Niềm tin người tiêu dùng
Bản báo cáo lần này cho thấy trong khi người tiêu dùng trên toàn cầu dường như đang bi quan về triển vọng kinh tế thì người tiêu dùng ở Châu Á mà đặc biệt là Việt Nam lại tỏ ra lạc quan. Việt Hà có bài phỏng vấn ông Tâm Nguyễn, phụ trách marketing của hãng Nielsen tại Việt Nam về báo cáo này:
Trước hết ông Tâm Nguyễn giới thiệu về cuộc điều tra về niềm tin người tiêu dùng toàn cầu của hãng Nielsen như sau:
Về khía cạnh niềm tin của người tiêu dùng chúng tôi tìm hiểu đánh giá của họ đối với thị trường việc làm và tình hình tài chính cá nhân, sự hài lòng của họ và sẵn sàng chi tiêu.
Ô. Tâm Nguyễn
Tâm Nguyễn: Điều tra về niềm tin người tiêu dùng trên toàn cầu được công ty Nielsen tiến hành hàng quý. Điều tra ở Việt Nam năm nay cũng được làm theo quý, còn trước kia chúng tôi chỉ làm nửa năm một lần.
Trên toàn thế giới chúng tôi hỏi khoảng 27 ngàn người trên 48 quốc gia, bao gồm cả Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Tại Châu Á chúng tôi phỏng vấn khoảng 10 ngàn người, chủ yếu được thực hiện qua internet. Bản báo cáo này là cho quý 2 năm 2010. Điểm chính của nghiên cứu là để đánh giá mức độ niềm tin của người tiêu dùng và cái nhìn của họ vào triển vọng kinh tế. Về khía cạnh niềm tin của người tiêu dùng chúng tôi tìm hiểu đánh giá của họ đối với thị trường việc làm và tình hình tài chính cá nhân, sự hài lòng của họ và sẵn sàng chi tiêu.
Việt Hà: Xin ông cho biết những kết quả đáng chú mà cuộc điều tra lần này có là gì?
Tâm Nguyễn: Theo tôi điều đáng chú mà nghiên cứu lần này cho thấy là người tiêu dùng ở Châu Á là những người lạc quan nhất. Nước đứng đầu là Ấn Độ với 121 điểm. Ở hàng thứ hai có hai nước ngang hàng nhau là Indonesia và Việt Nam. Ở Việt Nam điều đáng quan tâm là điểm số về mức độ long tin trong người tiêu dùng đạt mức 119 và đây là điểm số cao nhất mà Việt Nam đạt được kể từ khi điều tra này được thực hiện ở đây năm 2006.
Mức điểm trung bình toàn cầu là 93, mức thấp nhất thuộc về nước Luthinia là 92 điểm. Mức trung bình cần có là 100, có nghĩa là bất cứ mức điểm nào trên 100 cho thấy có sự lạc quan và dưới 100 là không có sự lạc quan. Cho nên hiện tại nhìn chung người tiêu dùng trên toàn thế giới đang bi quan với nền kinh tế.
Động lực nền kinh tế
Việt Hà: Thưa ông những kết quả vừa nêu nói lên điều gì, đặc biệt là đối với người tiêu dùng ở Việt Nam?
Người tiêu dùng là động lực cho mọi nền kinh tế, mà cả các công ty cũng như chính phủ phải quan tâm.
Ô. Tâm Nguyễn
Tâm Nguyễn: Để người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng thì họ phải nhìn vào thị trường việc làm và họ phải cảm thấy hài lòng với tình hình tài chính của cá nhân. Đó là một vài câu hỏi có liên quan mà chúng tôi hỏi trong cuộc điều tra này. Chúng tôi có hỏi người tiêu dùng ở các nước là liệu họ có nghĩ là nước họ đang trong khủng hoảng kinh tế không. Con số này ở Việt Nam cho thấy chỉ có 39% người được hỏi nói là Việt Nam đang trong khủng hoảng kinh tế, tức là có 61% người được hỏi không cho rằng nền kinh tế nước mình đang trong khủng hoảng. Lần trước khi chúng tôi hỏi câu này thì phần lớn người Việt cho rằng kinh tế Việt Nam còn đang trong khủng hoảng, nhưng lần này con số đó là thiểu số.
Trong quý trước, điểm số của Việt Nam là 101, lần này là 119 tức là nhảy 18 điểm. Các điều tra trước cho thấy nửa năm đầu 2009, điểm số giảm nhưng nửa năm sau lại tăng vì chính phủ đưa ra các chương trình kích thích kinh tế, đã làm niềm tin người tiêu dùng tăng lên. Mọi người nghĩ là chính phủ đang thực sự giải quyết được vấn đề. Nhưng quý 1 này, điểm số giảm xuống, chúng tôi cho rằng đó là do một loạt chương trình kích thích kinh tế ngưng lại cũng giống như một số nền kinh tế khác. Quý này điểm lại tăng lên theo tôi nghĩ một phần là do lạm phát được kiểm soát tốt hơn, bởi vì khi chính phủ kiềm chế được lạm phát thì sẽ làm người tiêu dùng tin tưởng hơn.
Việt Hà: Những kết quả của cuộc điều tra niềm tin người tiêu dùng toàn cầu do Nielsen tổ chức định kỳ có ý nghĩa thế nào đối với các công ty và chính phủ các nước?
Tâm Nguyễn: Người tiêu dùng là động lực cho mọi nền kinh tế, mà cả các công ty cũng như chính phủ phải quan tâm. Trong một vài trường hợp, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng tăng cao có ý nghĩa quan trọng đối với một số ngành công nghiệp nhất định so với với các ngành khác.
Một câu hỏi mà chúng tôi đưa ra cho mọi người là họ sẽ làm gì với số tiền dư ra hàng tháng. Câu trả lời mà chúng tôi nhận được ví dụ ở Việt Nam có 55% người cho biết sẽ tiết kiệm, tiếp theo đó là sẽ dùng để mua các thiết bị công nghệ mới. Kết quả này có thể mở ra một cơ hội mới cho các công ty khi nghiên cứu phát triển chiến lược marketing cho mình, để thu hút các khách hàng. Đứng về mặt chính phủ, đây cũng là một chỉ số quan trọng. Họ luôn cần phải biết người tiêu dùng cảm thấy thế nào, thái độ của họ đối với chi tiêu ra sao, nếu chi tiêu quá nhiều thì có thể khiến lạm phát quay lại, và đó chính là điều mà cả chính phủ cũng như người dân lo ngại.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
Theo dòng thời sự:
- Thu hút đầu tư nước ngoài
- Dệt may hết thời nhân công giá rẻ
- Hàng Việt xuất sang Mỹ đạt 3 tỉ 900 triệu đôla/4 tháng
- Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn dự trù
- Khó mà đạt 4 tỷ 5 trăm triệu đô la chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản
- Hàng Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu vẫn tăng
- Nhập siêu với mức thâm hụt trên 530 triệu đôla trong nữa tháng
- Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEM đạt 22 tỷ USD trong quý 1