“Tàu lạ” lại đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam

Hôm 12/6 vừa qua, một tàu của ngư dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang trên đường về sau chuyến đánh bắt hải sâm được cho là trúng, đã bị một tàu lạ đâm chìm rồi bỏ chạy mất.

0:00 / 0:00

Đây là một tai nạn mới đối với ngư dân Quảng Ngãi. Vậy cơ quan chức năng địa phương tiếp nhận thông tin đó thế nào? Đã có cứu cấp cho các nạn nhân ra sao? Còn ngư dân có ý kiến ra sao về những biện pháp từ phía chính quyền? Gia Minh trình bày trong phần sau.

May mắn thoát chết

Truyền thông trong nước loan tin việc chiếc tàu của ông Võ Xuân Tiền, ngụ tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi bị nạn.

Vào sáng 14 tháng sáu, chủ tịch xã An Hải, ông Nguyễn Dự thông tin về tình hình của những người bị nạn như sau:

Họ về xã hồi 10 giờ sáng ngày 13 tháng 6, chỉ có 15 người về, còn hai người ở lại chăm sóc cho người bị thương gãy tay phải giải phẫu ghép xương.

Ông Nguyễn Dự

“Họ về xã hồi 10 giờ sáng ngày 13 tháng 6, chỉ có 15 người về, còn hai người ở lại chăm sóc cho người bị thương gãy tay phải giải phẫu ghép xương. Theo báo cáo của họ: khi trên đường về từ cách Cù Lao Xanh vào sáng sớm ngày 12 bị một tàu lạ lớn đi phía sau đâm vào. Những người đang ngủ phải gạt nước ra cửa cabin để ra ngoài. Tất cả bám vào một thúng còn lại. Trong tàu có mười mấy điện thoại di động nhưng chỉ còn máy chiếc bọc trong bao nylon cho khỏi ướt. Họ sử dụng máy này gọi về gia đình. Sau khi nhận được tin tàu cứu nạn ra tìm, nhưng cả mấy giờ vẫn chưa tìm được; đến khi có một tàu đi ngang và có máy định vị cho biết rõ vị trí, tàu cứu nạn đến cứu họ và đưa về Qui Nhơn.”

Mới hồi ngày 26 tháng 5 vừa qua, phó đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến của Việt Nam, bên lề quốc hội lên tiếng rất mạnh mẽ hải quân Việt Nam sẽ tuần tra để bảo vệ ngư dân.

Tướng tư lệnh quân đội Việt Nam, Phùng Quang Thanh sau cuộc họp an ninh khu vực ở Shangri-la, Singapore về cũng lên tiếng cho rằng tình hình ở Biển Đông yên tĩnh, và quân đội Việt Nam đang hoạt động bình thường tại đó.

Tuy nhiên, một ngư dân Quảng Ngãi cho biết thực tế hiện nay trên các vùng biển mà ngư dân này từng hành nghề:

“Chúng tôi đi làm nghề mà bị Trung Quốc bắt nộp tiền chuộc thì tự mình chịu thôi. Còn đi làm trên biển thì một năm chỉ gặp tàu hải quân Việt Nam có mấy lần. Trong tình hình khó khăn hiện nay vẫn chưa thấy có gì hơn.”

Các ngư dân Lý Sơn, nạn nhân trong một vụ “tàu lạ” đâm chìm tàu đánh cá vào tháng 7/2009. Photo courtesy of Tienphong.
Các ngư dân Lý Sơn, nạn nhân trong một vụ “tàu lạ” đâm chìm tàu đánh cá vào tháng 7/2009. Photo courtesy of Tienphong.

Chính phủ hỗ trợ?

Sau khi ngư dân gặp nạn may mắn sống sót trở về, họ được cơ quan chức năng hỗ trợ ra sao?

Ông Nguyễn Dự, chủ tịch xã An Hải cho biết:

“Chỉ có Bảo hiểm Bình Định có hỗ trợ tiền ăn hôm về Qui Nhơn. Nay thì đang làm thủ tục lên trên xin trợ cấp.”

Chúng tôi đi làm nghề mà bị Trung Quốc bắt nộp tiền chuộc thì tự mình chịu thôi. Còn đi làm trên biển thì một năm chỉ gặp tàu hải quân Việt Nam có mấy lần.

Ngư dân Quảng Ngãi

Vừa qua, truyền thông trong nước có loan tin vào tháng năm năm nay ngư dân tại Quảng Ngãi đứng ra thành lập đội tự quản để ra khơi làm nghề, về vấn đề này, ông Nguyễn Dự cho hay:

“Họ chỉ lo an ninh trật tự tại bến bãi, trong âu thuyền thôi, còn khi ra khơi đi làm mỗi người mỗi đường; đến khi về có hẹn nhau cùng về thôi.”

Trong kỳ họp quốc hội cuối năm 2009, ông Lê Quang Bình, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An Ninh Quốc hội lên tiếng cho cần thiết phải tăng ngân sách mua sắm vũ khí cho quân đội, công an. Một trong những mục tiêu nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền đất nước, lợi ích của ngư dân đi đánh bắt cá trên biển. Thế rồi tại diễn đàn quốc hội lại có ý kiến cần thành lập đội dân quân tự vệ biển để; tuy vậy ý kiến này gặp sự phản đối trong giới luật gia, cũng như nhiều người quan tâm đến vấn đề Biển Đông.

Trong khi các cơ quan chức năng từ quốc hội cho đến chính phủ, quân đội lên tiếng về những biện pháp bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân chúng, thì ngư dân Việt Nam tiếp tục gặp bất công khi đi đánh bắt hải sản trong vùng biển quê nhà. Mọi thiệt hại về vật chất, tinh thần và cả nhân mạng tiếp tục là nổi lo cho ngư dân khi phải ra khơi kiếm sống.

Theo dòng thời sự: