Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Bộ y tế Việt Nam hy vọng kiểm soát được dịch tiêu chảy cấp ở miền Bắc, nếu làm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy dịch lại có thể bùng phát ở miền Trung nơi môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng sau khi lũ rút.
Ngoài ra miền Nam trong đó có TP.HCM cũng là những địa bàn có nguy cơ lây lan dịch. Về vấn đề này, một người phát ngôn của văn phòng Y Tế Thế Giới tại Hà Nội, bà Dida Connor nói với Trường Văn của đài Á Châu Tự Do rằng:
“Đây là vấn đề khó có thể tiên đoán được. Chính phủ VN đang làm hết sức mình để bảo đảm là các biện pháp phòng ngừa được áp dụng, với sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO. Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ VN để có thể khống chế được dịch bệnh.”
Các giới chức cao cấp ngành y tế lạc quan với sự kiện cao điểm dịch tiêu chảy cấp có thể đã đi qua, các ca bệnh tả ngày một giảm. Sau khi một số người lành bệnh được ra viện, hiện nay cả nước còn hơn 800 người đang được điều trị.
Tuy nhiên, Tiền Phong Online ghi nhận là ở Hà Nội vẫn có người bị bệnh phải vào bệnh viện, và nếu tính gộp từ 23/10 tới hết ngày 15/11 tổng số người bị tiêu chảy cấp phải vào bệnh viện điều trị là 1.826 người, số bị dịch tả 232 trường hợp.
Dù bệnh tả rất nguy hiểm, ngừơi bệnh có thể tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được chữa trị kịp thời, nhưng rất may cho tới nay chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan tới đợt dịch tả hiện nay.
Trong ngày hai ngày 14 và 15/11 toàn quốc có thêm 113 ca mới mắc bệnh, trong đó có 6 trường hợp dương tính với vi khuẩn tả. Tờ báo cho biết một số địa bàn trọng điểm của Hà Nội như quận Hoàng Mai, Đống Đa và Thanh Xuân vẫn xuất hiện một số ca mới nhiễm bệnh.
Cụ thể Viện Các Bệnh Nhiệt Đới và Truyền Nhiễm Quốc Gia trong ngày 14/11 tiếp nhận 16 ca nhiễm mới. Ngoài ra Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân với các triệu chứng tiêu chảy cấp.
Một nữ bác sĩ ở Bệnh Viện Bạch Mai ghi nhận tình hình thực tế: " Có chiều hứơng giảm nhưng khó có thể tiên liệu là bao giờ dịch sẽ chấm dứt."
Theo VietnamNet ngày 15/11, Bộ Y tế đánh giá dịch tiêu chảy cấp đã giảm mạnh, tuy nhiên Bộ này tỏ ra lo ngại cho các tỉnh miền Trung vừa trải qua thiên tai kéo dài, điều đáng lưu ý là dịch tiêu chảy thường xuất hiện tại các vùng vừa xảy ra lũ lụt.
Bộ y tế cảnh báo khả năng dịch lây lan ra các tỉnh miền Trung và miền Nam là rất lớn. Theo đó, Bộ y tế đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác giám sát, phân loại ngừơi bệnh để loại trừ những trường hợp không phải tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Huy Nga Cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng đề cập tới khả năng sử dụng vắc xin ngừa tả dạng uống do VN sản xuất cho người dân các vùng có nguy cơ cao:
“Những vùng lũ lụt có nguy cơ cao, thiếu nứơc sạch vệ sinh thực phẩm không đủ an toàn. Chúng tôi đang xem xét vấn đề này nhưng chúng tôi phải theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WTO để thực hiện theo hướng dẫn chung của quốc tế.”
Thiên tai luôn đi cùng dịch bệnh, đợt lũ vừa qua làm miền Trung bị thiệt hại nặng, SGGP Online ghi nhận đến ngày 15/11 có 35 người chết một số người mất tích, hơn 300 ngàn căn nhà bị ngập hư hỏng, 15 ngàn căn nhà sụp đổ. Điểm quan trọng là nứơc lũ đã tràn ngập một địa bàn rộng lớn ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Khánh Hoà.
Một mặt lo cứu dân khỏi nạn đói, sau lũ là công tác phục hồi đời sống và điều mà chính quyền lo hơn cả là phòng chống dịch bệnh. Với tình trạng môi trường và nguồn nứơc bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh nguy hiểm nhất có nhiều khả năng xảy ra là tiêu chảy cấp trong đó có bệnh tả.
Tại Đà Nẵng, lũ đã rút nhưng nhiều địa phương vẫn phải sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nứơc sạch, dịch bệnh rình rập. Theo Vietnam Net nagy sau khi nứơc bắt đầu rút, Trung Tâm Y Tế Dự Phòng đã chỉ đạo các đội y tế dự phòng giám sát dịch bệnh sau lũ. Nứơc rút đến đâu vận động chính quyền và nhân dân địa phương dọn dẹp vệ sinh đến đó, để lực lượng chức năng phun hoá chất sát trùng xử lý môi trường, xử lý các giếng nứơc bị ngập lụt để đảm bảo c1o nguồn nứơc hợp vệ sinh cho nhân dân sử dụng để hạn chế dịch bệnh sau lũ lụt.
Theo tin này Đà Nãng tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thức ăn đường phố, thức ăn sẵn, lấy mẫu xét nghiệm đối với rau sống, mắm, thịt gia súc gia cầm, thuỷ hải sản để phát hiện xử lý kịp thời phòng ngừa dịch bệnh phát sinh từ thực phẩm không an toàn.
TTYTDP Đà Nẵng đã mua bống ngàn viên Ofloxaxin, hai ngàn viên Azithromycine để cấp cho các quận huyện điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra tiêu chảy cấp.
Mặc dầu vậy, dịch đau mắt đỏ và tiêu chảy đang có dấu hiệu bùng phát tại các vùng bị ngập lụt của huyện Hoà Vang, với khoảng trên 100 ca đang điều trị. Chưa kể do ngâm nứơc nhiều ngày nên nhiều người bị cảm sốt, đau đầu, dị ứng da. Công tác phòng chống dịch bệnh sau khi lũ rút không chỉ được triển khai ở Đà Nẵng mà ở tất cả các tỉnh thành vùng lũ.
Cơn thịnh nộ của đất trời đã cuốn trôi cả tài sản nhà cửa, cái ăn cái uống còn thiếu thốn, vấn đề gìn giữ vệ sinh có thể không phải là chuyện dễ dàng.
“Cách chắc ăn nhất vẫn là phải nấu sôi. Nếu chúng ta nấu sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 10 tới 15 phút là vi trùng tả không còn tồn tại được. Nấu chín thức ăn và uống các loaị nứơc đã đun sôi để nguội, và cách tốt nhất là chúng ta nên đậy đồ ăn thật kỹ, đừng để ruồi bu; nên rửa tay thật kỹ trứiơc khi ăn thì chúng ta sẽ có thể không bị vứơng vào bệnh tả.”
Phát biểu của bác sĩ Ngọc Khanh ở TP.HCM trên đây, có thể xem là lời khuyên hữu ích dù quí vị đang ở thành thị hay thôn quê.
Chúng tôi trở lại một bản tin trên Tiền Phong Online ngày 14/11. Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo chống dịch tiêu chảy cấp ở Hà Nội, thứ trưởng y tế Trịnh Quân Huấn đưa ra cảnh báo rằng sau đợt dịch hiện nay, dịch tiêu chảy cấp có khả năng bùng phát vào sang năm 2008.
Ông Huấn nhấn mạnh rằng không thể chủ quan với diễn biến của dịch vì hiện chưa kiểm soát hết số ngừơi lành mang trùng, môi trường sống cũng bị nhiễm khuẩn, số bệnh nhân ra viện ồ ạt và số ngừơi chăm sóc bệnh nhân trở về nhà rất nhiều. Tất cả những dữ kiện đó theo thứ trưởng Trịnh Quân Huấn sẽ tạo ra nguy cơ ổ dịch xuất hiện trở lại.