Gia Minh, phóng viên đài RFA
Thưa quí thính giả, đối với những người thường xuyên sử dụng máy tính để làm việc thì thao tác dùng chuột để thực hành các lệnh trở nên quá quen thuộc và bình thường.

Lâu nay, giới chuyên viên lập trình máy tính đang cung cấp cho người sử dụng một công cụ khác là dùng lời nói và ngay cả mắt nhìn để ra lệnh cho máy tính; từ đó nhiều phần mềm với các công dụng như thế đã xuất hiện trên thế giới. Loại phần mềm này được xem rất thiết thực cho những người tàn tật.
Tại Việt Nam, vừa qua một nhóm sinh viên tại trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, dù đang đi học, nhưng cũng có sáng kiến phát triển ra phần mềm nhận dạng giọng nói tiếng Việt trong máy tính. Phần mềm đó có tên Vspeech và tác giả là nhóm BK02 do sinh viên Nguyễn Hữu Ngôn làm trưởng nhóm.
Trong chương trình ‘Sáng kiến & Đời sống’ kỳ này, mời quí thính giả và các bạn cùng nghe đồng tác giả và trưởng nhóm BK02, Nguyễn Hữu Ngôn, giới thiệu về phần mềm Vspeech đó qua cuộc trao đổi với Gia Minh sau đây.
Gia Minh: Đến nay Vspeech đã phát triển đến đâu?
Nguyễn Hữu Ngôn: Cuối năm nay sẽ có phiên bản mới. Từ khi có phiên bản cũ từ cuối năm 2004 thì đến nay có hơn 33 ngàn người sử dụng rồi.
Gia Minh: Phản ánh của người sử dụng thế nào?
Nguyễn Hữu Ngôn: Phản ánh nhiều nhất là không cài đặt được.
Gia Minh: Phần mềm được thiết lập thế nào?
Nguyễn Hữu Ngôn: Giúp người sử dụng điều khiển máy tính bằng giọng nói, nó đòi hỏi phải có Windows XP, với Office XP trở lên. Đây là phần mềm miễn phí.
Các bước tải là vào trang web của nhóm, phải có micro, sound card. Trên màn hình xuất hiện lệnh tiếng gì thì nói bằng tiếng đó. Thay vì dùng chuột thì đọc.
Gia Minh: Phiên bản mới sẽ có những điểm gì mới?
Nguyễn Hữu Ngôn: Cơ bản là sẽ chạy ổn định và chất lượng tốt hơn. Nói chung hạn chế của phiên bản cũ là khó xài như khâu download và cài đặt, đặt biệt đối với những người sử dụng bình thường. Cần phải khá trong thao tác máy tính.
Sắp tới sẽ có viết hướng dẫn đầy đủ, bỏ đi những tính năng rườm rà. Cứ theo tài liệu là làm được tương tự như sản phẩm nước ngoài vậy.
Gia Minh: Công việc làm phiên bản mới có mất nhiều thời gian không?
Nguyễn Hữu Ngôn: Vì vừa học vừa làm nên khi nào rảnh mới làm. Xét về thời gian cũng mất khá nhiều. Hiện nay cũng cố gắng hết sức mình để chăm chút cho sản phẩm thôi. Cách làm việc là phải xắp xếp thời gian cho hợp lý
Gia Minh: Hiện có nghĩ đến sản phẩm mới nào chưa?
Nguyễn Hữu Ngôn: Chúng em vừa tung ra một sản phẩm mới là 'mobilemath'. Phần mềm này xử lý hầu như các thao tác toán học trên máy di động. Phần mềm này cũng miễn phí.
Quí thính giả và các bạn vừa nghe bạn Nguyễn Hữu Ngôn, sinh viên khoa công nghệ thông tin trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, trưởng nhóm BK02, tác giả của phần mềm nhận dạng giọng nói tiếng Việt trong máy tính, nói về sản phẩm của nhóm.
Địa chỉ web của nhóm là www.bk02.net, các bạn quan tâm có thể vào để tham khảo và tải miễm phí phần mềm Vspeech này, cũng như xem qua các phần mềm khác của nhóm. Riêng báo chí trong nước nói gì về phần mềm Vspeech?
Tờ Người Lao Động viết: ‘Một cách thao tác điều khiển máy vi tính đơn giản hơn là sử dụng giọng nói. Các nước trên thế giới đã có phần mềm điểu khiển máy vi tính từ lâu (dĩ nhiên chủ yếu bằng tiếng Anh).
Còn người Việt Nam muốn dùng chính ngôn ngữ của mình để điều khiển, soạn thảo trên máy vi tính thì sao? Chắc hẳn những ai trong giới công nghệ thông tin đều ít nhiều biết đến một phần mềm nhận dạng giọng nói tiếng Việt và hỗ trợ điều khiển máy vi tính bằng giọng nói Vspeech do nhóm sinh viên BK02 trình làng cuối năm 2002”.
Báo Thanh Niên giải thích: "Trong Vspeech, tín hiệu âm thanh từ phía người dùng sẽ được chuyển thành các thông điệp gửi trực tiếp đến Vspeech. Vspeech sẽ phân loại lệnh dựa trên các thông số rồi đưa ra yêu cầu xử lý bằng phù hợp.
Điểm đặc biệt nhất là Vspeech có thể giúp máy tính lắng nghe cả bằng tiếng Việt thông qua việc xây dựng hoàn chỉnh bộ tự điển phát âm tiếng Việt tương thích với các công cụ nhận dạng giọng nói có sẵn. Vspeech còn được tích hợp chặt chẽ với Windows XP cho việc điều khiển toàn bộ hệ thống, Microsoft Office cho việc soạn thảo văn bản, Internet Explorer để duyệt Web…"
Mục ‘Sáng kiến & Đời sống’ kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.