Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA
Từ lâu Vương quốc Anh nổi tiếng là nước có một nền giáo dục chất lượng cao hàng đầu thế giới. Vì vậy không ngạc nhiên khi hàng năm có hàng vạn sinh viên quốc tế tới du học tại đây. Học sinh Việt Nam biết đến nước Anh có thể là rất nhiều qua sách vở, văn học, nhưng đến đây du học vẫn còn là ước mơ của nhiều bạn trẻ.
Hội đồng Anh (British Council) từ năm 1990 đã cố gắng mở rộng cánh cửa giáo dục chào đón học sinh Việt Nam. Với một số học bổng trao tặng cho những học sinh xuất sắc lúc ban đầu, đến nay các trường Đại học ở nước Anh đang thu hút đông đảo sinh viên Việt Nam, cả diện được học bổng và diện du học tự túc. Trong bài thứ hai của loạt bài : “Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc“ sau đây, phái viên Minh Thùy của ban Việt ngữ sẽ giới thiệu với các bạn về sinh hoạt, việc học tập và tâm tư suy nghĩ của sinh viên Việt Nam đang du học tại đây. Tâm tư suy nghĩ của sinh viên Việt Nam
Dù tuổi đời còn rất trẻ, chỉ khoảng 19, 20, nhưng sau hai, ba năm theo học và tiếp cận với cuộc sống tại nước Anh, có cơ hội đi đến các nước châu Âu khác như Hòa Lan, Đức, Pháp...các bạn sinh viên bắt đầu hiểu biết thế nào là tự do dân chủ thực sự, từ đó có cái nhìn cụ thể hơn về tình hình nước nhà, có những suy nghĩ bức xúc về xã hội trong nước đến nay vẫn còn những tệ nạn như bất công, quan liêu, tham nhũng, độc đảng đã làm chậm bước tiến của đất nước.
Cô sinh viên Vân Anh bày tỏ cảm nghĩ: "Tham nhũng là một trong những nguyên nhân làm đất nước chậm phát triển. Ở Việt Nam cần phải biết: you know...who chứ không phải là you know…how; có những người thừa tiền cho con qua đây du học, nhưng thực sự sang đây chỉ lo ăn chơi.
Ở bên Anh có nhiều Đảng, có tự do báo chí, tự do ngôn luận, người dân có quyền chọn lựa Đảng theo ý muốn, có suy nghĩ riêng. Còn ở Việt Nam chỉ có một Đảng, nên khi người dân có điều gì bức xúc thì không biết bày tỏ với ai...’’
Trường Giang cũng có nhận xét khá sâu sắc về xã hội ở Việt Nam và bạn tin tưởng với thế hệ trẻ của mình:
Tham nhũng là một trong những nguyên nhân làm đất nước chậm phát triển. Ở Việt Nam cần phải biết: you know...who chứ không phải là you know…how; có những người thừa tiền cho con qua đây du học, nhưng thực sự sang đây chỉ lo ăn chơi.
“Những tệ nạn thì ở đâu cũng có, bên Anh cũng có nhưng mức độ nhẹ hơn, riêng ở Việt Nam đó là do hậu quả của một quá trình sai lầm, xã hội chưa thực sự đồi mới hoàn toàn nên con người và xã hội không có qui chuẩn nào cả, dễ bị ảnh hưởng từ nhiều dòng văn hóa đông tây... Kinh tế Việt Nam phát triển chưa nhiều, vì thế cần phải thay đổi. Những giai đoạn này sẽ qua và Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi và phát triển.’’
Dù theo học ở nhiều thành phố khác biệt nhưng sinh viên ở từng trường đều thành lập Hội sinh viên học sinh ở trường, gồm cả sinh viên Việt Nam và các nước khác và liên kết nhau hình thành Hội Sinh Viên Việt Nam tại Vương quốc Anh, thường xuyên tổ chức những sinh hoạt văn nghệ như Đêm văn hóa Việt Nam, thi đấu bóng đá, Ngày Việt Nam, làm công tác từ thiện xã hội.
Riêng Hội sinh viên Việt Nam trường Oxford tuy không đông nhưng có được thành tích đáng kể: từ năm 2000 đến nay số tiền quyên góp được 8300 bảng Anh, gửi về quê nhà giúp đồng bào bị lũ lụt, giúp 6 học bổng học nghề cho trẻ em nghèo, tặng 1 máy Photocopy cho Nhà nuôi trẻ em đường phố, và sẽ trao tặng tiếp 15 học bổng cho học sinh nghèo tại Quận 3, Saigon.
Quý thính giả vừa nghe bài thứ nhì trong loạt bài tìm hiểu về du học sinh Việt Nam tại Anh quốc do Minh Thuỳ thực hiện. Trong buổi phát thanh tới, Minh Thuỳ sẽ tìm hiểu dự định sau khi tốt nghiệp của các sinh viên này. Mong quý thính giả đón nghe.
Theo dòng sự kiện:
- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 3)
- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 1)