Trà Mi, phóng viên đài RFA
Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ tăng cường tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong kỳ bầu cử khóa XII sắp diễn ra vào ngày 20/5 tới đây.
Tin này được các nữ cử tri đón nhận ra sao? Họ nhận xét thế nào về vai trò và chức năng của chị em phụ nữ trong bộ máy chính quyền hiện nay, và có kỳ vọng gì nơi các nữ dân biểu tương lai? Trà Mi ghi nhận cảm nghĩ của một số cử tri nữ từ nhiều địa phương khác nhau trong nước:
Việt Nam được xem là một trong số những quốc gia có số nữ giới tham gia chính quyền cao nhất Châu Á, và là nước dẫn đầu khu vực về tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội. Đó là nói về số lượng.
Chỉ có chức, không có quyền
Còn xét về chất lượng thì sao? Vai trò và ảnh hưởng của các nữ đại biểu quốc hội hiện nay đối với nữ giới trong xã hội như thế nào? Chúng ta hãy lắng nghe tâm tình của nữ cử tri ở các nơi. Một nữ nông gia tại khu vực miền Tây, nhận xét:
“Nói thẳng họ chỉ có chức có quyền vậy thôi chứ họ cũng không quan tâm đến dân đâu, họ chức vụ nhưng thực thi nhiệm vụ thì không có.
Các bà đại biểu quốc hội hiện nay cũng không gần dân, không đi sâu sát với dân. Họ không đại diện cho tiếng nói cử tri, cũng không tỏ thái độ quan tâm tới đời sống và những bức xúc của người dân. Chưa thấy ai bênh vực cho nữ giới tụi em hết trơn, kiểu như bầu cử cho có.
Các bà đại biểu quốc hội hiện nay cũng không gần dân, không đi sâu sát với dân. Họ không đại diện cho tiếng nói cử tri, cũng không tỏ thái độ quan tâm tới đời sống và những bức xúc của người dân. Chưa thấy ai bênh vực cho nữ giới tụi em hết trơn, kiểu như bầu cử cho có.
Nói thẳng ra tụi em cũng đâu có bầu những người đó đâu. Mình đi bỏ phiếu có gạch tên họ thì họ cũng đắc cử như thường. Tổ chức bầu cử để cho có vẻ là dân chủ thôi. Người ta đã đắc cử trước khi mình bầu rồi, họ được chỉ định trước rồi.”
Cùng một câu hỏi này, chúng tôi đặt ra với một bà tiểu thương tại một huyện xa xôi, hẻo lánh ở miền Đông Nam Bộ, bà cho biết: "Họ nói không thôi chứ thực tế chả thấy gì nên chúng tôi chẳng quan tâm. Hầu hết có được những vị trí đó là nhờ "dây mơ rễ má", quen biết, thân thế chứ không mấy ai có trình độ văn hoá, kiến thức đầy đủ? Những người tài năng thì không được làm. "
Cần phải mạnh dạn lên tiếng
Từ miền Trung, một nữ giáo chức chia sẻ quan điểm của mình: "Bây giờ Việt Nam cũng như tất cả các nước, nữ giới cũng ngang hàng với nam giới. Nữ cũng có quyền đi bầu cử, ứng cử. Do đó, nếu nữ giới vào bộ máy chính quỳên làm tốt nhiệm vụ thì là điều rất tốt cho đất nước. Thế nhưng từ nào giờ đi họp chỉ nghe các nữ đại biểu nói không thôi, chứ thực hành cho dân thì không được.
Tiếng nói của họ hình như còn yếu đối với Đảng hay sao đó. Quốc hội có tới 500 đại biểu, nhưng con số này không phản ảnh được chất lượng gì hết. Dân oan khiếu kiện gửi thư đi khắp nơi mà họ không bênh vực được gì cho dân cả. Còn mấy nữ luật sư bênh vực cho dân thì bị đàn áp nhiều lắm."
Chúng tôi cũng có dịp hỏi thăm một nữ cán bộ hưu trí từ miền Bắc, người từng nhiều năm nắm giữ vai trò lãnh đạo trong cơ quan hành chánh nhà nước, bà đưa ra một ví dụ nhỏ thay cho câu trả lời:
“Ví dụ như bà Phạm Phương Thảo hiện là Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, tôi nhớ có một hôm có 5,7 người dân đi khiếu kiện đứng chờ trước cửa nhà bà ta. Khi ô tô bà ta vừa về tới dân ào tới thì bà ta vội sập cửa xe lại, trốn trong ôtô, không tiếp dân.
Đấy những người phụ nữ có quyền có chức như thế, mà họ lại như vậy. Trong khi ông thủ tướng Australia đến Việt Nam còn đi giữa Hà Nội với dân, ông ta đâu có sợ dân mà bà Chủ tịch lại đi sợ dân thì tôi cũng chẳng hiểu ra sao. Khó nói lắm…
Chúng tôi là những người về hưu rồi. Từ lúc tôi nhìn thấy được những tiêu cực, những sai phạm của các cán bộ trong vấn đề xử lý khiếu kiện của dân và thực trạng nữ luật sư bênh vực dân oan lại bị bắt vào nhà thương tâm thần, lúc ấy tôi mới thấy được những mặt trái mà trước đây tôi không nhìn thấy, và cũng từ đó, tôi giống như một người về ở ẩn, không muốn nhìn và quan tâm đến thực trạng xã hội nữa.”
Chúng tôi là những người về hưu rồi. Từ lúc tôi nhìn thấy được những tiêu cực, những sai phạm của các cán bộ trong vấn đề xử lý khiếu kiện của dân và thực trạng nữ luật sư bênh vực dân oan lại bị bắt vào nhà thương tâm thần, lúc ấy tôi mới thấy được những mặt trái mà trước đây tôi không nhìn thấy, và cũng từ đó, tôi giống như một người về ở ẩn, không muốn nhìn và quan tâm đến thực trạng xã hội nữa.
Những kỳ vọng của người dân
Trong kỳ bầu cử Quốc hội khoá XII sắp diễn ra vào giữa tháng 5 tới đây, chính phủ Việt Nam công bố sẽ tạo điều kiện cho nữ giới khẳng định tiếng nói của mình trên chính trường, và phát huy vai trò lãnh đạo trong xã hội nhiều hơn nữa bằng cách gia tăng tỷ lệ nữ đại biểu từ 33% trở lên.
Trước mục tiêu nhà nước đề ra, các chị em cử tri có kỳ vọng gì nơi các đại biểu cùng phái trong tương lai? Xin nhường lời cho những người trong cuộc:
“Những người phụ nữ được đắc cử xin hãy quan tâm đến dân nhiều hơn, đi sâu sát gần dân hơn. Mình là đại diện của dân, lãnh tiền do dân đóng góp thì ít ra nên làm những điều gì dân mong muốn, phải thay dân nêu lên những bức xúc của họ trong những cuộc họp quốc hội, nhưng mà có ai nói gì đâu?! Chẳng thấy gì hết.
Nhà nước hô hào xã hội văn minh, tiến bộ. Những người phụ nữ bình thường như chúng tôi cũng mong muốn đất nước sẽ đổi mới, kinh tế phát triển, dân chủ hơn.
Nhân ngày 8/3 thì cũng mong muốn quyền phụ nữ sẽ đựoc nâng cao lên, thế nhưng mong muốn thế thôi chứ thực tế thì mình chẳng được làm gì cả. Họ có quyền thì muốn làm sao thì làm, mình là dân chỉ nghe theo thôi, chứ đâu được quyền ý kiến.”
Thống kê mới nhất được đăng trên báo điện tử Cộng sản Việt Nam cho thấy càng ngày tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử ngày càng tăng, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Toàn quốc hiện có 3 Chủ tịch và hơn 30 Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân là nữ. Ở cấp bộ trửơng và thứ trưởng, tỷ lệ nữ chiếm trên dưới 10% trong bộ máy chính quyền.