Những bài học rút ra từ cuộc chiến Việt Nam

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong cuộc hội thảo thượng tuần tháng Ba tại Boston do Các Thư viện Tổng thống Hoa Kỳ tổ chức, phần cuối cùng được giành cho "Những bài học rút ra từ cuộc chiến Việt Nam". Lê Dân tường thuật các nhận định của tham luận viên gồm cựu tướng Wesley Clark, thượng nghị sĩ Chuck Hagel, nhà báo Bob Herbert và cựu đại sứ Pete Peterson.

0:00 / 0:00
VNWarConference200.jpg
Từ trái sang: Nhà báo Brian Williams, Tướng Wesley Clark, Thượng nghị sĩ Chuck Hagel, Nhà báo Bob Herbert, Cựu đại sứ Pete Peterson. Photo by Le Dan/RFA>> See larger image

Mở đầu, điều hợp viên là nhà báo Brian Williams của hệ thống truyền hình NBC trích dẫn một số nhận xét của công luận Hoa Kỳ rằng cuộc chiến Việt Nam tới ngày nay nhìn lại thì không có nhiều liên quan đến quyền lợi và sự an toàn của nước Mỹ.

Cường điệu hóa

Tham luận viên cựu tướng Wesley Clark tiếp lời, cho rằng cuộc chiến qua đi chỉ làm nổi bật tinh thần quốc gia của Việt Nam, trong khi lại phơi bày các luận cứ của Washington lúc đó là cường điệu hóa.

Tướng Clark nói thêm là ông không tin sự diện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam là không cần thiết. Mặc dù rất nhiều thanh niên nam, nữ Mỹ đã đi vào cuộc chiến chấp nhận hy sinh mà không hiểu rõ nguyên do, không được cho biết chiến thuật, chiến lược nào. Theo ông, sự không liên quan chỉ có nghĩa về chính trị mà Washington viện dẫn như một nguyên cớ chính đáng.

Tướng Wesley Clark nhận định rằng nếu thời gian phục vụ tại Việt Nam mà nếu ông phải đương đầu với 100 ngàn quân Nga, hay 200 ngàn quân Trung Quốc thì có thể hiểu được. Thêm vào đó là Hoa Kỳ đã có nhiều cơ hội để chiến thắng, nhưng lại không có một chiến lược nào nhắm tới chiến thắng cả.

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Thượng nghị sĩ Chuck Hagel, nguyên là một quân nhân tham chiến tại Việt Nam, cho biết lúc đó mọi binh sĩ Mỹ đều không nghĩ ngợi gì về chính trị, mà chỉ lo làm tròn nhiệm vụ của mình trong thời gian động viên. Ai cũng mong 12 tháng quân dịch chóng qua và được an lành trở về.

Trọng tâm của bài học

Vào trọng tâm "Những bài học rút ra từ cuộc chiến Việt Nam" ông Pete Peterson, người tù binh 6 năm rưỡi tại Hỏa Lò Hà Nội, đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam và mới nhất là dân biểu đơn vị Florida, cho biết ông có nhiều cảm tưởng lẫn lộn. Thế nhưng bài học đầu tiên là "Không bao giờ có chuyện Việt Nam nữa".

Ông nhận định rằng không bao giờ muốn Hoa Kỳ lại can dự vào một cuộc xung đột quốc tế nào khác mà không hiểu rõ đối thủ, không nghiên cứu lịch sử của họ, mà lại không biết mục tiêu của hành động đó là gì.

Tướng Wesley Clark nhấn mạnh rằng dù nhiều hoạt động quân sự của Hoa Kỳ thường bị trói gọn và lệ thuộc vào nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống. Đôi khi lại phải phục vụ cho mục tiêu tranh cử, đó là điều không hay.

Theo ông, nhiệm vụ cơ bản của một Tổng thống là làm sao tránh không đưa đất nước lâm vào chiến tranh, và chiến tranh phải là giải pháp tối tối hậu. Tức là khi không còn bất cứ một giải pháp nào khác khả thi nữa.

Tướng Clark nhận định rằng tham gia vào chiến tranh lúc nào cũng dễ hơn là rút ra khỏi cuộc chiến. Khi không thật sự tối cần thiết, thì chớ bao giờ lâm vào chiến tranh. Theo ông chiến tranh Việt Nam và Iraq hoàn toàn do Washington khởi động.

Cơ chế tự chỉnh sửa

Thượng nghị sĩ Chuck Hagel nêu lên một bài học qúy giá, rút từ kinh nghiệm chiến cuộc Việt Nam. Đó là hiện tượng xã hội thường có tại những xã hội tự do, có thể mô tả là "cơ chế tự chỉnh sửa".

WestleyClark150.jpg
Cựu Tướng Wesley Clark. Photo courtesy Wikipedia.

Cơ chế tự chỉnh sửa đó, một phần do tự do bầu cử mà ra. Tiến trình này không những tác động tới các chính sách của nhà nước, mà còn chi phối luôn hướng đi của quốc gia.

Thượng nghị sĩ Chuck Hagel nêu thí dụ là hiện tình chính trị của Hoa Kỳ. Cách nay ít năm, chủ nghĩa và niềm tự hào quốc gia được đề cao nhằm hậu thuẫn cho chiến cuộc Iraq. Thế nhưng ngày nay, sự ủng hộ của công luận đối với cuộc chiến đó ngày càng ít đi. Tình thế này chắc chắn sẽ tác động mạnh tới cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng Mười Một sắp tới tại Hoa Kỳ.

Bài học cuối cùng và được cử tọa tán thưởng nhất, do giá trị của nó bao trùm mọi lúc, khắp nơi và không bao giờ nhạt phai, được nguyên đại sứ Pete Peterson nêu lên.

Ông nói là dân chúng cần phải phát biểu mà không sợ bị trù dập trả thù. Theo ông thì người Mỹ lắm khi quá trầm lặng vì sợ nói ra khác với chủ trương chính quyền thì bị xem là không ái quốc. Sự thật là nếu bạn không nói ra, thì bạn mới là không yêu nước.

Theo dòng sự kiện:

- Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng - Tổng thống Richard Nixon

- Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng - Tổng thống Johnson

- Cuộc chiến Việt Nam và các Tổng thống Hoa Kỳ

- Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng