Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Phần thứ nhì của cuộc hội thảo về chiến cuộc Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại thư viện Tổng thống John F. Kennedy ở Boston giành cho những cuộn băng ghi âm tại tòa Bạch ốc duới thời các Tổng Thống Kennedy và Johnson.

0:00 / 0:00
JohnFKennedy150.jpg
Tổng thống John F. Kennedy. Hình chụp bởi White House, 1961-1963.

Đó là nơi mà chiến luợc và chiến thuật Washington áp dụng tại chiến trường Việt Nam đuợc thảo luận giữa Tổng Thống Hoa Kỳ và các cố vấn của ông. Biên tập viên Lê Dân tham dự buổi hội thảo và luợc thuật như sau.

Các cuộn băng giải mật

Phần dành cho "Vấn đề Việt Nam và những cuộn băng ghi âm của các Tổng thống" được điều hợp bởi bà Sharon K. Fawcett, trợ lý Văn khố trưởng Thư viện các Tổng thống Hoa Kỳ.

Tham luận viên gồm các ông David Kaiser, giáo sư Chiến lược và Chính sách của Học viện Chiến tranh Hải quân, ông Timothy Naftali, giám đốc Chương trình Băng Ghi âm các Tổng thống thuộc Trung tâm Miller, viện đại học Virginia, và ông Jeffrey Kimball, giáo sư Sử học viện đại học Miami, tác giả cuốn "Chiến cuộc Việt Nam của Nixon".

Trong phần mở đầu, điều hợp viên Sharon Fawcett cho biết hôm nay là cơ hội hãn hữu do Tổng thống Johnson đã quyết định chỉ cho phép giải mật những đoạn băng thu tại Nhà Trắng của ông 50 năm sau ngày ông qua đời; nhưng do cố gắng của các thư viện thuyết phục thân quyến ông Johnson, nên các học giả, sinh viên và công chúng mới được nghe những gì ông Johnson thật sự nói những cảm nghĩ của ông về chiến tranh Việt Nam.

Thật ra Tổng thống Kennedy không mấy quan tâm đến vấn đề Việt Nam, dù rằng trong cương vị lãnh đạo thế giới tự do, Hoa Kỳ không muốn miền Nam Việt Nam bị rơi vào phe Cộng sản.

Mở đầu phần tham luận, tiến sĩ David Kaiser nói rằng nếu muốn tìm hiểu nguyên ủy bất cứ sự việc gì thì phải đào sâu, tìm kỹ. Thế nhưng những cuốn băng ghi âm là các bằng chứng sống thực và có ích nhất. Vì thế ông đã căn cứ vào những cuốn băng đó để viết cuốn sách "Thảm kịch Mỹ: Kennedy, Johnson và các nguyên ủy của chiến cuộc Việt Nam".

Không muốn VN rơi vào tay CS

Ông David Kaiser, giáo sư Chiến lược và Chính sách của Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, trích thuật những đoạn băng ghi âm thời Tổng thống Kennedy rằng thật ra vị Tổng thống trẻ tuổi nhất nước Mỹ không mấy quan tâm đến vấn đề Việt Nam, dù rằng trong cương vị lãnh đạo thế giới tự do, Hoa Kỳ không muốn miền Nam Việt Nam bị rơi vào phe Cộng sản. Ngay khi chiến cuộc Lào trở nên sôi động, Washington vẫn giữ chủ trương trung lập.

Khi các tướng lãnh, điển hình như tướng Maxwell Taylor, đề nghị bố trí quân lực Mỹ tại biên giới Lào-Việt, Tổng thống Kennedy đã phát biểu sự lo ngại khi phải trực diện với hai chiến trường là Berlin và Đông Dương. Ông nêu sự khác biệt giữa tình hình Triều Tiên với Đông Dương.

Tuy nhiên khởi sự từ năm 1961, Washington trợ giúp Sàigòn về quân sự, để ngăn cản sự xâm lấn từ miền Bắc theo đề xuất của Ngoại trưởng Dean Rusk, bộ trưởng Quốc phòng McNamara và một số người khác. Dù rằng Tổng thống Kennedy không muốn gây chiến tranh tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Biến cố Phật giáo

Giáo sư Kaiser cho biết tuy nhiên vào tháng Năm năm 1963, biến cố Phật giáo đã gây nên cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Việt Nam trong vòng 6 tháng kế tiếp. Ông nói thêm là căn cứ vào văn khố quốc phòng Mỹ, thì đó cũng là thời gian phe Cộng sản đẩy mạnh các hoạt động của họ. Tuy nhiên tình hình đó bị Lầu Năm Góc với bộ trưởng McNamara dấu kín, cho đến cuối năm Hoa Kỳ vẫn tin là sẽ thắng trong cuộc chiến Việt Nam.

Vào ngày 25 tháng Tám năm 1963, một bức điện mật của bộ Ngoại giao gởi tòa đại sứ tại Sàigòn, cho phép bảo các tướng lãnh miền Nam đến gặp Tổng thống Diệm, yêu cầu ông cách ly với ông Ngô Đình Nhu.

Nếu ông Diệm không nghe thì các tướng lãnh đó được phép chống lại ông Diệm. Việc đó gây tranh luận gay gắt trong chính phủ Kennedy, theo nội dung các cuộn băng ghi âm mà hiện nay chưa được giải mật.

Vào thời điểm đó, bản phúc trình của bộ Quốc phòng, của bộ Ngoại giao và CIA báo Tổng thống Kennedy rằng ông Diệm đã từ chối cải tổ và do đó họ không tin rằng Tổng thống Diệm có thể giúp Hoa Kỳ chiến thắng.

Hoài nghi về thắng lợi quân sự

Tổng thống Kennedy đã tỏ ra hoài nghi về thắng lợi quân sự tại miền Nam Việt Nam. Vào cuối tháng Muời, các tướng lãnh Sàigòn đến tòa đại sứ Mỹ lần nữa để dọ ý liệu Hoa Kỳ có ủng hộ một cuộc đảo chánh ông Diệm hay không.

Vào thời điểm đó, bản phúc trình của bộ Quốc phòng, của bộ Ngoại giao và CIA báo Tổng thống Kennedy rằng ông Diệm đã từ chối cải tổ và do đó họ không tin rằng Tổng thống Diệm có thể giúp Hoa Kỳ chiến thắng.

Ông Kaiser nói rằng họ đã quyết định, rằng không ngăn cản cuộc đảo chính nữa. Ngũ Giác Đài cũng ngạc nhiên khi thấy quyết định đó được ủng hộ rộng rãi.

Thật ra, những cuốn băng cho thấy Tổng thống Kennedy không ngạc nhiên, vì vào hồi tháng Tám năm 1963, ông đã cho biết là thấu hiểu tình hình, hãy nói với các tướng lãnh là nếu họ đảo chánh thì cũng được, mà không đảo chánh thì cũng xong.

Vụ giết anh em TT Ngô Đình Diệm

Tuy nhiên phải khẳng định rằng Tổng thống Kennedy không hề muốn anh em ông Diệm bị giết. Ngay mùng 5 tháng Mười năm 1963, ông đã mạnh mẽ bác bỏ giả thuyết đó. Cuộc đảo chánh xảy ra vào mùng 1 tháng Mười Một và ít ngày sau đó, ông Diệm và ông Nhu bị giết chết.

Đoạn băng ghi âm hôm ấy tại văn phòng Bầu dục của tòa Bạch Ốc, Tổng thống Kennedy tự tay thực hiện để ghi lại những cảm nghĩ của ông về biến cố đó. Xin quý vị lưu ý là phẩm chất cuốn băng rất kém và ở đoạn giữa Tổng thống Kennedy bị con cái quấy rầy.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Tổng thống Kennedy nói rằng ông bàng hoàng về cái chết của ông Diệm và ông Nhu. Rằng ông mới gặp ông Diệm hồi năm trước và ông có một nhân cách nổi bật. Cái chết của hai ông thật là kinh khủng.

Ít lâu sau, chính ông Kennedy cũng bị ám sát trong diễn biến tới bây giờ nước Mỹ vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau về nguyên do và thủ phạm thật sự là những ai.

Trong bài tới, chúng tôi xin trình bày tiếp về những đoạn băng ghi âm của thời Tổng thống Johnson ở tòa Bạch Ốc.

Theo dòng sự kiện:

- Cuộc chiến Việt Nam qua những băng ghi âm tại Nhà Trắng - Tổng thống Johnson

- Cuộc chiến Việt Nam và các Tổng thống Hoa Kỳ