Quan niệm chữ hiếu trong mùa Vu Lan

Mùa Vu Lan theo truyền thống của dân tộc Việt Nam đựơc gọi là mùa báo hiếu do tích Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ. Bổn phận người con trong thời đại ngày nay đựoc thể hiện ra sao, nhất là trong môi trường ở hải ngoại, như ở Mỹ ?

0:00 / 0:00

Hàng năm đến Ngày Rằm Tháng Bảy, sau các ngày Lễ Mẹ và Lễ Cha theo phong tục Tây Phương, người Á Đông chúng ta còn có lễ Vu Lan, một mùa lễ truyền thống của Phật Giáo. Vào mùa lễ Vu Lan năm nay, tại Quận Cam ở tiểu bang California (Hoa Kỳ), nơi có đông người VN sinh sống, hàng ngàn chư Tôn Đức Tăng Ni và đồng hương Phật Tử khắp nơi cùng nhau long trọng tổ chức Đại Lễ Vu Lan thật tưng bừng và trang nghiêm.

Hiếu thảo với cha mẹ được coi là truyền thống tốt đẹp lâu đời của người dân Việt và chữ hiếu đứng đầu trong nền đạo đức của Đông Phương. Nhưng tại các nước Tây Phương với những khác biệt về văn hóa và xã hội, quan niệm chữ hiếu dường như không còn đơn giản như ngày xưa.

Quan niệm chữ hiếu

Nhân mùa lễ Vu Lan, Hương Thơ xin mời quý vị thính giả theo dõi bài phóng sự đặc biệt với chủ đề “Quan niệm chữ hiếu trong mùa Vu Lan” sau đây :

Bà Bùi Thị Lan : "Bổn phận mình làm con ngày xưa thì mình phải có chữ hiếu, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, phụng dưỡng và khi đau khi ốm, đó là chữ hiếu, không cần tiền bạc hung (nhiều).

Nhưng ngày nay, qua đây người bất hạnh bạc phước vì con mình nó không có thương, nó không thích hợp với mình. Mỗi đứa con nó ở một tiểu bang khác nhau và cả đời nó chưa bao giờ gọi phôn mình. Mình gọi phôn nó nhiều khi nó không bắt, mà nó bắt lên thì nó nói nó mắc bận. Mình cũng đành chấp nhận thôi."

Chữ hiếu có từ từ đi vào quên lãng hay không sau lời tâm sự bùi ngùi của bà Bùi Thị Lan, một Phật tử đang tham dự Lễ Vu Lan tại Chùa Giác Lý. Bà Lan năm nay 66 tuổi và có 4 người con nay đã trưởng thành mà theo bà đều có mối liên hệ lạnh nhạt với mẹ.

Trong khi đó thì ông Nguyễn An, 70 tuổi, cho biết định nghĩa như thế nào là một người con hiếu thảo:

Ông Nguyễn An : Theo quan niệm của tôi thì con cái ở đây nó sống theo cái nếp sống Mỹ thành ra cái chữ hiếu của nó hơi khác với Việt Nam, nhưng mà theo quan niệm thì con nó phải vâng lời cha mẹ ông bà, như là thương yêu, giúp đỡ, hay là nghe lời ông bà cha mẹ những cái gì đúng, đi học cho đàng hoàng, kết bạn bè cho tốt, và khi mà kha khá rồi đó thì phải có một đường hướng xã hội tương lai cho nó đẹp, nghiã là phải thương yêu đồng bào, thương yêu nước, kể cả nước Việt Nam và kể cả nước Mỹ ở đây.

Khi được hỏi về vấn đề con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có phải là bất hiếu hay không, thì ông cho biết thêm như sau:

Ông Nguyễn An : Nếu không có khả năng để mà săn sóc ở nhà thì bắt buộc phải đưa vô đó thì phải chịu thôi. Cũng tuỳ theo gia đình, nếu mà mình không thương cha mẹ mà đưa vô đó là bất hiếu. Nhưng mà mình thương cha mẹ mà mình không bảo đảm an toàn, không có điều kiện để làm chuyện đó thì không không thể nói là bất hiếu được.

Em Trần Nguyên Khánh, một huynh trưởng của Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm, năm nay 26 tuổi, khi được hỏi người con có hiếu với cha mẹ thì phải như thế nào, em cho biết như sau:

Trần Nguyên Khánh : Dạ. Ba mẹ em không có đòi hỏi gì đâu. Chỉ có học giỏi, rồi ở nhà nghe lời ba mẹ, giúp đỡ chút xíu là ba mẹ vui rồi.

Viện dưỡng lão

Chị Tina, 35 tuổi, đến chùa trong ngày Vu Lan để cầu nguyện cho bố mẹ đã qua đời được siêu sanh về các cõi lành thì nghĩ rằng cha mẹ của chị rất thông cảm con cái phải đối phó vớì lối sống tất bật ở Hoa Kỳ khi có gia đình riêng, có con nhỏ mà phải đi làm mỗi ngày:

vienduonglao250.jpg
Một cụ đang nhịp tay theo tiếng nhạc tại phòng sinh hoạt của Viện dưỡng lão Garden Park. (Photo: RFA/ Hương Thơ.)

Chị Tina : Ba má em thì thực sự hiểu hoàn cảnh ở bên này, tại vì sáng sớm thì phải bồng cháu đi gửi để đi làm việc. Có người đi làm đêm về khuya. Đa số phụ thuộc vào lợi tức của mình. Cuối tuần thì họp lại với ba má ở nhà.

Thế hệ con cái của những người Việt ở hải ngoại dường như đang bị cuốn hút vào đời sống đầy tốc độ và quay cuồng với chiếc kim đồng hồ, khi cha mẹ già yếu và bệnh hoạn, viện dưỡng lão hay còn thể coi là “Nhà trẻ của người già” sẽ là nơi hợp lý để đưa cha mẹ đến ở trong những năm tháng cuối đời khi phải đối phó với tuổi già và bệnh tật. Tại nơi đây có bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên người Việt Nam chăm sóc 24/24, 7 ngày một tuần. Yếu tố xã hội và cuộc sống của chủ nghĩa cá nhân ở Tây Phương đã là những biện minh cho hành xử có thể bị coi là “bất hiếu” này.

Chúng ta hãy nghe những lời tâm sự của chị Nga, 46 tuổi, người mà chúng tôi đã gặp tại một viện dưỡng lão có đông người cao niên Việt Nam, tại thành phố Garden Grove thuộc Quận Cam.

Vợ chồng chị Nga đã đưa 3 người con tuổi từ 13 đến 15 tuổi đến thăm người mẹ 81 tuổi của chị vừa mới được đưa vào đây hơn 2 tuần. Cả gia đình đã đóng góp những màn biểu diễn vĩ cầm và ca hát để giúp vui cho các cụ đang ở đây.

Chị Nga : Trước khi em đưa bố mẹ vô đây em cảm thấy đó là một sự bất hiếu, nhưng mà sau này em nghĩ lại là tuỳ theo mỗi hoàn cảnh. Mẹ mình không có thể tự lo cho chính mình được nữa thì em đưa mẹ gửi ở đây 24 tiếng có người chăm sóc.

Đời sống ở bên Mỹ rất là bận rộn, mà vị bổn phận của người con đối với cha mẹ, em cố em làm những gì mà em có thể làm được. Em hy vọng trong tương lai em sẽ làm thêm hơn nữa. Có nhiều khi em lên đây thăm nhưng mà vì kẹt xe quá thành ra phải sau giờ làm về nhà nấu cơm cho chồng cho con ăn uống rồi rủa chén xong mới đi thăm mẹ.

Bảy giờ chiều nó kẹt xe lắm, đã có bữa mấy mẹ con phải trở về. Em thấy ở đây họ chăm sóc mẹ em được 24 tiếng, còn mình ở nhà rồi mình đi làm về nhiều khi mình mệt, không có chăm sóc mẹ mình bằng như vậy.

Anh Dũng, 49 tuổi, tâm sự về việc đưa người mẹ già 85 tuổi vào viện dưỡng lão sau khi cụ bị chẩn đoán chứng bệnh mất trí nhớ:

Anh Dũng : Cụ bà vào nhà thương mấy tuần trước, sau đó thì được đưa vào đây. Cụ đã ở với chúng tôi 13 năm rồi. Đưa mẹ vào chỗ này là điều rất áy náy trong lòng, nhưng mà vì hoàn cảnh và đời sống; thứ hai nữa là bên này hoàn toàn nó khác.

Hồi xưa tôi hỏi rất nhiều người, những người có kinh nghiệm đi trước, có nhiều anh em bảo rằng nên đưa vào đây có người săn sóc đàng hoàng hơn vì bà cụ đang ở trong tình trạng sức khoẻ rất là cần được săn sóc.

Tôi cảm thấy yên tâm sau khi bà cụ được săn sóc rất cẩn thận. Lần đầu tiên vào tôi gần như bị sốc bởi vì thấy các cụ già nằm rồi ngồi xe. Nhưng mà sau khi tiếp xúc với các cụ, được nói chuyện, khi cái sốc ban đầu qua đi và sau đó được hiểu các cụ hơn. Các cụ ở trong cái tuổi này cần có một sự nâng đỡ. Sau này tôi thấy tương lai của tôi cũng ở đây thôi.

Cảm nghĩ của các bậc cha mẹ

Còn đối với cụ Lê Thị Huyền, 1 cụ bà tuy đã 86 tuổi nhưng vẫn còn làm thơ và có khối óc rất tinh tường. Cụ đã chia sẻ cảm nghĩ của cụ như sau:

Cụ Lê Thị Huyền : Lẽ dĩ nhiên ngày xưa mà ở nhà thì nó khác, nhưng mà còn nếu vào đây được thế này là sướng lắm rồi. Con cháu thì ai cũng nhớ nhưng mà phải để cho chúng nó làm việc. Các bậc cha mẹ cần nhất là phải hy sinh, nhiều thứ lắm. Mình không giúp được nó thì thôi, không nên làm phiền nó quá.

Qua những chia sẻ của các bậc cha mẹ trong bài phóng sự này, chúng ta có lẽ đã thấy rõ lòng thương con và sự hy sinh cao cả của các bậc sinh thành đã nhắc cho chúng ta nhớ đến câu ca dao quen thuộc ngày xưa “Một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi được một mẹ” Cha mẹ có thể nuôi nấng được mười người con; mà mười người con lại không thể phụng dưỡng cha mẹ, và khi cha mẹ già và yếu bệnh, đôi khi phải đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão.

Vấn đề này trong lối sống hiện đại, nhất là tại Hoa Kỳ, sẽ tạo ra nhiều xung đột trong lối suy nghĩ của từng người. Như thế thì những người con có hiếu muốn đền đáp công ơn của cha mẹ phải làm như thế nào để không mất đi tinh thần và truyền thống hiếu đạo cao đẹp của người Việt Nam?

Mùa Vu Lan sẽ là dịp để mọi người chúng ta lắng đọng lại giữa cuộc sống bon chen thường nhật để suy gẫm về bổn phận làm con, nhớ về cội nguồn và báo đáp công ơn của cha mẹ. Hãy gắn lên trên áo một bông hoa hiếu hạnh để nhớ mãi ý niệm "nước mắt ngàn đời chảy xuống" qua tình yêu thương vô bờ bến của mẹ cha.

Qúy thính giả vừa nghe bài phóng sự đặc biệt của Hương Thơ với chủ đề “Quan niệm chữ hiếu trong mùa Vu Lan”. Hương Thơ tường trình từ quận Cam.