Người Mỹ gốc Việt được chọn làm thành viên Hội AAAS Hoa Kỳ

Tiến sĩ Cường Nguyễn, Hiệu Trưởng Khoa Kỹ Sư tại Đại Học Công Giáo Mỹ ở Washington DC, vừa được tuyển chọn làm thành viên của AAAS, tức Hội Nghiên Cứu Nâng Cao Tiến Bộ Khoa Học Hoa Kỳ.

0:00 / 0:00

Từng được Tổng Thống Bush bổ nhiệm làm thành viên VEF, tức Quỹ Giáo Dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Cường đã tiến hành chương trình học bổng bán phần “Two Plus Two - Hai Cộng Hai” ba năm nay, đưa sinh viên xuất sắc từ các Đại Học Bách Khoa và Đại Học Quốc Tế của Hà Nội, Đà Nẵng và Thành Phố Hồ Chí Minh, sang học hai năm cuối tại Đại Học Công Giáo Mỹ.

Nhân dịp này, Thanh Trúc hỏi chuyện Tiến sĩ Nguyễn Cường về vai trò của Hội AAAS cũng như vị trí thành viên và những hoạt động của ông trong hội khoa học này.

Hội AAAS

Thanh Trúc: Thưa Tiến Sĩ, chúng tôi được biết AAAS (American Association for the Advancement of Science), là một định chế khoa học hàng đầu, có thể nói là lớn nhất và nổi danh của Hoa Kỳ, xin Tiến Sĩ cho biết ông đã đóng góp như thế nào để được chọn làm thành viên của tổ chức này?

TS Nguyễn Cường: Tôi được tuyển chọn vào thành viên của hội này là qua những sự nghiên cứu và đóng góp trong chương trình tự động hoá và người máy, đặc biệt là trong chương trình thông minh của người máy và những động tác song hành.

Tôi rất là hân hạnh tại vì hiện tại tôi là hiệu trưởng của một trường đại học kỹ sư ở bên này, chúng tôi làm nghiên cứu đã lâu lắm rồi mà đến hôm nay đã được những người đồng nghiệp đề cử được tuyển chọn làm thành viên.

Chương trình về người máy ở Hoa Kỳ. Có nghĩa là dùng sự thông minh của người máy để mà chủ động những công việc, những hành động của người máy, và cái đó đã được áp dụng vào chương trình không gian của NASA cách đây 10 năm.

<i>Các em qua đây thì các em rất đủ khả năng, bởi thế các em rất là thành công. Trong 3 năm vừa rồi các em học rất là cao, khi nào cũng ở Dean's List (danh sách sinh viên ưu tú). TS Nguyễn Cường.</i>

Thanh Trúc: Ông là người điều khiển Tiểu Ban Người Máy trong Hội Nghị Quốc Tế Người Máy và Sản Xuất, và là Phó Chủ Tịch Tiểu Ban Người Máy và Tự Động Hoá trong Hội Nghị của Hội Kỹ Sư Điện Tử và Điện Khí được tổ chức vào năm 1997?

TS Nguyễn Cường: Rất là đúng. Có nghĩa rằng là bên này thì tất cả những người đi làm nghiên cứu như chúng tôi thì có ở trong những hội giống như là IEEE (Institute of Electrical and Electronic Engineer), hằng năm hội này có những hội nghị thì trong năm 1997 tôi được vinh dự làm Phó Giám Đốc Chương Trình của hội nghị đó.

Ngoài ra, về vấn đề làm việc thì chúng tôi cũng có làm giám đốc một chương trình của một hội nghị về người máy và phát triển vào năm 1994. Robotic là chương trình nghiên cứu về người máy.

Thanh Trúc: Ông sẽ nhận lãnh vinh dự mới này cũng các thành viên khác tại buổi hội nghị thường niên của định chế khoa học AAAS vào ngày 20-2-2010 tại San Diego?

TS Nguyễn Cường: Vâng. Hàng năm người ta có một hội nghị rất là lớn cho tất cả những hội viên và những thành viên mới được tuyển chọn, mà thường thường thì làm ở Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C.), vùng chúng tôi ở trên này, nhưng mà năm nay hội này tổ chức ở San Diego.

Thanh Trúc: Thưa GS-TS Nguyễn Cường, ông được Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush bổ nhiệm làm thành viên Ban Quản Trị Quỹ Giáo Dục Việt Nam từ 2004 đến 2007. Ông cũng đã hoạt động hữu hiệu trong việc phát triển giáo dục đối với những chuyến viếng thăm Á Châu và đặc biệt là Việt Nam. Xin ông trình bày về điều này ạ.

TS Nguyễn Cường: Tôi được Tổng Thống George W. Bush bổ nhiệm làm thành viên của Ban Quản Trị Quỹ Giáo Dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) cho 3 năm, từ 2004 cho đến 2007. Trong thời gian đó tôi có dịp về Việt Nam đi thăm rất là nhiều đại học, qua đó tôi biết được những chương trình giáo dục của Việt Nam.

Và qua những chuyến đi thăm những trường đại học như các Trường Đại Học Bách Khoa ở Đà Nẵng, Sài Gòn và Hà Nội thì tôi biết rằng có những nhu cầu cho sinh viên từ Việt Nam qua Hoa Kỳ du học, bởi thế từ đó tôi rất là chú tâm về vấn đề đào tạo những chương trình để các em sinh viên ưu tú của Việt Nam có cơ hội qua Hoa Kỳ du học.

Hoạt động tại VN

Chúng tôi là muốn đào tạo các em và khuyến khích các em ở lại học Cao Học và Tiến Sĩ.

TS Nguyễn Cường<strong> </strong>

Thanh Trúc: Được biết tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ mà ông là Hiệu Trưởng của Khoa Kỹ Sư trong đó thì ông đã tiến hành một chương trình Two Plus Two (Hai Cộng Hai) và đưa các sinh viên đã học 2 năm ở bên Việt Nam qua đây học 2 năm cuối của Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ?

TS Nguyễn Cường: Hiện tại chúng tôi có ký giao kèo với những Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, Đại Học Quốc Tế ở Sài Gòn và Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại Học Bách Khoa Hà Nội.

Chương trình Two Plus Two rất là đơn giản, có nghĩa rằng là các em học trong một chương trình chúng tôi chấp nhận ở Việt Nam 2 năm theo chương trình vào những trường nêu trên, và sau 2 năm thì chúng tôi cho học bổng bán phần, có nghĩa là 50%, để qua học ở Đại Học chúng tôi.

Hiện tại có 14 em từ Đại Học Quốc Tế ở Việt Nam (International University của VNU) thì các em đã đến đây trong khoảng 3 năm qua và một số em đã ra trường rồi và học chương trình tiến sĩ ở Đại Học chúng tôi.

Thanh Trúc: Ông nhận thấy khả năng học và sự phát triển của các sinh viên Việt Nam đó như thế nào ạ?

TS Nguyễn Cường: Tại vì chúng tôi tuyển chọn tất cả các em xuất sắc, tất cả những trường chúng tôi tới làm việc ở Việt Nam là những trường xuất sắc như Đai Học Bách Khoa Sài Gòn, Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng và ở Hà Nội, bởi thế các em qua đây thì các em rất đủ khả năng, bởi thế các em rất là thành công.

Trong 3 năm vừa rồi các em học rất là cao, khi nào cũng ở Dean's List (danh sách sinh viên ưu tú), như vậy các thầy cô ở trường chúng tôi có ý định mời các em ở lại làm "assistant", có nghĩa rằng làm phụ tá cho các thầy cô ở đây để làm chương trình nghiên cứu.

Thanh Trúc: Những dự tính của ông trong tương lai, những kế hoạch của ông trong tương lai về chương trình Two Plus Two mang sinh viên từ Việt Nam qua học ở Khoa Kỹ Sư - Viện Đại Học Công Giáo Mỹ, thưa ông?

TS Nguyễn Cường: Chương trình của chúng tôi tiến hành rất là tốt và hy vọng trong tương lai thì hằng năm chúng tôi sẽ đưa qua 10 cho đến 20 em học chương trình cử nhân.

Và cái mộng của chúng tôi là muốn đào tạo các em và khuyến khích các em ở lại học Cao Học và Tiến Sĩ, thì theo nguyện vọng của tôi thì trong 3 năm qua các em người nào mà ra chương trình của chúng tôi cũng muốn ở lại để học tiếp. Đó là nguyện vọng chính khi mà mở ra chương trình Hai Cộng Hai.

Trong số 14 em qua học trong 3 năm qua thì đã có 5 đến 6 em được các giáo sư ở đây nhận vào làm phụ tá về vấn đề nghiên cứu, thì sau khi các em được nhận vào làm phụ tá về vấn đề nghiên cứu cho các thầy thì các em đi học lại được trả lương và đi học miễn phí. Chúng tôi sẽ trả tiền học cho các em tổng cộng cho đến gần 44.000 đôla một năm.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn thời giờ ông đã dành cho chúng tôi trong bài phỏng vấn hôm nay.