Nguyễn Khanh tường trình từ Bangkok
Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc mới cho phổ biến bản phúc trình hàng năm về tình hình phát triển của các quốc gia trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Để tìm hiểu thêm những điểm cần biết liên quan đến Việt Nam, Ban Việt Ngữ chúng tôi cũng nói chuyện với một trong những người soạn thảo bản phúc trình là ông Arunabha Ghosh. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện từ Bangkok.
Nguyễn Khanh: khi soạn thảo bản phúc trình, ông thấy những điểm tích cực hay những điểm tiêu cực nào đáng nói liên quan đến Việt Nam?
Arunabha Ghosh: về mặt tích cực, điều quan trọng nhất là Việt Nam đã sử dụng mức phát triển của mình để giúp người dân phát triển. Tôi muốn nói là mức phát triển của Việt Nam thấp hơn mức phát triển của Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại thành công, chẳng hạn tỷ lệ trẻ tử vong ở Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trẻ tử vong ở Hoa Lục.
Một điểm tích cực khác là mức trao đổi mậu dịch của Việt Nam với thế giới đang tăng nhanh, và chính phủ Việt Nam biết sử dụng cơ hội thuận lợi này để xóa đói giảm nghèo, và giúp người dân phát triển thí dụ như từ thập niên 90 cho đến nay, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với thế giới tăng 20%, số người đói nghèo giảm bớt hơn 50%.
Cũng vẫn còn một số điều cần phải quan tâm, nhưng tôi không gọi đó là tiêu cực, chẳng hạn như Việt Nam đừng tự mãn, phải tiếp tục tất cả các kế hoạch đổi mới đã được thực hiện trong 15 năm vừa qua. Quan tâm này không phải chỉ riêng với Việt Nam, mà là quan tâm với tất cả các nước trong vùng Đông Nam Á, hay nói đúng hơn là Châu Á. Chính phủ Việt Nam cần thấy là vẫn còn nhiều điều phải làm.
Sử dụng mức phát triển về kinh tế
Cũng vẫn còn một số điều cần phải quan tâm, nhưng tôi không gọi đó là tiêu cực, chẳng hạn như Việt Nam đừng tự mãn, phải tiếp tục tất cả các kế hoạch đổi mới đã được thực hiện trong 15 năm vừa qua.
Nguyễn Khanh: ngay trong phần đầu của bản phúc trình, ông viết rằng phát triển không thôi vẫn chưa đủ. Điều đó được áp dụng thế nào cho trường hợp của Việt Nam?
Arunabha Ghosh: với trường hợp của Việt Nam thì như tôi vừa nói, phải biết sử dụng mức phát triển về kinh tế để nâng tầm phát triển của người dân. Có thể phát triển kinh tế của Việt Nam kém hơn những nước khác, nhưng nếu biết và nếu được sử dụng đúng đắn thì người dân vẫn có thể được phát triển nhanh hơn những nước khác.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng điều quan trọng không chỉ nằm ở chỗ phát triển về kinh tế, mà làm sao phân phối lợi nhuận thu hoạch được đến cho người dân. Có những quốc gia không giàu như các nước EU hay nước Mỹ, thu nhập của người dân không bằng EU hay Mỹ, nhưng dân của họ phát triển chẳng kém gì dân Mỹ hoặc dân EU.
Nguyễn Khanh: ông có nói đến mức phát triển về kinh tế, trao đổi thương mại mà Việt Nam đạt được trong hơn một thập kỷ qua. Gần đây, nông dân và các nhà xuất khẩu của Việt Nam than rằng họ bị thiệt thòi vì những chính sách thương mại không công bằng của một số nước lớn, như Hoa Kỳ chẳng hạn. Ông có nghe gì về chuyện này không?
Arunabha Ghosh: trực tiếp thì tôi không nghe, và tôi cũng không có thể đưa ra những bằng chứng xác nhận chuyện đó, nhưng tôi có thể nói quả thật có một số nước lớn áp đặt rào cản thuế quan với những nước nghèo, thí dụ như mức thuế nhập khẩu dành cho các nước phát triển chỉ có 1%, nhưng lại đánh thuế tới 13% đối với các nước đang phát triển.
Chúng ta thử so sánh giữa Việt Nam và Anh Quốc. Tổng số hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ bằng 1 phần mười số hàng Anh đưa vào thị trường Mỹ, nhưng số tiền thuế nhập khẩu mà Hoa Kỳ thu của Việt Nam tương đương với tổng số tiền thuế mà Anh Quốc phải nộp.
Riêng về sản phẩm nông nghiệp, chuyện các nước lớn trợ giúp nông dân của họ là điều mà nông dân Việt Nam phải quan tâm đến. Thông thường nông dân các nước lớn được chính phủ của họ giúp đỡ, nên giá nông phẩm giảm tới 1/3 hay tới 57% như trường hợp của Nhật Bản.
Chính trợ cấp và bảo hộ là những điểm đang gây cản trở cho sự thành hình của nền thương mại toàn cầu hóa, và chỉ khi nào những điều đó được hủy bỏ, lúc đó mới thuận lợi cho những quốc gia như Việt Nam.
Chương trình xóa đói giảm nghèo
Nguyễn Khanh: cách đây chẳng bao lâu, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc ca ngợi sự thành công của chương trình xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam thực hiện, coi đó là kiểu mẫu cho những nước khác. Nhưng một mặt, cách biệt giàu nghèo ở Việt Nam vẫn còn, vẫn là một đề tài cần thảo luận. Ông có coi đó là một trở ngại cho Việt Nam không?
Nhân quyền và mức phát triển của con người liên quan thật mật thiết với nhau. Cách đây 5 năm, văn phòng chúng tôi dành nguyên một bản phúc trình để nói về chuyện này.
Arunabha Ghosh: rất tiếc, tôi không có những số liệu cần phải có để trả lời câu hỏi ông đặt ra, nhưng tôi có thể trả lời chung là vẫn còn nhiều điều chính phủ Việt Nam cần phải làm như tôi đã nói ở ngay từ đầu.
Nguyễn Khanh: bản phúc trình có nói đến chuyện tiền mà dân chúng Việt Nam phải trả cho dịch vụ y tế vẫn còn quá cao, nhất là đối với thành phần nghèo. Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc có thảo luận với chính phủ Việt Nam về vấn đề này không? Nếu có, câu trả lời mà ông nhận được là gì và ông có đề nghị nào cho phía Việt Nam không?
Arunabha Ghosh: văn phòng của tôi chưa thảo luận trực tiếp vấn đề này với chính phủ Việt Nam, nhưng tôi tin chắc rằng văn phòng đại diện cho Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội đã làm điều này.
Tôi cũng hy vọng rằng những phân tích trong bản phúc trình mới được công bố sẽ được sử dụng trong các buổi thảo luận với chính phủ Việt Nam để cùng tìm ra những giải pháp nhằm giúp người Việt được hưởng dịch vụ về y tế. Giải pháp đó có thể là viện trợ thêm để Việt Nam cải thiện hệ thống y tế, cũng có thể là những chương trình đưa dịch vụ y tế đến với người dân, và làm sao để người dân Việt được phục vụ mà không phải trả các khoản tiền cao như hiện giờ.
Nhân quyền và mức phát triển
Nguyễn Khanh: trước khi đặt câu hỏi kế tiếp và cũng là câu hỏi cuối cùng của tôi cũng là câu mà có lẽ, ông đã được hỏi rất nhiều lần rồi. Thưa ông quyền làm người và mức độ phát triển của con người có liên quan với nhau không?
Arunabha Ghosh: nhân quyền và mức phát triển của con người liên quan thật mật thiết với nhau. Cách đây 5 năm, văn phòng chúng tôi dành nguyên một bản phúc trình để nói về chuyện này.
Tôi có thể nói tóm tắt như thế này: nhân quyền là điều kiện cần thiết phải có để con người phát triển. Tôi xin đưa ra thí dụ về nữ quyền ở Châu Á. Nếu phụ nữ ở Châu Á được tôn trọng đúng mức, con người sẽ phát triển tốt hơn, xã hội cũng phát triển tốt hơn.
Nguyễn Khanh: xin cám ơn ông Ghosh.