Bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ: Dư luận nghĩ gì?

Một sự kiện chưa từng có trong sinh hoạt chính trị tại Việt Nam, lần đầu tiên Đại biểu Quốc Hội lên tiếng yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng chính phủ.

0:00 / 0:00

Báo chí trong và ngoài nước đều đồng loạt đưa tin về việc các đại biểu quốc hội “quyết liệt truy trách nhiệm về vụ Vinashin” đồng thời cũng yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Lý do là vì ông Dũng đã bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình vào chức vụ tổng giám đốc Vinashin, tắc trách trong quản lý khiến công ty này bị thua lỗ tới hơn 5 tỷ rưỡi đô la. Người dân Việt có ý kiến gì trước yêu cầu được xem là chưa hề có trong lịch sử từ khi đảng cộng sản lên cầm quyền đất nước cách đây 65 năm.

Trách nhiệm của ĐBQH

Trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại diễn đàn quốc hội được trực tiếp truyền hình, sáng thứ hai, mồng một tháng 11, một số đại biểu quốc hội gồm các ông bà, Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông, Huỳnh Ngọc Đáng, Phạm Thị Loan, Lê Thị Nga đã mạnh dạn đặt vấn đề là các thành viên chánh phủ phải nghiêm túc kiểm điểm, nhận kỷ luật trước quốc hội là cơ quan lập pháp, đại diện của người dân bầu ra mình, chứ không thể nhận trách nhiệm một cách chung chung, rồi tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là xong việc.

Vẫn theo các đại biểu thì vào cuối kỳ họp, quốc hội sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm các thành viên chánh phủ, kể cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và để tạo điều kiện cho công tác điều tra, quốc hội nên tạm đình chỉ các thành viên trong chánh phủ có liên quan đến vụ phá sản tại Vinashin. Có những phát biểu khác được nêu lên trước diễn đàn quốc hội cho rằng, những viên chức làm sai phải có lời xin lỗi nhân dân, cá nhân và tập thể nào có liên quan sẽ phải bị truy tố trước pháp luật.

Là một trong những tiếng nói đầu tiên yêu cầu quốc hội phải giải quyết dứt điểm mọi vấn đề liên quan đến Vinashin ngay tại kỳ họp này, trưởng đoàn đại biểu đơn vị Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông khẳng định:

Theo tôi thì đây là một tin vui cho người dân Việt Nam, khi các đại biểu quốc hội đã bắt đầu có vẻ như là làm đúng chức năng của mình, là tiếng nói của dân.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo

“Vụ Vinashin là một vấn đề bức xúc mà cử tri cả nước rất quan tâm, cái nợ quá lớn, trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang còn nhỏ bé. Về vấn đề trách nhiệm thì trong báo cáo của chánh phủ cũng có giải trình nhưng mà chưa nói rõ về trách nhiệm cá nhân, cũng chỉ nói chung chung về trách nhiệm của chánh phủ, nhận trách nhiệm trước quốc hội, nhưng cử tri cũng như đại biểu quốc hội chúng tôi là muốn phải có trách nhiệm cụ thể, từng cá nhân những người có liên quan.

Trong quá trình phát biểu, thảo luận vấn đề kinh tế, xã hội, nhiều đại biểu trong đó có cá nhân tôi đề nghị quốc hội, tại kỳ họp này, làm sáng tỏ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan, đã để cho con tàu Vinashin sụp đổ một cách thảm hại, làm thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân. Khi tiếp xúc cử tri thì được cử tri ủy quyền như thế cho nên chúng tôi yêu cầu quốc hội cần làm sáng tỏ cái trách nhiệm đó để trả lời cử tri.

Vấn đề này quốc hội Việt Nam cũng chưa có tiền lệ, cho nên chúng tôi cũng chỉ thực hiện theo trách nhiệm của mình trước các cử tri.”

Cử tri nghĩ gì?

Vậy người cử tri phản ứng ra sao, sau khi đón nhận thông tin mới được báo đài phổ biến về việc một số đại biểu yêu cầu quốc hội bất tín nhiệm chánh phủ, bà Lê Ngọc Nghĩa, mẹ của nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Bắc Truyển, từng bị ngồi tù 3 năm rưỡi vì bị ghép tội tuyên truyền chống nhà nước, cho biết những suy nghĩ của bà:

000_Hkg3844410-250.jpg
Logo của tập đoàn Vinashin tại trụ sở chính ở Hà Nội hôm 19/07/2010. AFP photo (Logo của tập đoàn Vinashin tại trụ sở chính ở Hà Nội hôm 19/07/2010. AFP photo)

“Không tín nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng phải không? Nếu làm cái gì thì phải suy nghĩ cho kỹ càng, đâu làm bừa bãi được. Cũng nghe người ta nói ông này không được gì, không tín nhiệm thì mình không thể tôn vinh những người đó. Trước khi bầu cử thì mình coi kỹ càng rồi mới dùng lá phiếu, lời nói là quan trọng nhất. Nhân dân thì phải đọc báo, coi tin tức, trước khi mình làm việc gì, phải suy nghĩ trước, không tín nhiệm thì dĩ nhiên người ta không bao giờ bằng lòng, vậy mà có người không suy nghĩ gì, cứ đi bỏ phiếu thôi.”

Từ Hà Nội, nhà văn Trần Mạnh Hảo góp ý với RFA về việc quy trách nhiệm cụ thể trong vụ mất mát ngân quỹ quá lớn do Vinashin gây ra:

“Theo tôi thì đây là một tin vui cho người dân Việt Nam, khi các đại biểu quốc hội đã bắt đầu có vẻ như là làm đúng chức năng của mình, là tiếng nói của dân. Nhưng việc như Vinashin hay bô xít được đưa ra để yêu cầu chánh phủ phải có trách nhiệm, những người đứng đầu nhà nước phải có trách nhiệm, đã làm thất thoát một số tiền cực kỳ lớn. Tôi cho rằng, đây là một dấu hiệu tích cực cần phải biểu dương những vị dân biểu đã có những phát biểu gần với nhân dân như thế.”

Một dân oan thường lên tiếng thay mặt cho hàng ngàn bà con khác đồng cảnh ngộ có nhà đất, tài sản bị chánh quyền địa phương tịch thâu, từ Đức Linh, Bình Thuận, ông Lê Hồng Kỳ giải thích:

“Cơ quan hành pháp là người ra quyết định bãi nhiệm đối với các chủ tịch tỉnh có vi phạm, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng có làm được việc này đâu. Ví dụ như ông Nguyễn Trường Tô, chín lần không chịu thực hiện chỉ đạo của thủ tướng chánh phủ, mà ông Dũng không làm được gì, thì quyền lực của chánh phủ nằm ở đâu?

Bãi nhiệm ông là đúng rồi. Năm ngàn rưỡi, sáu ngàn rưỡi hecta rừng, ông Nguyễn Tăng Thắng và tôi kêu la biết bao nhiêu mà ông Nguyễn Tấn Dũng không chịu làm, nếu không bãi nhiệm ông mà cứ để tiếp tục nắm quyền thì mất đảng, mất nước, dân tộc Việt Nam không còn tin tưởng vào ai nữa.

Bãi nhiệm ông Dũng là nguyện vọng của dân tộc, đó là một dấu hiệu rất tốt.

Một dân oan Bình Thuận

Ông Dũng có quyền ký các quyết định giao đất cho Trung Quốc, cho Đài Loan, giao vùng đất bô xít ở Tây Nguyên cho Trung Quốc, hủy hoại môi trường, khi hơn 2 ngàn chữ ký phản đối, đứng đầu là ông Võ Nguyên Giáp mà ông Nguyễn Tấn Dũng không chịu nghe. Bãi nhiệm ông Dũng là nguyện vọng của dân tộc, đó là một dấu hiệu rất tốt."

Ngoài việc quy trách nhiệm vụ của Vinashin, yêu cầu các thành viên trong chánh phủ kể cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải kiểm điểm, nhận kỷ luật trước quốc hội, tạm đình chỉ chức vụ các cấp lãnh đạo có liên quan và cuối kỳ họp quốc hội sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm những thành viên sai phạm.

Theo dòng thời sự: