Ý nghĩa quan trọng chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

The Times of India (TOI) hôm 19/2/2018 loan tin cho biết Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang sẽ có chuyến thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 2 đến ngày 4/3/2018, đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Ấn và khẳng định tái cam kết mở rộng quan hệ quốc phòng, an ninh.

Điều đặc biệt là tờ TOI còn đưa ra nhận định rằng “Chuyến thăm của chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này sẽ mang ý nghĩa quan trọng vì đây là nhân vật quyền lực thứ nhì trong hệ thống phân cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam và có thể sẽ tiếp nhận chức vụ Tổng Bí thư, một vị trí có quyền lực nhất ở Việt Nam, sau vài năm nữa.”

Có chung lợi ích

Trước tiên, nhận định về quan điểm của tờ TOI khi bình luận về ý nghĩa quan trọng của chuyến đi thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị Châu Á cho rằng đó là một “nhận định khách quan”:

“Họ có quyền nhận định mang tính chất gọi là tích cực. Cách nhận định ấy nó có 1 cơ sở khi nói ông Trần Đại Quang là người có quyền lực thứ nhì. Nhìn chung nó có ý đúng tức là theo Hiến pháp, Thủ tướng là số 1, còn ông ấy là số 2.”

<i> <i>Họ có quyền nhận định mang tính chất gọi là tích cực. Cách nhận định ấy nó có 1 cơ sở khi nói ông Trần Đại Quang là người có quyền lực thứ nhì. Nhìn chung nó có ý đúng tức là theo Hiến pháp, Thủ tướng là số 1, còn ông ấy là số 2. - TS Hà Hoàng Hợp</i> </i>

Tuy nhiên ông cũng khẳng định đó là cách nhận định của “phía bên ngoài”, mà ở đây được hiểu là quốc gia Ấn Độ nhìn về chính trường Việt Nam. Theo ông, rất khó để đưa ra dự đoán về vị trí Tổng Bí thư tương lai như thế với cách cơ cấu và tổ chức hệ thống quyền lực trong nội bộ của chính quyền Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Vấn đề được Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ghi nhận quan trọng trong chuyến đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này chính là mối quan hệ Việt-Ấn. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng những nguyên nhân chính trị và chiến lược đã quyết định cho mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng tốt lên, vốn đã bắt đầu từ năm 1945, từ khi Ấn Độ tách khỏi Pakistan.

Cho đến năm 2016, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược (2017).

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về biển Đông tại Việt Nam đưa ra nhận định:

“Hai quốc gia đều có biên giới trực tiếp với Trung Quốc. Và hai quốc gia này trong quá khứ đã từng có chiến tranh biên giới với Trung quốc. Cho nên trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên những khu vực mà họ cho là họ có chủ quyền, trên biển lẫn trên bộ, Việt Nam cần có một quốc gia đủ mạnh chống lại tham vọng của Trung Quốc, quốc gia đó là Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ cũng là một cường quốc không thua kém gì Trung Quốc cả, và về mặt hải quân còn có thể là hơn Trung Quốc một phần.”

Biển Đông là khu vực hiện đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei.

Trong khi đó, Ấn Độ hiện đang tăng cường quan hệ với Việt Nam và có quan điểm ủng hộ tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông. Đây là tuyến đường mà hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua đó trị giá hằng ngàn tỷ đô la Mỹ.

Trong bối cảnh đó, và trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Ấn Độ đã tăng cường quan hệ với Việt Nam, một quốc gia ông cho là chủ chốt của Đông Nam Á:

“Ấn Độ cũng đã có một số thành công nhất định, ví dụ như trong quan hệ với Việt Nam, một quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á, đã có những bước tiến cho thấy chính sách hành động Hướng Đông này cũng được triển khai khá là tích cực.”

<i> <i>Hai quốc gia đều có biên giới trực tiếp với Trung Quốc. Và hai quốc gia này trong quá khứ đã từng có chiến tranh biên giới với Trung quốc. Cho nên trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên những khu vực mà họ cho là họ có chủ quyền, trên biển lẫn trên bộ, Việt Nam cần có một quốc gia đủ mạnh chống lại tham vọng của Trung Quốc, quốc gia đó là Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ cũng là một cường quốc không thua kém gì Trung Quốc cả, và về mặt hải quân còn có thể là hơn Trung Quốc một phần. - Thạc sĩ Hoàng Việt</i> </i>

Vai trò của Ấn Độ ở Đông Nam Á

1 tháng trước đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến Ấn Độ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ và 10 quốc gia Đông Nam Á diễn ra ở New Delhi nhân ngày Cộng hoà Ấn Độ lần thứ 68. Chuyến đi này được cho là tìm kiếm một liên minh nhằm cân bằng sức mạnh ngày càng bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Tại hội nghị này, trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận tình hình an ninh ở Biển Đông.

Những yếu tố này, cộng với bối cảnh Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông (SCS) đã dẫn đến một số ý kiến cho rằng quan hệ Ấn Độ - Asean hay cụ thể là Ấn Độ - Việt Nam là nhằm cũng cố sức mạnh đối trọng với Trung Quốc.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Singapore nhận định:

“Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng gây ra những sức ép chiến lược đối với Ấn Độ. Ấn Độ cũng phải có những hành động để cân bằng lại sức ép này và khu vực Đông Nam Á cũng là một khu vực mà Ấn Độ có thể có các bước đi để cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc.”

Tuy nhiên, với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì ông có lập luận khác.

“ASEAN có quan hệ với các nước lớn bên ngoài gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản. Năm nay có họp thượng đỉnh ASEAN Ấn Độ. Năm trước có thượng đỉnh ASEAN Hoa Kỳ. Bình thường thượng đỉnh thì các nước lớn đến ASEAN. 3 năm nay thì ASEAN lại đi ra, đi đến nước đó.”

Do đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng chưa đủ cơ sở để nhận định quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ trong năm nay sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, phân tích về vai trò của Ấn Độ đối với Việt Nam trong chiến lược và chính trị, thì ông khẳng định “rất quan trọng”. Đặc biệt Ấn Độ đã có được cam kết với Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ là can dự sâu hơn về vấn đề Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải và tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt với Trung Quốc.

<i>Trong Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ứng xử chung đại diện cho các nước có tranh chấp ở Biển Đông, đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. - TS Hà Hoàng Hợp</i>

“Vai trò của Ấn Độ được sự tăng cường và khích lệ từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh khác của Hoa Kỳ.

Năm ngoái, Hoa Kỳ nhấn mạnh đến vai trò của Ấn Độ trong tổng thể Châu Á Thái Bình Dương. Cụ thể là tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có nhắc đến 1 sơ đồ gọi là sơ đồ Ấn Độ Thái Bình Dương, nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ hơn là vai trò của Châu Á Thái Bình Dương.”

“Trong Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ứng xử chung đại diện cho các nước có tranh chấp ở Biển Đông, đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.”

Đầu tháng tư năm 2017, truyền thông quốc tế đưa tin quân đội Ấn Độ đang huấn luyện cho các sĩ quan quân đội Việt Nam trên đất Ấn Độ. Thêm vào đó, là thông tin Ấn độ sẵn sàng bán cho Việt Nam các loại tên lửa siêu thanh BraMos có tầm bắn xa 250 cây số, cũng như hỏa tiễn đất đối không Akash mà quân đội Ấn đang sử dụng.

Trước đó, năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ cho Việt Nam vay 500 triệu USD trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác quân sự.