Mới đây, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF đề nghị trì hoãn việc xây dựng các đập thủy điện tại hạ lưu trong 10 năm để có những đánh giá chính xác về tác động của chúng lên dòng sông. Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Ảnh hưởng tiêu cực
Mekong, con sông dài nhất Đông Nam Á, theo các chuyên gia về môi trường quốc tế, vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do các đập thủy điện được Trung Quốc xây dựng ở phía thượng nguồn, nay lại đứng trước những nguy cơ khác khi có tới 11 đập thủy điện đang được đề nghị xây dựng ở vùng hạ lưu.
Theo tổ Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, chỉ cần một trong số 11 con đập này được xây dựng cũng đủ để phá vỡ sự liên tục của hệ thống sinh thái hạ lưu sông, và gây nên nhiều tác hại chồng chất.
Ảnh hưởng tiêu cực cho dòng sông khi các con đập này dựng lên là sự liên tục của sinh thái dòng sông bị phá vỡ, lượng cá trong hồ bị giảm sút.
Ô. Marc Goichot
Ông Marc Goichot, Chuyên gia tư vấn của chương trình sinh thái sông Mekong thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên cho biết:
Marc Goichot: "Ảnh hưởng tiêu cực cho dòng sông khi các con đập này dựng lên là sự liên tục của sinh thái dòng sông bị phá vỡ, lượng cá trong hồ bị giảm sút, một số loài cá đặc trưng của dòng sông sẽ bị mất đi, như cá heo sông Mekong hay cá da trơn của sông, và ảnh hưởng đối với khu đồng bằng sông sẽ nhanh hơn, mạnh hơn, có nghĩa là những xói mòn đối với vùng đồng bằng."
Sông Mekong chảy qua 6 nước châu Á, phía thượng nguồn sông là Trung Quốc, phần hạ nguồn sông bao gồm các nước Miến Điện, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Theo ước tính của Ủy ban sông Mekong, hiện có hơn 60 triệu người ở vùng hạ nguồn sông mà cuộc sống hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào dòng sông. Mekong là nguồn cung cấp lương thực quan trọng cho cư dân hai bên bờ sông và đồng thời cũng là trục giao thông thiết yếu giữa các nước trong khu vực.
Những dự báo từ Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên cho thấy sản lượng cá vùng hạ lưu sông vốn được ước tính vào khoảng 7 tỷ đô la một năm sẽ bị giảm tới 70% nếu các con đập được xây dựng trên dòng chính của sông.
Phát triển kinh tế trong nhiều năm qua của các nước vùng hạ lưu sông đã khiến nhu cầu điện tại các quốc gia này tăng cao. Vì thế, các nước nhìn vào dòng sông Mekong như nguồn cung cấp điện đáng kể để đáp ứng nhu cầu này. Cho đến giờ, phần lớn các đập thủy điện tại vùng hạ nguồn được xây dựng tại các nhánh của sông Mekong, và theo các chuyên gia thì các dự án trên sông nhánh không có tác hại lớn như đối với các đập thủy điện được xây trên sông chính. Ông Marc Goichot cho biết:
Marc Goichot: "Có khoảng 20 con đập ở phần nhánh tại hạ lưu, có một số các nghiên cứu tìm hiểu về các ảnh hưởng của các con đập này trên dòng sông. Đối với các con đập trên các nhánh sông chúng ta có thể dễ dàng điều chỉnh như tập trung đập trên một số nhánh chính trong khi để cho một số nhánh khác tự do chảy, làm như vậy thì vẫn có thể đảm bảo được việc sản xuất điện từ các nhánh sông, trong khi bảo vệ được các nhánh sông khác nơi không có đập. Điều mà chúng tôi lo lắng là 11 con đập sẽ được xây dựng trên dòng sông chính, bởi vì những con đập này sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn là các con đập ở các nhánh sông."
Thế nhưng, theo ông Marc Goichot, việc đánh giá ảnh hưởng của các con đập này trên dòng sông chính là chưa đầy đủ vì thiếu các thông tin. Và chính vì thiếu các đánh giá cụ thể về các tác động của các dự án đập thủy điện trên hạ lưu sông đã khiến cho các dự án này có nhiều rủi ro không chỉ cho hệ sinh thái sông Mekong mà còn cho chính bản thân dự án vì sẽ có khả năng dẫn đến phát triển thiếu bền vững.
Cần nghiên cứu thêm
Cũng chính bởi vậy, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên gần đây đã kêu gọi trì hoãn việc xây dựng các đập thủy điện tại đây. Cô Đặng Thùy Trang, điều phối viên của khu vực sinh thái sông Mekong thuộc tổ chức này cho biết như sau:
WWF ủng hộ sự trì hoãn của bất cứ đập thủy điện nào trên dòng chảy của sông Mekong cho đến khi chúng tôi có một sự hiểu biết toàn diện về những mất mát và lợi ích.
Cô Đặng Thùy Trang
Đặng Thùy Trang: "WWF ủng hộ sự trì hoãn của bất cứ đập thủy điện nào trên dòng chảy của sông Mekong cho đến khi chúng tôi có một sự hiểu biết toàn diện về những mất mát và lợi ích trong việc xây dựng những con đập này và những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như phương kế sinh nhai của người dân trong vùng."
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên kêu gọi 10 năm trì hoãn xây dựng các con đập này để các nhà nghiên cứu khoa học có thể tiến hành nghiên cứu và đạt được một đánh giá đầy đủ và chính xác hơn về các dự án thủy điện tại hạ nguồn sông. Ông Marc Goichot giải thích về đề nghị 10 năm này như sau:
Marc Goichot: "Điều quan trọng là chúng ta không có đủ thông tin dữ liệu để có thể làm một nghiên cứu tính hiệu quả, đó là lý do vì sao chúng tôi yêu cầu một khoảng thời gian hoãn thực hiện dự án 10 năm để có thể thực hiện các nghiên cứu đó và có thể cung cấp các thông tin cơ bản cần thiết cho những người làm chính sách. Bạn có thể đạt được nhiều điều trong 10 năm, điều cần làm là phải lấp đầy các chỗ trống về sự hiểu biết về các tác động lên dòng sông, 10 năm là đề nghị mà chúng tôi đưa ra và biết rằng nó có thể cho phép chúng tôi tận dụng được các công nghệ mới phát triển trong giai đoạn này để xác định các ảnh hưởng trên dòng chính, cho nên chúng tôi nghĩ 10 năm là đủ để có thể có được cái nhìn chính xác hơn về các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các dự án lên dòng sông."
Theo ông Marc Goichot, trong 10 năm đó, các nước hoàn toàn có thể tận dụng các dự án thủy điện trên các sông nhánh để đáp ứng nhu cầu điện của mình. Ngòai ra, 10 năm cũng là cơ hội để phát triển các công nghệ mới thay thế có thể hạn chế được các tác hại lên dòng sông.
Một trong các dự án như vậy được Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế đề nghị là dự án điện Thakho tại Lào. Dự án này đưa nước từ dòng chính vào một kênh để chạy turbin phát điện rồi lại được dẫn chở lại dòng chính. Các chuyên gia của WWF cho rằng dự án này hạn chế được những tác hại không đáng có lên dòng sông và nên được khuyến khích áp dụng.
Để thuyết phục chính phủ các nước hạ lưu sông hoãn việc xây dựng 11 con đập và hợp tác trong các nghiên cứu ảnh hưởng của chúng lên dòng sông, Quỹ WWF đã tiến hành làm việc với nhiều bộ ngành của các chính phủ các nước trong nhiều năm qua để chỉ ra cho họ thấy những tác hại có thể xảy ra khi xây dựng các con đập này. Theo ông Marc Goichot thì cho đến giờ những phản hồi từ phía chính phủ là khá tích cực.
Marc Goichot: "Các chính phủ có các cơ quan khác nhau có nhiệm vụ khác nhau, chúng tôi chủ yếu làm việc với cơ quan về môi trường, nguồn nước, thủy sản, chúng tôi gần đây có vươn ra làm việc với các cơ quan về kế hoạch và công nghiệp. Chúng tôi đã đạt được những bước tiến nhất định với việc sử dụng các công cụ chỉ cho họ thấy những gì mà chúng tôi sẽ làm. Các nước như Cambuchia, Việt nam là các nước ở hạ lưu hiểu là họ sẽ gánh chịu hậu quả khi xây dựng các con đập này, cho nên họ rất quan tâm và hiểu tốt hơn những gì sẽ xảy ra."
Mới đây, ngày 24 tháng 9, Quỹ WWF cũng đã tổ chức buổi hội thảo với các tổ chức tài chính quốc tế để thảo luận về các tác hại có thể của các dự án đập thủy điện ở vùng hạ lưu. Theo ông Marc Goichot đây là một bước đi cần thiết để có thể kết nối các bên tham gia cùng hợp tác trong việc nghiên cứu bảo vệ sinh thái sông Mekong.
Marc Goichot: "Thông điệp chính là nếu chúng ta làm việc với các tổ chức tài chính để phát triển các dựa án bền vững thì mọi người tham gia đều có lợi, nó sẽ không phải là thanh barier để ngăn chặn họ mà ngược lại khiến cho các dự án được thực hiện nhanh hơn và đáp ứng được mục tiêu mà chính phủ đề ra."
Cho đến giờ vẫn chưa có các câu trả lời chính thức từ phía các chính phủ chấp nhận trì hoãn việc xây dựng các đập thủy điện này. Lào mới đây đã thông báo cho Ủy Ban sông Mekong về dự án điện tại tỉnh Sayobouly, mà theo các chuyên gia môi trường đánh giá thì sẽ có tác động nghiêm trọng lên dòng sông. Tuy nhiên, theo ông Marc Goichot thì vẫn còn những hy vọng, bởi vì trước khi chính phủ Lào ra quyết định cụ thể về việc xây dựng dự án này, các nước trong khu vực sẽ họp với Ủy ban sông Mekong để đánh giá tác động của đập lên dòng sông và đưa ra các giải pháp cụ thể.
Theo dòng thời sự:
- Sông Mekong và biển Đông - hai vấn đề nan giải
- Hội thảo quốc tế về tranh chấp chủ quyền Biển Đông
- Yêu cầu Trung Quốc cung cấp dữ liệu về đập Tiểu Loan trên sông Mekong
- Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn
- Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục
- Nhật ký sông Mêkông (phần 3): Địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 4): Xuôi dòng địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 5): Trong địa phận Miến Điện
- Vấn đề Biển Đông sẽ là đề tài nóng tại Asean
- Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 1)
- Những ai không muốn quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông? (phần 2)
- Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 3)