Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Trong vài tháng gần đây nhiều vụ việc đã xảy ra khiến ngành giáo dục Việt Nam ngày càng bị đánh giá xấu. Không kể những vi phạm của học sinh như gian lận trong các kỳ thi, ngay cả giới giáo chức cũng có nhiều sai phạm nghiêm trọng như cung cấp đáp án, nâng điểm, hoặc cho lên lớp những học sinh không đủ khả năng, không đáp ứng tiêu chuẩn tốt nghiệp, khiến ngành lại thêm tai tiếng.
Trước tình trạng tệ nạn leo thang ở cả phía thầy, cô, giới hữu trách dự định làm gì để thay đổi tình hình? Nhã Trân tìm hiểu và trình bày.
Đã nhiều năm qua người dân không còn ngạc nhiên trước hiện tượng nhiều học sinh thường ngày rất kém lại đỗ cao trong các kỳ thi, tốt nghiệp với hạng xuất sắc hoặc ít ra là được lên lớp, để rồi khi vào lớp trên lại không đủ khả năng theo đuổi.
Không cần được giải thích, người ta cũng biết rằng nếu không phải vì học trò sử dụng phao thi hoặc mua đáp án thì là do thầy cô nâng điểm hoặc phê chuẩn cho tốt nghiệp, cho lên lớp.
Những lý do nổi và chìm
Lý do nào thúc đẩy giới giáo chức, xưa nay vốn được tôn trọng, được xem là có tư cách, được trao cho trách nhiệm vô cùng trọng đại là giáo dục, đào tạo những công dân tốt cho xã hội, đã phải làm những việc trái lương tâm nghề nghiệp, có những hành vi thiếu đạo đức? Cô giáo Tr. N. H của một trường cấp 2 thuộc quận Tân Bình giải thích:
“Tình trạng chung của các trường học bây giờ là giáo viên luôn luôn phải cố gắng, để mỗi cuối kỳ thi tất cả các học sinh đều phải đạt giỏi hoặc khá, bởi vì nếu không người giáo viên đó, nếu có 5 hoặc 6 học sinh kém, sẽ bị mất tiên tiến.
Khi bị mất tiên tiến sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong công tác, chẳng hạn như trước mắt sẽ bị cúp tiền thưởng, rồi sau đó bị chuyển công tác, tức là nếu đang dậy lớp học sinh giỏi sẽ bị đẩy vào dậy lớp cá biệt, tức những lớp mà không ai còn dậy nổi nữa, vì mình đã bị đánh giá là không có năng lực, nên mới để lớp có tỉ lệ học sinh kém nhiều như vậy.
Khi bị mất tiên tiến sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong công tác, chẳng hạn như trước mắt sẽ bị cúp tiền thưởng, rồi sau đó bị chuyển công tác, tức là nếu đang dậy lớp học sinh giỏi sẽ bị đẩy vào dậy lớp cá biệt, tức những lớp mà không ai còn dậy nổi nữa, vì mình đã bị đánh giá là không có năng lực, nên mới để lớp có tỉ lệ học sinh kém nhiều như vậy.
Cho nên trước ngày thi các giáo viên đều phải luôn luôn tìm cách cho các em biết trước đề thi, để rồi đến ngày thi các em cứ thế mà làm, để đạt điểm khá, bởi vậy kết quả là tất cả các học sinh đều đạt điểm tốt hết”.
Ngoài những lý do vừa kể, một trong các nguyên nhân dẫn đến những hành vi thiếu đạo đức của nhà giáo, giới được xem là bậc kỹ sư tâm hồn, là tôn chỉ suy tôn, vinh danh những nhà trường và giáo viên đạt thành tích, tức có số học sinh lên lớp hay thi đậu nhiều, do nhà nước đề ra.
Quan điểm có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao là dấu hiệu thành công của nhà trường nói chung và nhà giáo nói riêng đã tạo nên hiện tượng tỉ lệ đỗ mỗi năm càng tăng, mà ngược lại trình độ và khả năng thật sự của học sinh, thành phần rường cột quốc gia trong tương lai, thì ngày lại càng giảm đến độ báo động.
Như một guồng máy được chỉ đạo từ trên, giới sư phạm bị cuốn hút vào vòng suy đồi vì không có lối thoát. Có những trường hợp nhà giáo không màng đến danh hiệu hay quyền lợi, nhất định không làm việc trái lương tâm, thì lại bị thúc đẩy hoặc cưỡng buộc của ban quản lý trường.
Trước sức ép của cấp trên, người giáo viên không có sự lựa chọn nào khác là nhắm mắt theo chỉ thị, tuy trong lòng không khỏi bị cắn rứt. Ngoài ra có một số thầy, cô nhất quyết sống ngay, sống đúng, chống lại yêu cầu của ban giám hiệu thì lại bị trù dập, đổi cơ sở công tác, hoặc phê xấu, gây ảnh hưởng đến tương lai nghề nghiệp suốt đời.
Phương cách khắc phục
Phát biểu tại hội thảo, tân Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chỉ tiêu và bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của giới có trọng trách dạy dỗ lớp mầm non của tổ quốc.
Những lý do nổi và chìm vừa nêu trên đã khiến các tệ nạn trong ngành sư phạm mỗi lúc một trầm trọng, tưởng như hết thuốc chữa, khiến những người quan tâm đến tương lai của dân tộc, của đất nước phải ngao ngán và lo ngại. Trong nhiều tuần qua công luận trong nước cho thấy bức xúc của dân và mong chính phủ sớm tìm cách khắc phục trước khi quá muộn.
Làm cách nào để khắc phục tình trạng suy vi của ngành giáo dục, nói rõ và cụ thể hơn là để tránh việc nhà trường và hoặc các nhà giáo phải dối trá để được đánh giá là đạt tiêu chuẩn trên đề ra? Một số quan chức trong ngành, điển hình là các Giám Đốc những Sở Giáo Dục-Đào Tạo, đã trình bày thực trạng và nguyên nhân.
Vài ngày trước Bộ Giáo Dục vừa cho tổ chức hội thảo về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành. Cuộc hội thảo được phát khởi ở cả ba miền, diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, như để chứng tỏ quyết tâm của giới trách nhiệm trong việc xóa bỏ các tệ nạn và phục hồi giá trị của ngành.
Phát biểu tại hội thảo, tân Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chỉ tiêu và bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của giới có trọng trách dạy dỗ lớp mầm non của tổ quốc. Ông khẳng định, tiêu chí thi đua không hợp lý là nguyên nhân của bệnh thành tích, và chỉ tiêu đề ra không phù hợp với thực trạng đã gây nên việc nhà trường, thầy cô phải dối trá để không bị đánh giá kém, không đạt chất lượng giảng dạy.
Ông Bộ Trưởng tuyên bố cần tìm cách đổi mới công tác thi đua, xác định lại tiêu chí thi đua, bỏ hoặc thay đổi chỉ tiêu thi đua để loại bỏ bệnh thành tích, xem xét cách chỉ đạo của cấp nào đã dẫn đến sự gian dối của giới giáo chức và đơn vị quản lý cơ sở. Nói tóm lại, theo ông công tác thi đua cần được đổi mới để thể hiện tinh thần 2 không, tức không đặt thành tích và không đề ra tiêu chí thi đua thiếu hợp lý.
Bộ Giáo Dục dự kiến sẽ ban hành tiêu chí thi đua mới cho toàn ngành vào tháng 10 năm nay. Giới sư phạm cũng như người dân đang kỳ vọng vào điều này.