Việt-Long, phóng viên đài RFA
Đại tướng William Westmotreland, một tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam trong thời kỳ quan trọng của cuộc chiến, vừa từ trần hồi tối hôm qua tại thành phố Charleston, bang South Carolina., thọ 91 tuổi.
Vị chỉ huy gần gũi với binh sĩ
Sinh ngày 26 tháng Ba năm 1914, ông theo học trường đại học quân sự West Point, từng tham dự các trận chiến ở Bắc Phi, Sicily và Âu Châu lúc thế chiến thứ Hai diễn ra. Sau đó ông sang phục vụ ở Triều Tiên, trước khi về lại Washington làm phụ tá tư lệnh lục quân.
Ðến bây giờ, người ta vẫn nhắc chuyện do chính những binh sĩ dưới quyền của ông kể lại, nói là họ không thể quên được hình ảnh một vị sĩ quan chỉ huy cùng các binh sĩ xông xáo ở tuyến đầu, thay vì đóng vai trò của một sĩ quan chỉ huy ngồi tại bộ tư lệnh.
Năm 1960, sau một thời gian ngắn làm tư lệnh Sư Ðoàn 101 Nhảy Dù, ông được Tổng Thống Dwight D. Eisenhower đưa về làm Hiệu Trưởng trường đại học quân sự lục quân West Point. Việc làm đầu tiên của ông là thay đổi hầu như toàn bộ học trình của trường cho phù hợp với tình thế của chiến trường, và chính nhờ đó mà năm 1964, Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson chọn ông điều khiển lực lượng binh sĩ Mỹ ở Việt Nam. Ông giữ chức vụ này cho đến năm 1968.
Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Việt Nam
Trong thời gian ông làm tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam, số binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến tăng rất nhanh, từ vài ngàn người lúc ông mới đặt chân đến Sài Gòn lên tới hơn nửa triệu người khi ông được Bộ Quốc Phòng Mỹ gọi về lại Washington để nhận lãnh chức vụ mới.
Cũng trong khoảng thời gian 8 năm phục vụ ở Việt Nam, ông cho áp dụng chiến thuật mới để chống lại chiến thuật du kích vận động chiến của đối phương, và có thể nói cục diện chiến trường đã thay đổi với những chiến thuật chiến luợc do vị tướng này đem ra áp dụng.
Người ta cũng nhớ là ngay sau khi mới đặt chân đến Sài Gòn, ông đã đưa ra nhận định cho rằng muốn chiến thắng ở chiến trường, việc đầu tiên phải làm là “thu phục được cảm tình” của chính người dân miền Nam Việt Nam.
Theo một số người thì mục tiêu ông đặt ra, phần nào, đã đạt được, dù sự hiện diện của binh sĩ Mỹ đã tạo nên một làn sóng chống đối ngay tại Việt Nam, và phong trào phản chiến ở Mỹ đã khiến ước mơ thành công của ông –có thể nói là- trở thành không tưởng.
Trận chiến Tết Mậu Thân
Bước ngoặt của cuộc chiến và vai trò quân sự của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam xảy ra vào tháng Giêng và Tháng Hai năm 1968, khi quân đội Bắc Việt mở cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, cùng một lúc tấn công ở ngay Sài Gòn và nhiều tỉnh thị, đánh đặc công vào toà đại sứ Mỹ, tấn công cả các căn cứ của quân đội Mỹ.
Trận chiến lịch sử này kéo dài trong nhiều tuần lễ, và dù tổn thất của phía miền Bắc rất cao, nhưng sức mạnh và khả năng chiến đấu của họ đã khiến những người hoạch định chính sách ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải nghĩ lại.
Kết quả là sau khi trận chiến Tết Mậu Thân kết thúc, Ðại Tướng Westmoreland yêu cầu được tăng viện, nhưng Washington bắt đầu nghĩ rằng chiến thắng quân sự ở Việt Nam là điều khó có thể thực hiện được. Ông điện về xin thêm 206,000 quân, Tổng Thống Lyndon Johnson một mặt tuyên bố không tái ứng cử, mặt khác chỉ thị phải giới hạn những vụ đánh bom ở Bắc Việt và loan báo cử người khác thay thế ông để điều khiển chiến trường.
Trở lại Hoa Kỳ
Ông về lại Washington làm Tư Lệnh Lục Quân cho đến khi phục viên vào năm 1972, thời điểm cuộc đàm phán hòa bình tại Paris đang ở giai đoạn sôi nổi nhất. Ðây là cuộc đàm phán mà Chính Phủ Mỹ nói rằng với mục đích tìm hòa bình trong danh dự, nhưng thật sự chỉ nhằm để rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam một cách êm thắm.
Tháng Tư năm 1975, cuộc chiến Việt Nam kết thúc, miền Bắc thắng trận, ông bắt đầu lên tiếng trình bày quan điểm của mình, cho rằng cả hai chính quyền Johnson lẫn chính quyền Nixon đã không làm tròn trách nhiệm của mình đối với cuộc chiến, với tập thể binh sĩ Mỹ được gửi sang Việt Nam chiến đấu và với nhân dân miền Nam Việt Nam.
Ông cũng lên tiếng chỉ trích giới truyền thông Hoa Kỳ đã cố ý tạo nên cái nhìn hoàn toàn sai lạc về cuộc chiến, tạo thành một làn sóng chống đối ngay tại nước Mỹ, và cũng chính ông là người đã đưa ra câu nói lịch sử: “bài học chúng ta học được (từ Việt Nam) là đừng bao giờ đưa các thanh niên trẻ ra chiến trường, nếu quốc gia không nhiệt tình ủng hộ việc làm của họ”.
Nặng lòng với Việt Nam
Ông Stephen Young, một trong những người đã từng có dịp cộng tác với ông kể lại điều khiến Ðại Tướng Westmoreland đau buồn nhất là trận chiến Việt Nam đã không được định đoạt ở chiến trường, mà được quyết định ở chính trường ngay tại thủ đô Washington của nước Mỹ.
Dù cuộc chiến đã kết thúc, tiếng súng đã ngừng nổ ở chiến trường, nhưng với người lính già Westmoreland, trận chiến cho lý tưởng dân chủ và tự do ở Việt Nam vẫn chưa hoàn tất.
Không chỉ sinh hoạt với các binh sĩ Mỹ đã từng sát cánh chiến đấu với ông, Ðại Tướng Westmoreland còn tham dự những cuộc thảo luận về cuộc chiến, và đặc biệt, từng đồng ý trở lại Việt Nam để lên tiếng phát biểu trước một hội nghị bàn về tự do và dân chủ được dự định tổ chức tại Sài Gòn hồi đầu thập kỷ 1990.
Chính vì cảm tình sâu đậm mà ông dành cho Việt Nam, nên tin ông mất đã tạo nên nỗi bàng hoàng đối với những người đã từng có dịp gặp gỡ và làm việc với ông sau ngày cuộc chiến kết thúc.
Ðại Tướng William Westmoreland ra đi, nhưng hình ảnh của ông vẫn ở mãi với những người đã có dịp thấy ông, làm việc với ông, hay phục vụ dưới quyền của ông. Một trong những hình ảnh có lẽ không ai có thể quên được là hồi tháng 11 năm 1982, với mái tóc bạc trắng và vóc người cao khỏe, ông dẫn đầu cuộc diễu hành trong buổi lễ khánh thành Ðài Kỷ Niệm Các Binh Sĩ Mỹ Hy Sinh Ở Chiến Trường Việt Nam. Ông gọi đó là ngày cảm động và hãnh diện nhất trong cuộc đời của một người lính.
Gia đình ông cho biết theo đúng với nguyện vọng của người quá cố, thi hài ông sẽ được đưa về chôn ở trường đại học quân sự West Point.