Du học sinh Việt Nam ở Đức (phần 2)

Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA

Số sinh viên Việt Nam hiện du học ở Đức đã tăng một cách đáng kể trong mấy năm trở lại đây. Họ là một thành phần tương đối tách biệt trong cộng đồng ngừơi Việt tại Đức, với lối sống riêng, sinh hoạt riêng và những suy nghĩ, dự tính riêng.

FreibergStudent200.jpg
Trang web của nhóm sinh viên Đại học Freiberg http://www.vietnam.tu-freiberg.de/vsv/

Phái viên tại Đức của ban Việt ngữ, cô Minh Thuỳ đã trao đổi và tìm hiểu về cộng đồng những người trẻ tuổi này trong một loạt ba bài. Trong bài thứ nhất, Minh Thùy đưa ra những nét tổng quát. Kỳ này, là đời sống của sinh viên Việt Nam tại Đức.

Đời sống

Cuộc sống ở nước Đức không phải dễ dàng, khí hậu ở Đức giá lạnh, đường phố sạch sẽ nhưng vắng vẻ, chỉ tập trung đông người ở các khu trung tâm. Người Việt sống rải rác khắp nước Đức, khó tìm được một khu phố có vài gia đình nguời Việt sống cạnh nhau, tìm được đồng hương để trò chuyện hỏi thăm vào dịp cuối tuần thật không dễ.

Trong khi đó những bạn Đức thì có cuộc sống khác biệt, họ rất lịch thiệp tử tế nhưng luôn giữ một khoảng cách với người khác, và tiếng Đức chưa đủ để bày tỏ, một mình phải đối phó với đủ mọi khó khăn, vì vậy sinh viên thường cảm thấy đơn độc, bị cô lập giữa cuộc sống.

“Làm gì để quên đi nỗi nhớ nhà, để tiếp tục việc học?’’ Câu hỏi này đã liên kết các bạn trẻ với nhau. Từ năm 1998, số sinh viên đông dần, họ thành lập những Hội sinh viên theo từng khu Đại học, làm ra những trang web để thông tin, giúp đỡ nhau, thi đấu bóng đá giao lưu giữa các Đại học, tập họp vui chơi trong những ngày lễ Tết.

Sự khác biệt sâu xa

Phần đông sinh viên theo học các ngành cơ khí, kỹ thuật, kinh tế và công nghệ điện tử, tập trung đông nhất là ở Đại học Dresden, Leipzig, Hannover và Frankfurt. Qua một, hai năm theo học các sinh viên đều nhận ra sự khác biệt sâu xa giữa việc học và đào tạo ở nước Đức và Việt Nam. Cô sinh viên Thảo Vy từng học 2 năm ở trường Đại học Khoa học tự nhiên ở Việt Nam nhận xét: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Không phải chỉ học tập, đi làm thêm hay hội họp vui chơi, nhiều sinh viên vẫn ưu tư về hoàn cảnh xã hội bên nhà. Một số sinh viên ở Hannover đang hình thành nhóm Vì ngày mai để giúp đỡ trẻ em nghèo tại Hà nội. Bạn Võ hồng Dũng, đang học khoa Điện tử, là trưởng nhóm này cho biết tình cảm và suy nghĩ của mình như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bên cạnh số sinh viên du học tự túc, còn một số ít sinh viên cao học được học bổng của vài tổ chức nước Đức hay của nhà nước Việt Nam, đa số đều là Đoàn viên hay Đảng viên nên việc sinh hoạt có sự kiểm soát chặt chẽ hơn.

Học bổng nhà nước cấp cho sinh viên khoảng 600 Euro hằng tháng, tạm đủ sống, nhưng có khi gặp sự cố thì 3 tháng vẫn chưa có tiền để trả học phí và chi tiêu, sinh viên phải vay mượn bạn bè hay cấp tốc tìm việc làm thêm.

Trên trang web của nhóm sinh viên Đại học Freiberg ghi rõ trong qui định hoạt động của Đoàn Sinh viên:“ Không tham gia các tổ chức chính trị và các vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia Việt nam và Cộng hoà liên bang Đức.’’ Khi đuợc hỏi các tổ chức chính trị đó là tổ chức nào và vấn đề nhạy cảm là gì, thì các bạn giữ im lặng!?

Quý thính giả vừa nghe bài thứ nhì trong loạt bài nói về sinh viên Việt Nam du học tại Đức do Minh Thuỳ thực hiện. Kỳ tới, mời quý thính giả đón nghe phần thứ bà và cũng là phần cuối của loạt bài, nói lên dự định của du học sinh sau khi họ tốt nghiệp ở Đức.