Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA
Số sinh viên Việt Nam hiện du học ở Đức đã tăng một cách đáng kể trong mấy năm trở lại đây. Họ là một thành phần tương đối tách biệt trong cộng đồng ngừơi Việt tại Đức, với lối sống riêng, sinh hoạt riêng và những suy nghĩ, dự tính riêng.
Phái viên tại Đức của ban Việt ngữ, cô Minh Thuỳ đã trao đổi và tìm hiểu về cộng đồng những người trẻ tuổi này trong một loạt ba bài. Trong hai bài đầu, Minh Thùy đã trình bày những con đường đưa du học sinh đến với nước Đức và đời sống của họ tại đó. Kỳ này, là dự định và ước vọng của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
Điều chú ý là hầu hết sinh viên du học tại Đức dù có học bổng hay tự túc đều dự tính trở về nước làm việc sau khi tốt nghiệp. Thảo Vy có suy nghĩ như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Đối với Phạm Trí Ngọc đã sống ở nước Đức 13 năm, sắp hoàn thành luận án tiến sĩ, thì tìm một việc làm ở đây không mấy khó khăn, nhưng anh vẫn dự định trở về Việt Nam dù biết xã hội vẫn còn tệ nạn quan liêu, tham nhũng.
Vấn đề hội nhập
Tuy nhiên vẫn có một số ít sinh viên được học bổng của các tổ chức Đức, sau khi tốt nghiệp, có được việc làm thích hợp với trình độ đã quyết định ở lại, cũng như một số nữ sinh viên kết hôn với bạn trai Đức để được ở lại đây.
Có thể nói vấn đề hội nhập ở nước Đức quá khó khăn, vì ngôn ngữ, thời tiết và đặc tính dân tộc của người Đức nên phần lớn số sinh viên du học tại đây cảm thấy không thích hợp với cuộc sống. Vấn đề quan trọng hơn là tình hình kinh tế nước Đức đang suy trầm nên không phải bất cứ ai khi ra trường đều tìm được một việc làm, một vị trí tốt trong xã hội Đức.
Trong khi đó, nhiều công ty, xí nghiệp lớn của Đức đang mở rộng thị trường về phía châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi có số người biết tiếng Đức nhiều nhất vùng châu Á, nên sinh viên đều thấy vận hội tốt hơn cho mình là ở ngay Việt Nam, thế nên họ quyết định trở về với đất nước.