Mời quý thính giả theo dõi bài tường trình tiếp sau đây của Khánh An.
Thành kiến phản động
Đối với đa số không quan tâm hay không biết đến các website nước ngoài, thì một số những website nước ngoài thường xuyên đăng tải những tin tức về Việt Nam thường bị gán cho là website phản động. Điều này tạo ra thành kiến ở một số bạn trẻ cho rằng những website này thường bắt nguồn từ động cơ xấu, nên ngại tiếp xúc hoặc bỏ ngoài tai những tin tức ấy. Chị Phương Thảo cho biết mình chỉ lên website nước ngoài khi có một tin tức nóng:
“Thỉnh thoảng như là hôm nọ đấy có cái tin về luật sư (Lê Công Định) chẳng hạn thì mình lên để mình xem thử là Đài BBC nó bình luận cái gì. Nói chung là cái tin mà họ đưa thì họ cũng có vẻ như là bênh vực luật sư. Cái đấy mình nghĩ là không khách quan, mình tin ở phía Việt Nam đúng.”
… người ta đâu có biết, người ta không đi ra khỏi nước người ta không có biết là mình bị che đậy quá nhiều. Thực tế ra cuộc sống hằng ngày người dân được những gì, người ta đâu có biết. Người ta không sống với chính phủ khác, không biết là những chính phủ khác làm gì cho dân của họ.
Bạn Loan, định cư ở Malaysia
Cơ sở của những phán đoán đúng, sai từ hai luồng dư luận trong và ngoài nước theo chị là:
“Đại khái là mình nghĩ là về phía mình thì mình vẫn tin hơn, tại vì là mình đọc báo, mình thấy là tin ở Việt nam thì nó thuyết phục hơn. Đấy thì mình thấy có những cái chứng cứ với cả mình nghĩ là bên mình viết như thế là chắc chắn là phải như thế nào đấy thì người ta mới đưa những cái tin như thế.”
Và chị cũng không phủ nhận những tin tức từ bên ngoài cũng có cơ sở của nó, nhưng:
“Mình nghĩ là cũng có (cơ sở) nhưng mà với mục đích không tốt.”
Như vậy, với suy nghĩ rằng thông tin bên ngoài thường nhằm mục đích xấu, một số bạn trẻ đã tự cách ly mình khỏi tính chất đa chiều của việc nắm bắt thông tin. Với những bạn trẻ này, việc đặt câu hỏi, so sánh hay đánh giá những gì mình đọc là chuyện rất hiếm khi xảy ra.
Ra đi và so sánh
Trong khi đó, những bạn trẻ đã từng “xuất ngoại” trực tiếp hay gián tiếp bằng việc bước ra khỏi biên giới những thông tin trong nước, lại có cách nhìn nhận vấn đề rất khác. Bạn Loan, mới sang định cư ở Malaysia hơn 2 năm, đã có nhận xét:
“Ngày xưa mình ở đấy, mình như là thế hệ của bố mẹ mình, người ta vẫn tin vào đài báo, người ta vẫn tin vào Chính phủ, người ta đâu có biết, người ta không đi ra khỏi nước người ta không có biết là mình bị che đậy quá nhiều. Thực tế ra cuộc sống hằng ngày người dân được những gì, người ta đâu có biết. Người ta không sống với chính phủ khác, không biết là những chính phủ khác làm gì cho dân của họ. Người ta không có sự so sánh.”
Còn với trường hợp chị Ngọc Anh, vì làm nghề thông dịch nên chị “vượt biên giới” thông tin trong nước nhiều hơn với mục đích học hỏi, nâng cao khả năng ngoại ngữ. Từ những lần “vượt biên” như thế theo chị đã mang lại một cái nhìn tương đối khách quan hơn trong việc theo dõi tin tức.
“Em thì em ở (thế) khách quan lắm, tại vì tuy ở bên BBC nó có những cái tin mà người ta có thể đưa lên những cái comment. Những cái comment thì nó tự do, nói chung là tự do ngôn luận. Còn ví dụ như ở những trang tin Việt Nam thì ví dụ như cũng có, cũng có thể đưa lên nhưng mà hình như được kiểm soát nên nó, người ta thường gọi như là ở bên BBC thì nó hay có những tin gọi là, đối với Việt nam thì gọi là phản động.”
Mất niềm tin nơi chính phủ
Riêng với những bạn trẻ là thành viên của các tôn giáo, từ những sự việc xảy ra gần đây giữa chính quyền Nhà Nước với một số tôn giáo, đã có cái nhìn khác về tính chính xác và khách quan của truyền thông trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo. Anh Toàn, một giáo viên chuyên Hóa, nhận xét:
Việt Nam về là chỉ về với gia đình, bạn bè thôi chứ còn Chính phủ mất niềm tin rồi. Đọc báo bên đây nó khác hẳn, chuyện gì nó cũng đưa lên.
Bạn Loan, định cư ở Malaysia
“Một số cũng chính xác nhưng mà một số thì mình nghĩ cũng không chính xác đâu. Mấy vấn đề về tôn giáo thì thường nó cũng không được chính xác lắm.”
Từ những cơ hội được nhìn ra bên ngoài và so sánh, mỗi bạn trẻ tự chọn cho mình một thái độ tiếp nhận thông tin theo lối riêng. Một số chọn giải pháp đấu tranh cho quyền được tự do ngôn luận của Việt Nam bằng cách lập các website, blog, forum… riêng để trao đổi và để được lên tiếng bù vào khoảng trống của báo chí trong nước. Một số ít khác sau một thời gian định cư ở nước ngoài trở về thì đã có thói quen đọc thông tin trên các website nước ngoài, nên có cách lượng định thông tin theo kiểu “sàng lọc”, không còn dựa tuyệt đối vào một nguồn thông tin. Đa phần còn lại lặng lẽ đọc và miễn bình luận. Bạn Loan, người đang chuẩn bị về Việt Nam làm việc, đã cho biết:
“Việt Nam về là chỉ về với gia đình, bạn bè thôi chứ còn Chính phủ mất niềm tin rồi. Đọc báo bên đây nó khác hẳn, chuyện gì nó cũng đưa lên. Ngày trước em cũng chả biết, em cũng chỉ tin được như thế. Bây giờ mình khác hẳn rồi. Suy nghĩ mình nó thực tế và mình biết được người ta làm những gì, người ta đang làm những gì.”
Cùng với đà phát triển của xã hội, rồi đây, số bạn trẻ Việt Nam có cơ hội đi ra bên ngoài ngày càng tăng, khi ấy, có lẽ phép so sánh với những lượng định, đánh giá của người trẻ sẽ khách quan, cân bằng và chính xác hơn.