Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Hôm nay mời quý vị cùng Thanh Trúc trở lại Cambodia, ghé thăm người Việt bên bờ Tonlesap, going sông nước đục chảy qua thủ đô Phnom Penh của Xứ Chùa Tháp. Chúng ta sẽ đi doc theo cây số Chín, Mười và Mười Một, đến những xóm nhà gỗ lá lụp xụp của khu Năm Căn, Bồ Nâu.
Những chỗ này, vào năm 2002, khi Thanh Trúc ghé thăm thì bà con người Việt mình kham khổ lắm. Đã bốn năm qua rồi mà chừng như người đông hơn, cảnh nghèo vẫn đeo đẳng, đàn bà, thanh niên thiếu nữ không có việc gì để làm.
Xóm Năm Căn
Xóm Năm Căn nhìn xuống giòng Tonlesap mà quý vị cùng Thanh Trúc ghé đến hôm nay là nơi có khỏang trên 500 hộ người Việt. Những người sống trên bờ cao trên kia, xa hơn con nước một tí thì phần lớn là dân lao động, nhà không ra nhà, cửa không ra cửa, chẳng biết họ che chắn gió mưa như thế nào mỗi khi trở mùa.
Trẻ con mặt mày hốc hác, lem luốc, áo quần dơ bẩn, tóc vàng hoe dưới cái nắng nóng khô khốc của Xứ Chùa Tháp. Tiếng là ở gần sông mà có vẽ như sóng nước và gió mát không thể đến với họ.
Lần xuống phía dưới dọc bờ nước, nơi có thuyền bè san sát cạnh bờ, mới thấy đời sống nơi này dể chịu hơn trên kia. Đây là gia đình chị Xá trên một bè cá tương đối sạch sẽ khang trang hơn những bè khác dọc bờ Tonlesap: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Bây giờ mời quý vị lên xuồng, giống như chiếc tắc rán bên Việt Nam mình, đi ngược bờ sông từ cây số Mười Một đến cây số Mười nhé. Dọc theo bờ bên phải của quý vị là những bè cá, có cái trông vén khéo xinh xắn, có cái sơ sài tạm bợ như chính cuộc đời gạo chợ nước sông của người Việt ở vùng sông nước Tonlesap vậy.
Quý thính giả đang đi ngang qua xóm người Chăm nhìn từ trên thuyền, nằm giữa hai khu xóm chài của người Việt Nam: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Khu Bãi Rác
Quay lại khu Năm Căn và cây số Mười Một, khi trở ra mời quý vị bỏ chút thì giờ ghé qua Bãi Rác. Gọi là Bãi Rác vì nơi đây có một đống rác khổng lồ dơ bẩn của thành phố Phnom Penh đổ về.
Nói đến rác là nói đến hôi thối, ruồi nhặng, bệnh tật. Cách đây không lâu bãi rác này 15 hộ gia đình người Việt. Họ sống bám vào rác, đào bới lục lọi, nhặt phế liệu đem bán lại. Những người bản xứ nghèo cùng cũng ở trong khu Bãi Rác này.
Điều may mắn là cho tới lúc này bãi rác chỉ còn một gia đình Việt Nam mà thôi. Kia rồi, người đàn bà trong túp lều trống hươ trống hoác, cạnh một bà lão khắc khổ, ba đứa trẻ gầy gò, mũi dãi lòng thong. Những thứ chị bày bán là vài bó rau, dăm củ hành củ tỏi, vài lát thịt heo đang hấp dẫn lũ ruồi nhặng vo ve quanh đó: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tương phản với vẻ điêu tàn, bẩn thỉu, tối tăm ở Bãi Rác, cách đó không đầy trăm thước là khu nhà lầu mới được xây lên với đèn điện sáng rực, sẽ được dùng làm văn phòng và xí nghiệp cho các tập đoàn đầu tư nước ngoài.
Đó là lý do khu Bãi Rác sẽ phải bị giải tỏa trong một ngày rất gần. Vào khi Cambodia xây dựng hạ tầng cơ sở để thu hút đầu tư, những khu dân cư đông đúc, những xóm ổ chuột có nhiều người Việt nương náu như khu Bãi Rác này, khu Chắc Nghệ Lơ từng bị cháy nhiều lần, hay khu Năm Căn, Bồ Nâu ở cây số Mười Một, Mười Ba sẽ bị giải tỏa theo.
Không hẳn người Việt nào ở thủ đô Phnom Penh cũng sống trong nghèo nàn hết cả, dù như kẻ nghèo xem ra đông hơn người khá giả.
Người sẽ trình bày đôi nét sau cùng về toàn cảnh đời sống người Việt ở Cambodia là mục sư Tin Lành người Việt Nam, ông sang đây tị nạn và thường xuyên thăm viếng bà con người Việt mình ở Phnom Penh: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây xin tạm ngưng. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quý vị tối thứ Năm tuần tới.
Theo dòng câu chuyện:
- Người Việt trên vùng Biển Hồ của xứ Chùa Tháp