Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Du lịch Việt Nam, được gọi là ngành công nghệ không khói, đang bị chính Tổng Cục Du Lịch nhà nước đánh giá yếu kém với hơn 50% nhân viên hướng dẫn không thạo ngọai ngữ và không hội đủ trình độ chuyên môn về nhiều mặt. Chính phủ Việt Nam ước lượng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam toàn năm 2005 là 3 triệu 400 ngàn, số khách nội địa đi du lịch trong nước là 16 triệu.
Được gọi là ngành công nghệ không khói, chỉ nội năm 2005 Việt Nam thu về trên 2 tỷ đô la lợi nhuận từ những dịch vụ du lịch.
Thế nhưng theo báo cáo của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam phổ biến hôm thứ Tư, thì chỉ có 32% nhân lực phục vụ trực tiếp trong ngành du lịch là biết tiếng Anh ở trình độ khác nhau. Còn với khối du khách Trung Quốc, là một trong những thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, thì tỷ lệ nhân viên phục vụ trực tiếp biết nói tiếng Hoa dưới 4%.
Điều đáng lo ngại cho nghành công nghệ không khói của Việt Nam, là một viên chức đào tạo của Tổng Cục Du Lịch cho biết ngay cả trong hàng ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo du lịch cũng chỉ có 22% sử dụng thông thạo một ngọai ngữ, 4% thông thạo hai ngọai ngữ.
Tin Tân Hoa Xã cho hay trong số 234.000 nhân viên phục vụ trực tiếp trong nghành du lịch Việt Nam, chỉ hơn 60% đã qua đào tạo chuyên nghiệp. Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng chương trình nhân lực du lịch của Việt Nam cho biết thức trạng của nhân lực trong ngành chưa có tính chuyên nghiệp cao, thiếu lao động chuyên môn, bên cạnh khả năng yếu kém về ngọai ngữ.
Ba điểm cấp bách
Chính phủ qua chú trọng đến mặt xuất khẩu nhân công ra nước ngoài mà quên đi là cần phải huấn luyện để có nhiều tay nghề cao ở trong nước, trong lúc đời sống, kinh tế, du lịch và thương mại đang trên đà phát triển.
Tại buổi hội thảo về phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam hôm thứ Tư vừa qua, phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định là ngành du lịch Việt Nam luôn bị cạnh tranh gay gắt bởi các nước bạn trong vùng Đông Nam Á . Ông nêu ba điểm cấp bách mà ngành du lịch cần phải có là tri thức, tính chuyên nghiệp và cách ứng xử văn hóa
Vẫn theo lời ông, người làm du lịch không chỉ hiểu rõ về đất nước và con người của mình mà cần phải hiểu biết về phong tục tập quán của nước bạn nữa.
Ông Nguyễn Văn Vinh, một doanh gia từ Pháp về mở công ty du lịch Văn Lang đang họat động tại TP Hồ Chí Minh, cho biết ông đồng ý với nhận định của Tổng Cục Du Lịch rằng yếu điểm của ngành du lịch Việt Nam là ngọai ngữ.
Về mặt đào tạo, ông Vinh nêu thí dụ điển hình là chừng như chính phủ qua chú trọng đến mặt xuất khẩu nhân công ra nước ngoài mà quên đi là cần phải huấn luyện để có nhiều tay nghề cao ở trong nước, trong lúc đời sống, kinh tế, du lịch và thương mại đang trên đà phát triển.
Được hỏi là chủ nhân một công ty chuyên tổ chức những tour viễn hành cho khách nước ngoài, ông thấy hệ thống du lịch Việt Nam có mặt nào tích cực, mặt nào cần cải thiện, ông Vinh trả lời: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Một thí dụ khác trong ngành du lịch Việt Nam mà ông Vinh nói ông muốn nêu ra ở đây vì theo ông đó là vấn đề lớn: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Để thăng tiến ngành du lịch, chính phủ từng đốc thúc các công ty nội địa phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào những phương diện cần thiết như trau dồi văn hóa, ngọai ngữ, kiến thức, nghiệp vụ, trình độ chuyên môn. Việt Nam đề chỉ tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2010.