Việt Long, phóng viên đài RFA
Trong một buổi phát thanh trước ông Hoàng Thanh Phong, một chuyên viên kinh tế ở Việt Nam, đã trình bày sơ lược về kế hoạch cổ phần hoá các doanh nghiệp quốc doanh cùng những khó khăn của nó. Một trong những cản trở là Nhà nước Việt Nam vẫn múốn giữ độc quyền trong một số ngành quan trọng và không quan trọng. Câu hỏi của Việt-Long là:
Việt Long: Thế Nhà nước giải thích ra sao về việc giữ lại vai trò độc quyền của Nhà nước ở những doanh nghiệp đó?
Hoàng Thanh Phong: Nhà nước giải thích là vì Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với doanh nghiệp quốc doanh sẽ vẫn nắm giữ các vị trí chủ đạo trong nhiều khu vực kinh tế, bảo đảm cho đảng Cộng Sản – thông qua hệ thống cán bộ đảng - nắm giữ các vị trí quản lý và lãnh đạo then chốt trong nền kinh tế.
Thực ra việc các cán bộ đảng muốn tiếp tục duy trì quyền lợi của họ chính là nguyên nhân khiến cho toàn bộ chương trình cải cách kinh tế, cải cách doanh nghiệp-cổ phần hoá đã và đang bị chậm lại.
Trong khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp muốn được thoát khỏi sự quản lý của hệ thống nhà nước để họ có thể đem hết khả năng ra kinh doanh nhằm đạt tới lợi nhuận tối đa, thì cũng có rất nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp – vì nhiều lý do khác nhau như thói quen làm việc dưới các chính sách ưu đãi của Nhà nước, vì sự bất tài, hay quen dựa vào sự lỏng lẻo của cơ chế quản lý nhà nước để dễ tham ô hay tư lợi - lại thích được tiếp tục duy trì là doanh nghiệp quốc doanh.
Việt Long: Các cấp lãnh đạo Việt Nam thường kêu gọi đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp đấy chứ? Vì sao cấp thừa hành và một số địa phương lại có thể kéo lùi lại?
Thực ra việc các cán bộ đảng muốn tiếp tục duy trì quyền lợi của họ chính là nguyên nhân khiến cho toàn bộ chương trình cải cách kinh tế, cải cách doanh nghiệp-cổ phần hoá đã và đang bị chậm lại.
Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, quả là các vị lãnh đạo nhà nước như thủ tướng Phan Văn Khải hay phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường kêu gọi đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp, nhưng thực sự thì việc nhanh hay chậm cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của hai ông lãnh đạo đó.
Rất nhiều lãnh đạo kinh doanh ở Việt Nam là do Ban Tổ chức của đảng CS bổ nhiệm, và trong một đất nước vẫn do đảng nắm giữ uy quyền tối cao thì không một quyết định quan trọng nào lại có thể được đưa ra nếu không do cơ quan quyền lực nhất là Ban Tổ chức, mà trực tiếp do Bộ chính trị đảng điều hành hàng ngày.
Việt Long: Ông có thể chứng minh được bằng một ví dụ cụ thể nào đó không?
Hoàng Thanh Phong: Được thôi ông ạ. Một thí dụ này có thể cho anh thấy là những người CS đã luôn luôn chú trọng đến bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước: Các kinh tế gia trong nước vào năm 1999 đã quyết tâm cho ra đời một Luật Đầu tư trong nước, từ đó mở ra cơ hội cho sự ra đời của hàng trăm nghìn công ty và doanh nghiệp tư nhân, thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế của nước ta.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo cao nhất của đảng đã không hài lòng trước sự phát triển đó, và họ đã quy kết là ông tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh chính là tác giả của sự sinh sôi nảy nở của các doanh nghiệp tư nhân, giống như đàn cá nhỏ háu đói đang ăn mòn ảnh hưởng của kinh tế quốc doanh, và họ cho là ông Doanh lại không hề muốn giúp cho khu vực kinh tế nhà nước được phát triển với tốc độ nhanh chóng như vậy.
Và thế là từ năm 2000 thì bộ chính trị đảng CS đã không còn sử dụng ông như là kinh tế gia hàng đầu của Bộ Kế họach và Đầu tư, và sau đó ít lâu chính quyền đã cho ông về hưu.
Như vậy chúng ta có thể thấy việc thúc đẩy cho cải cách kinh tế ở Việt Nam đã khó khăn biết nhường nào. Và chương trình Cổ phần hoá và sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Việt Nam cũng đã trải qua một thời gian dài với biết bao thăng trầm.
Việt Long: Để trở lại với chủ đề bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước, ông vui lòng cho biết chủ điểm của kế hoạch này, và tác dụng của nó ra sao?
Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, một trong các trọng tâm của chương trình cải cách doanh nghiệp là phải caỉ tổ các doanh nghiệp lớn, trong đó có các ngân hàng quốc doanh. Trong thời gian từ 1986 đến 2000, chính phủ Việt Nam đã cho phép thành lập khoảng 50 ngân hàng thương mại, bao gồm 46 ngân hàng thương mại cổ phần và bốn ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó lớn nhất là Ngân hàng Nông Nghiệp và nhỏ nhất là Ngân hàng Vietcombank.
Tuy có số lượng đông, nhưng phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần đều có vốn rất nhỏ, hoạt động yếu kém, trong khi bốn ngân hàng Nhà nước thì chiếm thị phần tới hơn 80%. Theo số liệu chính thức của Ngân hàng Nhà nước, thì hệ thông ngân hàng đã có số nợ xấu chồng chất lên tới 23.6 nghìn tỷ đồng, hay hơn $2 tỷ đô tính đến cuối năm 2000.
Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Theo chương trình cải tổ doanh nghiệp mà Việt Nam cam kết với quốc tế, thì Việt Nam phải chấp nhận đóng cửa hay cho sát nhập các ngân hàng yếu kém, và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào mua cổ phần của các ngân hàng, mà cũng được coi là các doanh nghiệp.
Việt Long: Thế kế hoạch cho các ngân hàng bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài tạo được tác động gì không?
Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, việc này đã thực sự tạo ra mối quan tâm lớn từ cộng đồng các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Lý do của sự quan tâm là vì Việt Nam là một nền kinh tế có tăng trưởng nhanh, trong đó hệ thống ngân hàng nếu được quản lý hiệu quả thì sẽ làm ăn có lãi rất hấp dẫn.
Theo số liệu từ trang web của Vietcombank thì năm 2004 ngân hàng có lãi trước thuế tới 2 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2003, một con số vô cùng ấn tượng, vì là suýt soát 30% tổng vốn chủ sở hữu của nó là gần 7 ngàn tỉ đồng. Và hiện nay thì coi như Vietcombank đã giải quyết xong các khoản nợ xấu, tức là hoạt động kinh doanh đã khá lành mạnh.
Thưa quý thính giả. Vietcombank đi tiên phong trong công cuộc cải tổ cổ phần hoá ngành ngân hàng, đạt kết quả đáng khích lệ, vậy kế hoạch bán cổ phần của ngân hàng này như thế nào, kế hoạch cho các ngân hàng quốc doanh còn lại ra sao, tương lại hệ thống ngân hàng Nhà nước ra sao, là những đề tài kế tíêp sẽ được đem ra tham khảo với chuyên viên kinh tế Hoàng Thanh Phong, hiện đang làm việc ở trong nước. Mong quý vị nhớ đón nghe.
Những bài liên quan
- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (I)