Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Tình trạng nghèo khó tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tồi tệ hơn. Người nông dân không thể kiếm sống bằng mồ hôi của mình trên những cánh đồng mà từ xưa đến nay họ vẫn quen trong cảnh đời đạm bạc.
Tin tức từ trang tin điện tử của báo Tiền Phong Online đã chấn động dư luận vì vài nông dân đã lặn lội sang tận Trung Quốc để bán những trái thận của mình với mục đích kiếm một số tiền ít ỏi.
Người này rỉ tai người khác và nguy cơ một làn sóng theo nhau sang Trung Quốc bán tính mạng của mình đang đe dọa cảnh sống vốn yên ổn của một làng quê mang tên Long Phú thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Mua bán các bộ phận cơ thể người
Trên thế giới ngày nay với nhịp tiến của khoa học kỹ thuật, việc lắp ghép các bộ phận trong cơ thể con người không còn là điều gì quá khó khăn trong lãnh vực y khoa nữa.
Các nước có trình độ y khoa tương đối như Ấn Độ, Trung Quốc hay thậm chí cả Thái Lan có hẳn một nền công nghiệp du lịch chữa bệnh giá rẻ, ngày càng hấp dẫn hàng ngàn du khách vốn có nhu cầu điều trị mà ngay tại nước họ đang sống sẽ rất khó khăn ngay cả khi họ là những người giàu có.
Lý do chính là việc hiến các bộ phận trong cơ thể tại các nước phát triển là một hành động nhân đạo và chỉ được thực hiện khi người tình nguyện qua đời mà thôi.
Những trường hợp hiến tặng bộ phận khi còn sống chỉ được cho phép khi người hiến lẫn người nhận thuộc huyết thống mà thôi. Việc giới hạn này nhằm mục đích ngăn chận các hành vi mua bán bộ phận cơ thể và hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có chung một chính sách như nhau.
Tuy nhiên, vẫn có cách để luồn lách tại các nước như Trung Quốc hay Thái Lan nếu bệnh nhân có yêu cầu ghép bộ phận mới cho cơ thể cùa họ và việc lấy các bộ phận này được người ta mua lại từ những người nghèo khó ở các nước chậm phát triển như Việt Nam chẳng hạn.
Nông dân sang Trung Quốc bán thận
Tỉnh Sóc Trăng trong mấy ngày qua đã râm ran những lời bàn tán về việc một số gia đình đã sang Trung Quốc để bán thận và sự thật đau lòng này được ông Đặng Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Trung Bình, Long Phú tỉnh Sóc Trăng nơi sự việc xảy ra cách đây vài ngày.
Ba người mà ông Hoàng vừa nói là chị Phạm thị Hồng, anh Lâm Dương Nhi và anh Ngô văn Khánh. Cả ba người này đều bán mỗi người một quả thận của mình với giá 70 triệu.
Tất cả ba người đều cho biết những người mua thận của họ đều là người Việt Nam sang Trung Quốc chạy chữa những căn bệnh về thận. Cả ba đều rất vô tư tuyên bố rằng họ rất khỏe mạnh và không thấy có gì bất ổn trong cơ thể sau khi bán thận.
Hiểu biết về lãnh vực sức khỏe của họ thật ít ỏi và từ những kiến thức hạn hẹp này đã khiến họ mạnh dạn chấp nhận bán đi sinh mạng của mình không hề tiếc rẻ.
Chúng tôi hỏi chuyện Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hiệp, gíam đốc bệnh viện Nhân Dân Gia Định để tìm hiểu thêm về những liên quan.
Việc bán thận không phải chỉ riêng ba người nông dân của tỉnh Sóc Trăng mà thôi. Vẫn theo chị Hồng và anh Khánh cho biết họ gặp rất nhiều đồng hương trên đất khách cùng chung một mục đích như họ.
Sự thật này thật đáng buồn cho những người nông dân nghèo khổ. Rồi đây số phận của họ và gia đình sẽ ra sao khi chưa có thể nói là an tâm với những đồng tiền thắm máu?