Những khía cạnh mà đại học Việt Nam hiện đang phải đối diện

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Trong loạt bài về giáo dục, kỳ này mời quý vị theo dõi những khía cạnh mà đại học Việt Nam hiện đang phải đối diện với nhiều vấn nạn mà một trong những vấn nạn này đang cần phải giải quyết là phương tiện dạy và học, bao gồm hệ thống thư viện, phòng thí nghiệm, computer và các phương tiện nghe nhìn khác nhằm giúp sinh viên khai thác hữu hiệu những kỹ năng hiện đại mà các phương tiện này cung ứng cho việc học và nghiên cứu của họ.

EducationComputerIt200.jpg
Sinh viên trường đại học RMIT ở Sài Gòn hôm 20-12-2006. AFP PHOTO

Tình trạng tài chính khó khăn

Thư viện là khuôn mặt và là kho tàng tri thức mà một đại học hiện đại phải có. Khó có thể tưởng tượng được rằng nguyên tắc hàng đầu này hiện đang bỏ ngõ tại nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

Qua nhiều cuộc khảo sát thực tế cho thấy, tuy mang tiếng là thư viện đại học nhưng đa phần trong số này khó có thể được xem là một thư viện đúng nghĩa khi số lượng đầu sách chỉ trên dưới vài trăm mà tuyệt đại đa số những sách này được xuất bản trong nước có nghĩa là chất lượng của chúng rất đáng quan tâm.

Tình trạng tài chính khó khăn là nguyên nhân hàng đầu khiến việc thành lập thư viện khó thể thực hiện. Một thư viện hạng trung hiện đang góp phần san bằng khó khăn hiện nay là thư viện Đại Học Khoa Học Tự Nhiên thuộc ĐHQG Thành Phố Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục phục vụ cho sinh viên thư viện này cũng đang rất cần trợ giúp của các tổ chức giáo dục trên thế giới. Thạc sỹ Nguyễn Minh Hiển, giám dốc thư viện Đại Học Khoa Học Tự Nhiên cho biết: "Vấn đề tài nguyên trong thư viện của chúng tôi thì không có nhiều, nhưng khả năng thì chúng tôi có."

Nhà nước đang nổ lực kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều cơ quan văn hóa và giáo dục thế giới nhằm giúp Việt Nam giải quyết tình trạng khó khăn này. Vừa qua, tại Hà Nội một văn bản thành lập thư viện sách nước ngoài đã được ký kết giữa Hiệp hội Nghiên Cứu Sinh Quỹ Giáo dục Việt Nam và trường ĐHBK Hà Nội góp phần thanh toán nạn mù thư viện trong hệ thống đại học Việt Nam.

Một phương tiện cần thiết khác cho việc học và dạy tại đại học là phòng thí nghiệm. Chức năng quan trọng gần như tuyệt đối của đại học là nghiên cứu khoa học, tuy nhiên nghiên cứu khoa học lại không thể thực hiện nếu thiếu phòng thí nghiệm, ngay cả khi có được thì những phòng thí nghiệm này phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều trường đại học hiện nay không trang bị phòng thí nghiệm cho sinh viên ngay cả những trường chuyên ngành cũng không thể thỏa mãn yêu cầu này, trường Đại Học An Giang chẳng hạn. Tuy chương trình giảng dạy tập trung vào nông nghiệp nhưng vì không có phòng thí nghiệm nên cả thầy và trò phải chạy đến một trường khác để mượn chỗ thực tập hay nghiên cứu.

Tiến Sĩ Hoàng Văn Quảng hiệu phó của trường Đại Học An Giang cho biết: "Hiện nay hệ thống phòng nghiệm rất là yếu, đôi khi phải mượn của đại học Cần Thơ chẳng hạn." Riêng hệ thống Computer trong trường thì sao? Tiến sĩ Quảng thừa nhận một điều thực tế mà hiện nay trường của ông đang phải đối diện: "Chất lựơng máy kém, chỉ xài một thời gian là bị hư. Và đường truyền rất yếu."

Bức tường lửa

Trở lại vấn đề thư viện, giải pháp nhằm tránh bớt sự lệ thuộc vào các tổ chức văn hóa giáo dục thế giới là việc thành lập thư viện số còn được gọi là digital library trên internet có lẽ thích hợp nhất với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.

Mới đây Thạc Sĩ Đào Tiến Khoa, hiện đang nghiên cứu tại Bộ Khoa Học Công Nghệ Việt Nam có đưa một bài viết trên mạng ghi nhận sự thành công của thư viện số Pakistan. Chỉ trong vòng ba năm dự án Thư Viện Kỹ Thuật Số của Pakistan vươn lên ngang với những địa chỉ nổi tiếng khác trên thế giới. Thạc Sĩ Đào Tiến Khoa cho biết:

"Giới khoa học chúng tôi mong có được sự hội nhập một chút. Mình có thể làm như Pakistan, bởi vì Thư Viện Kỹ Thuật Số rất cần thiết cho thế hệ trẻ." Những liên hệ mật thiết giữa thư viện số và khả năng ngoại ngữ của sinh viên đang là rào cản lớn nhất của đại học Việt Nam. Bên cạnh sự yếu kém ngoại ngữ của sinh viên, việc nhà nước thành lập những hàng rào tường lửa trên hệ thống internet cũng góp phần tạo ra thêm những ngăn trở không cần thiết trong lĩnh vực thông tin khi người dùng muốn truy cập vào một thư viện quốc tế nhằm tìm thêm thông tin cần thiết thì sẽ gặp những trở ngại khó vượt qua được.

Những bức tường lửa đã chứng tỏ rất hữu hiệu khi không cho phép người truy cập vào các website đánh các từ khóa có tên như: dân chủ, tự do, hay tranh đấu. Tiếc thay chính những từ này lại đang tràn ngập trong các thư viện ngoại quốc, vì vậy việc thực hiện thư viện số như đề nghị thiết tha của Thạc sĩ Đào Tiến Khoa khó thể thành công.

Trong một lần về Việt Nam làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên cho biết ông không thể truy cập vào những địa chỉ mà ông cần lấy dữ liệu khoa học vì những trang Web này hoặc là bị tường lửa hoặc là đường truyền quá yếu không thể đáp ứng yêu cầu của ông được. Vốn là một giảng sư của các trường đại học ngoại quốc, Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên thực sự bức xúc đối với những điều không đáng có của hiện trạng Việt Nam ngày nay.

Và những bức xúc của ông cũng là nỗi lo chung của hơn một triệu sinh viên cùng hàng chục ngàn khoa học trí thức Việt Nam trong nước hiện nay. Giải quyết phương tiện thì chỉ cần tiền bạc nhưng giải quyết cách nghĩ thì phải cần đến thời gian lẫn nhận thức. Xem ra nhà nước cần phải quyết tâm hơn nữa mới có thể thanh toán được những vấn nạn này.

Trong kỳ tới, bài viết cuối trong loạt bài giáo dục với đề tài các trường đại học tư thục hỗ trợ cho sinh viên sắp tốt nghiệp như thế nào để các tân khoa có thể tự tin khi tìm một việc làm thích hợp, mời quý vị đón theo dõi.