Chuyện gì đang xảy ra với báo chí Việt Nam?
Phần 2: Ngày Ký giả ăn mày
‘Ký giả ăn mày’
Nhà báo Bích Vy – Võ Thị Hai từng đưa ra nhận định với chúng tôi về hình thức phạt đình bản. Bà nói rằng việc đóng cửa các tờ báo online, rút thẻ nhà báo, bắt bỏ tù các nhà báo là những quyết định thuộc 1 chính sách báo chí mà thời của bà không có.
Hơn hai tuần trôi qua kể từ thời điểm Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng, cộng đồng mạng xã hội truyền nhau những tấm ảnh cho thấy các phóng viên báo Tuổi Trẻ xuống đường bán ấn bản nhật báo cho độc giả. Chưa hết, đó là tấm ảnh chụp đích thân một ký giả kỳ cựu là ông Lê Đức Dục lên tàu hoả bán báo Tuổi Trẻ.
Một cựu phóng viên/nhiếp ảnh gia của tờ Phụ Nữ chia sẻ trên trang cá nhân của bà về vấn đề này:
“Không còn TTO, mình đọc thêm các báo mạng bạn, và trong cuộc khủng hoảng "đình bản" 3 tháng của TTO mình đặt lại báo giấy, đọc lại báo giấy. Như một sự ủng hộ một trong những tờ báo mình yêu mến, nơi mình có nhiều bạn bè thân thiết đang làm việc ở đó. Nhìn các bạn (từ phóng viên đến người làm toà soạn) post lên Facebook mỗi ngày "rao" nội dung mới của báo ngày, có điều gì ...khó nói, chỉ biết đó là sự chia sẻ, như là khi bạn mình gặp nạn, mình chạm nhẹ vào tay bạn mình, thế thôi. Nhìn ảnh phóng viên gạo cội Lê Đức Dục lên tàu hoả bán báo giấy Tuổi Trẻ, lại chút gì chạnh lòng, thương thương. Thương nghề báo, những người làm báo, vất vả, không chỉ vì nghề. Còn là đời sống của cả "tờ" báo, gắn với hàng trăm con người, trong thời "suy" của báo giấy, trong khi báo mạng cũng ko "hưng". Trong khủng hoảng, là sự nỗ lực của mỗi cá nhân (bất luận tại sao, thế nào...) vì ngôi nhà chung.”
Nhà báo Tâm Chánh thì cho rằng đó là một cách lên tiếng của các nhà báo đang bị tước quyền làm nghề.
“Tôi nghĩ đó là phản ứng của các nhà báo mà người ta không có công cụ nào để bảo vệ quyền làm nghề của người ta. Nếu nhà nước thấy đó là 1 tiếng nói cần phải lắng nghe từ chiều sâu của sự kiện thì cần phải lắng nghe. Cái quyền làm nghề của người ta bị tước đoạt. Dù cho là phóng viên có thể sai thì liệu trong không gian pháp luật hiện nay có thể xử lý nó đúng mực hơn không để khắc phục cái sai đó.
Ở đây tôi cho là cái xử lý nó thái quá.
Báo chí Sài Gòn trước 1975 từng có ngày ‘ký giả đi ăn mày’ cho nên tôi nghĩ các bạn đồng nghiệp cũng mô phỏng nó như 1 tiếng nói. Nếu hiểu nó như 1 tiếng nói thì nên nghe nó như 1 thái độ phản ứng.”
<i>Báo chí Sài Gòn trước 1975 từng có ngày 'ký giả đi ăn mày' cho nên tôi nghĩ các bạn đồng nghiệp cũng mô phỏng nó như 1 tiếng nói. Nếu hiểu nó như 1 tiếng nói thì nên nghe nó như 1 thái độ phản ứng. - Nhà báo Tâm Chánh</i>
Trước khi giải thích về ngày “Ký giả đi ăn mày”, nhà báo Bích Vy nói rằng bà tin về những tấm ảnh cho thấy các phóng viên báo Tuổi Trẻ trở thành “người bán báo bất đắc dĩ”. Lý do được bà cho biết:
“Tôi tin vì tôi tin những cựu đồng nghiệp của mình ở báo Tuồi Trẻ. Người ta đau lòng về tờ TTO bị đình bản. Bây giờ họ phải tìm cách tái khẳng định uy tín, lấy lại niềm tin của bạn đọc bằng cách chuyển các tờ báo đến tay người đọc.
Thật ra ngày xưa báo Tuổi Trẻ đã có truyền thống đó. Mỗi khi muốn đẩy mạnh tờ báo Xuân đến tay bạn đoc, họ không chờ nhà phát hành, chủ vựa mà họ đi đến trước chợ Sài Gòn, đứng ở bùng binh Quách thị Trang để tự họ bán báo.
Bây giờ tôi tin các anh em báo Tuổi Trẻ đã tới đường cùng, không biết làm sao, thì chính những người làm báo muốn trao tận tay bạn đọc sản phẩm của mình.”
<i> <i>Tôi tin vì tôi tin những cựu đồng nghiệp của mình ở báo Tuồi Trẻ. Người ta đau lòng về tờ TTO bị đình bản. Bây giờ họ phải tìm cách tái khẳng định uy tín, lấy lại niềm tin của bạn đọc bằng cách chuyển các tờ báo đến tay người đọc. - Nhà báo Bích Vy Võ Thị Hai</i> </i>
Nhà báo Tâm Chánh cho rằng các phóng viên Tuổi Trẻ xuống đường tận tay giao báo cho bạn đọc là 1 hình thức mô phỏng với ngày “Ký giả đi ăn mày”, điều đó theo bà Bích Vy, tuy có khác nhau về hình thức, nhưng bản chất thì không.
Bà kể lại, ngày đó, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ra một sắc luật 007, buộc các tờ báo phải ký quỹ với con số khá lớn. Các tờ báo bị tịch thu lần thứ hai với tội “vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng” thì sẽ bị Bộ Thông tin ra quyết định đóng cửa vĩnh viễn.
Để chống lại sắc luật này, một số các tổ chức nhà báo như Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt; Hội Ký Giả Ái Hữu Việt Nam; Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam họp lại bầu 1 uỷ ban tranh đấu đòi quyền tự do báo chí và tổ chức ngày xuống đường để chống lại sắc luật 007, gọi là “Ngày Ký giả ăn mày.”
“Lúc đó các nhà báo họ cũng có 1 cái quyền nói lên tiếng nói của họ. Ngày đó mấy trăm ký giả hô khẩu hiệu, cầm biểu ngữ, mặc đồ rách rưới, cầm những cái bị. Chính phủ VNCH lúc đó nói rằng không đàn áp, không giải tán nhưng ngăn đoàn biểu tình tuần hành.”
Từ đó, nhà báo Bích Vy nói rằng nếu nhìn lại những tấm ảnh của phóng viên báo Tuổi Trẻ ngày nay xuống đường giao báo cho bạn đọc, đó chính là hình ảnh tiêu biểu của 1 thế hệ làm báo hiện nay ở Việt Nam. Nó chỉ khác với Ngày Ký giả ăn mày trước năm 1975 là những nhà báo ngày nay không có ai bảo vệ họ, không có một hội nghề nghiệp nào bảo vệ họ, họ đơn độc và cô độc.
(*) Năm 1972 chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho áp dụng Sắc luật 007 với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký đành đóng cửa. Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như dùng "bàn tay sắt" đối với giới báo chí. Nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí.
Ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức, với ba đoàn thể ký giả tham dự là: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại dân tộc làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007.
Hình thức đấu tranh "ký giả xuống đường đi ăn mày" được thống nhất. Các đại diện của ban tổ chức gồm có: Nguyễn Kiên Giang (chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt), Tô Văn, Phi Vân của đoàn ký giả Nam Việt; nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn của Hội ái hữu ký giả Việt Nam; Thái Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc của Nghiệp đoàn ký giả. Trong đó, các thành viên Văn Mại, Đoàn Hùng, Ái Lan, Ninh Anh lo chuyện tài chính. Ngoài ra, thành phần dẫn đầu còn có nhà báo Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải thưởng cải lương Thanh Tâm), nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà thơ – nhà báo - soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà...