Lê Dân, phóng viên đài RFA
Cuối tuần qua tại thành phố Boston, thư viện Tổng Thống Kennedy đã phối hợp cùng Văn khố Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức buổi hội thảo về cuộc chiến Việt Nam và các Tổng Thống Mỹ. Phái viên Lê Dân đã tham dự và tường thuật như sau.
Buổi hội thảo được tổ chức trong hai ngày. Thứ Sáu mùng 10 tháng Ba giành cho các học giả với chủ đề “Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam như thế nào” và phần trình bày những đoạn băng ghi âm trong Nhà Trắng vừa được giải mật. Ngày thứ Bảy, 11 tháng Ba giành cho chủ đề “Những gì xảy ra trong Nhà Trắng vào thời điểm đó” và “Truyền thông và công luận Hoa Kỳ”, cuối cùng là “Những bài học rút ra từ vụ Việt Nam”.
Cuộc hội thảo từ nhiều tháng trước ngày khai diễn đã được đăng ký kín chỗ, hầu hết là bởi giới học giả, truyền thông và sinh viên khoa Sử hoặc Bang giao Quốc tế.
Mở đầu, bà Deborah Leff, giám đốc Thư viện và Bảo tàng Tổng Thống John F. Kennedy cho biết đây là lần đầu tiên mà thư viện các Tổng Thống phối hợp để cùng Văn khố Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức một cuộc hội thảo về một vấn đề gây tranh luận trong công chúng Hoa Kỳ nhiều thập niên qua.
“Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam như thế nào”
Trong bài tường thuật đầu tiên này, chúng tôi xin giành cho phần “Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam như thế nào”. Phần này có sự đóng góp của những học giả uy tín là giáo sư Sử học Marilyn Young của viện đại học New York, giáo sư Robert D. Schulzinger của viện đại học Colorado và cựu giáo sư George Herring của viện đại học Kentucky. Tất cả đều có những khảo cứu và tác phẩm viết về chiến cuộc Việt Nam. Người điều hợp là tiến sĩ Allen Weinstein, Văn khố trưởng Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ một bài báo nói, chúng tôi không thể trình bày hết mọi thông tin, nên mạn phép xin thuật lại những điểm nổi bật, ít nhất là dưới nhãn quan của một người Việt. Phần lược thuật xin theo thứ tự thời gian của lịch sử, chứ không theo trình tự của buổi thảo luận.
Về việc vì sao Việt Nam trở thành đề tài thời sự tại Hoa Kỳ trong giai đoạn trước năm 1954, giáo sư Marilyn Young cho biết sau chiến cuộc Triều Tiên, Hoa Kỳ rất lo ngại về sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản tại Á châu. Do đó khi Washington quyết định trợ giúp Pháp tại Đông Dương, không có nghĩa là Hoa Kỳ muốn thay chân Pháp để làm “thực dân mới”, mà chính là để ngăn chận sự bành trướng của Liên Xô.
Tiếp theo, giáo sư George Herring cho biết từ sau chiến thắng tại Triều Tiên và sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ, Washington đã lên kế hoạch nghiêm chỉnh qua các cuộc thảo luận kéo dài với chính phủ Pháp.
Ông nói thêm là vào thời điểm đó, Hoa Kỳ chưa sẵn sàng để tiếp thu di sản tan hoang mà Pháp để lại ở Đông Dương, dù rằng rất lo ngại về hiểm họa cộng sản lan tràn khắp phần còn lại của châu Á.
Thế rồi đến hiệp định Genève năm 1954, hàng triệu người miền Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam tỵ nạn khiến Washington bối rối do cam kết với Pháp. Hoa Kỳ buộc lòng phải can dự và ông Ngô Đình Diệm được chọn để cầm đầu chính phủ miền Nam vì ông là nhân vật duy nhất có tầm cỡ quốc gia vào lúc bấy giờ sau nhiều năm bị tù đày và lưu vong. Ông cũng là người được dân chúng tôn trọng vì can đảm, dám nói thẳng, chống lại Pháp.
Vài năm trôi qua, Tổng Thống Eisenhower bất chấp những đề nghị của các tướng lãnh đồng sự khi trước, quyết định không can thiệp quân sự vào Việt Nam.
Tổng Thống Kennedy
Giáo sư Robert D. Schulzinger của viện đại học Colorado cho biết đến thời Tổng Thống Kennedy, ông đã tỏ ra nóng vội với chiến dịch Vịnh Con Heo ở Cuba, nhưng sau đó nhờ sự quả cảm đã khiến Liên Xô phải thoái bộ trong ý đồ khai triển tên lửa tại đảo quốc cộng sản Cuba này. Trong niềm phấn khích đó, ông Kennedy rơi vào dụng ý bày sẵn của những thuộc cấp.
Ông nói thêm là Tổng Thống Kennedy rất tự tin và chẳng nghe ai một khi ông đã quyết. Thế nhưng ông không biết rõ phải làm gì đối với tình hình phức tạp ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Chỉ vài tuần sau khi ông Diệm bị giết chết vào tháng 11 năm 1963, tình hình thay đổi tận gốc rễ. Các cố vấn của Tổng Thống Kennedy biết là cần phải làm một điều gì để cứu vãn, đặc biệt là chỉ còn một năm trước ngày bầu cử tại Hoa Kỳ.
Khi ông Kennedy bị ám sát, Tổng Thống thừa nhiệm là Lyndon Johnson chỉ việc tiếp tục những gì ông Kennedy đã khởi sự. Và thế là Hoa Kỳ tiếp tục nhúng tay vào Việt Nam ngày càng sâu hơn.
Trong một bài sau, chúng tôi sẽ lược thuật về một số trích đoạn các cuộn băng ghi âm tại Nhà Trắng trong thời Tổng Thống Johnson, là lúc chiến sự Việt Nam ngày càng gay gắt.
Sau đó là bài nói về những gì xảy ra tại Nhà Trắng trong thời điểm đó qua lời thuật lại của những người trong cuộc là ông Theodore Sorensen, luật gia của Tổng Thống Kennedy, ông Jack Valenti, trợ lý đặc biệt của Tổng Thống Johnson, ông henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Nixon và tướng Alexander Haig, trợ lý quân sự cho ông Henry Kissinger vào lúc đó, cùng một số nhân vật khác.
Lê Dân tường thuật từ thành phố Boston, bang Massachussetts.
Theo dòng sự kiện
- Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng