảo và luợc thuật như sau.

0:00 / 0:00
LyndonBJohnson200.jpg
Tổng thống Lyndon B. Johnson hôm 23-9- 1965. Photo courtesy of Thư viện Tổng thống Johnson

Phần dành cho "Vấn đề Việt Nam và những cuộn băng ghi âm của các Tổng thống" được điều hợp bởi bà Sharon K. Fawcett, trợ lý Văn khố trưởng Thư viện các Tổng thống Hoa Kỳ.

Buổi tham luận về những cuốn băng ghi âm tại tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson được trình bày bởi ông Timothy Naftali, giám đốc Chương trình Băng Ghi âm các Tổng thống thuộc Trung tâm Miller, viện đại học Virginia.

Mở đầu, ông cho biết các cuốn băng đó dài gần 800 giờ được thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson bảo quản cẩn thận và cho giải mật, đưa ra công luận theo từng thời điểm.

Ông trình bày vài trích đoạn ngắn trong số các băng ghi âm đó, mà theo ông có thể giúp cho thấy những gì ông Johnson thật sự nghĩ về cuộc chiến tại Việt Nam.

Ông Johnson nghĩ gì về cuộc chiến Việt Nam?

7 năm trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, trước khi tên tuổi hàng chục ngàn thanh niên Hoa Kỳ chưa phải ghi vào bia tưởng niệm, Tổng thống Lyndon Johnson đã bày tỏ sự băn khoăn, bứt rứt, của ông trong vai trò người lãnh đạo phân nửa thế giới, đối đầu với nửa thế giới kia.

Hồi năm 1970, ông Johnson từng tâm sự với một thân hữu rằng trong thời gian nhậm chức Tổng thống ông bị buộc phải chịu tội, dù làm bất cứ hành động gì đi nữa. Nếu ông bỏ lơi nội tình trong nước để lo đối phó với bên ngoài, thì sẽ mất hết hậu thuẫn của dân Mỹ. Nếu ông chiều theo áp lực trong nước để rút khỏi cuộc chiến, để phe Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam thì sẽ bị quốc tế xem là nhu nhược và sẽ không còn có thể làm bất cứ điều gì, bất cứ ở đâu trên toàn quả địa cầu nữa.

Không hoàn toàn giống như ấn tượng vào thời đó cho Tổng thống Lyndon B. Johnson là nhà lãnh đạo "diều hâu", hiếu chiến nhất, những chứng cứ mới công bố qua những đoạn băng và bản ghi lại, đã cho thấy nội tâm của người đứng đầu tòa Bạch Ốc vào lúc chiến tranh Việt Nam đang ở cao điểm.

Ông Tim Naftali, giám đốc Chương trình Băng Ghi âm các Tổng thống thuộc Trung tâm Miller, viện đại học Virginia, Ông Naftali nói những cuộn băng thời Johnson, gồm cả lúc cuối là vào giữa năm 1966 đều phản ảnh tâm trạng một nhà lãnh đạo luôn bị dằn vặt. Chúng lại còn tô đậm sự thiếu quả quyết và sự băn khoăn, thống khổ của ông Johnson mà không lời nào tả xiết.

Trong trích đoạn băng đầu tiên, ghi âm hồi tháng Bảy năm 1965, là lúc nhà cầm quyền Sàigòn vừa thay đổi sau một vụ đảo chánh mới, các cố vấn của Tổng thống Johnson khuyên rằng muốn cứu vãn miền Nam Việt Nam khỏi sụp đổ thì Hoa Kỳ cần gia tăng sự hiện diện quân sự từ 75 ngàn lên 175 ngàn binh sĩ.

Một năm trước đó, tức 1964, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ cho phép Washington sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi các cuộc tấn công võ trang vào lực lượng Hoa Kỳ.

Ông Tim Naftali nhấn mạnh rằng trong trích đoạn băng sau đây giữa Tổng thống Johnson và bộ trưởng Quốc phòng McNamara, ông Johnson than phiền về việc Quốc hội không cho phép Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam, mà chỉ cho phép sử dụng sức mạnh quân sự trong giới hạn mà thôi.

Ông Johnson thừa nhận rằng dù biết vậy, nhưng vẫn phải tiến hành quyết định gọi là "Mỹ hóa chiến tranh", đưa thêm quân vào chiến trường và gia tăng oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh và những căn cứ quân sự ở miền Bắc. Lý do là vì thể diện của một cường quốc, lãnh đạo thế giới tự do đối đầu với thế giới cộng sản do Liên Xô và Trung Quốc đứng đầu.

Ông nhìn nhận rằng lẽ ra Hoa Kỳ không nên nhúng tay vào vấn đề Việt Nam, khiến bây giờ ông không thể rút ra được, nhưng không thể tính tới chuyện thua cuộc. Ông vẫn tìm cách giải quyết, ít nhất là làm sao cho Bắc Việt chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Trong cuốn băng ghi lại cuộc thảo luận của Tổng thống Johnson với thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, có lúc ông giận dữ nhắc tới cuộc đảo chánh và cái chết phi lý, thảm thương của Tổng thống Ngô Đình Diệm, do những nhận định thiếu suy xét mà ra. Theo ông thì từ đó mà Hoa Kỳ phải can dự ngày càng sâu đậm vào vấn đề Việt Nam. Ông Johnson gọi nhóm tướng lãnh miền Nam Việt Nam giết anh em ông Diệm là "a bunch of thugs", xin tạm dịch là "một nhóm côn đồ".

Ông Tim Naftali, giám đốc Chương trình Băng Ghi âm các Tổng thống thuộc Trung tâm Miller, viện đại học Virginia, cho biết rằng 7 năm trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, trước khi tên tuổi hàng chục ngàn thanh niên Hoa Kỳ chưa phải ghi vào bia tưởng niệm, Tổng thống Lyndon Johnson đã bày tỏ sự băn khoăn, bứt rứt, của ông trong vai trò người lãnh đạo phân nửa thế giới, đối đầu với nửa thế giới kia.

Ông Naftali nói sự khắc khoải của ông Johnson không được công luận biết tới hồi những năm 1965, 1966, mà bây giờ nó thể hiện rõ qua những cuốn băng ghi âm. Tổng thống trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ là tư lệnh tối cao, ông ta không thể công khai thừa nhận thất trận. Đó là vấn đề thách đố nhất cho một nền dân chủ điển hình. Tổng thống Johnson chỉ đơn giản là không thể thừa nhận yếu thế và bằng mọi cách phải cố giải quyết.

Theo tư liệu của ban Việt ngữ đài Á châu Tự do tìm được thì vào ngày 31 tháng Ba năm 1968, Tổng thống Lyndon Baines Johnson loan báo quyết định không nhận sự đề cử của đảng Dân chủ ra tranh nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhì, mà giành toàn thời gian 1 năm còn lại trong chức vụ Tổng thống để giải quyết cho dứt chiến tranh Việt Nam. Đó là điều mà ông gọi là "hòa bình trong danh dự".

<<

Những tài liệu về thời Tổng thống Johnson, quý thính giả có thể tìm thêm bằng cách vào trang cung cấp thông tin Google, đánh chữ "Lyndon B. Johnson" và sẽ được giới thiệu những trang web liên quan, như Thư viện Tổng thống Johnson, Văn Khố Quốc gia Hoa Kỳ.....

Trong một bài tới, chúng tôi xin tường thuật phần hội thảo về những cuốn băng ghi âm thời Tổng thống Richard Nixon, đặc biệt về các nỗ lực đàm phán chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Theo dòng sự kiện:

- Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng - Tổng thống Richard Nixon

- Cuộc chiến Việt Nam và các Tổng thống Hoa Kỳ

- Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng