Tại sao cuộc chiến Iraq gặp khó khăn?

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Đúng 72 giờ đồng hồ nữa, người dân Hoa Kỳ sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn đại biểu Quốc Hội Liên Bang, trong cuộc bầu cử được gọi là cuộc bầu cử giữa kỳ. Nhưng cuộc thăm dò cử tri cho thấy nhiều ứng viên đại diện cho Ðảng Cộng Hòa đang gặp khó khăn, và khả năng khối đa số sẽ lọt vào tay của đảng Dân Chủ là điều rất có thể xảy ra.

BushUnionState200.jpg
Tổng thống Bush đọc diễn văn thường niên trước Quốc Hội Hoa Kỳ tối thứ Ba 31-1-2006. AFP PHOTO

Một trong những lý do khiến cử tri Hoa Kỳ không ủng hộ đảng Cộng Hòa là cuộc chiến Iraq. Trong một cuộc thăm dò do viện Gallup thực hiện, hơn 60% người dân Mỹ không hài lòng với chính sách hay kế hoạch đang được Nhà Trắng thực hiện sau ngày lật đổ Chính Phủ của Saddam Hussein.

Tin tức dồn dập từ chiến trường gửi về khiến người dân Mỹ cảm thấy lo âu hơn vì tình hình an ninh ngay thủ đô Baghdad tiếp tục đầy bất ổn, trong tháng 10 vừa rồi có thêm 104 binh sĩ Mỹ tử trận. Dù không nói ra, nhưng hiển nhiên đa số người Mỹ muốn Chính Phủ đưa binh sĩ về nước càng sớm càng tốt, hoặc ít nhất, phải có kế hoạch giải quyết các trở ngại liên tục xảy ra tạo gánh nặng cho binh sĩ Mỹ ở chiến trường.

Tại sao cuộc chiến Iraq gặp khó khăn? Ðã đến lúc nên nói thẳng rằng Hoa Kỳ sa lầy ở cuộc chiến này hay chưa? Ðó là những điều đang được nói đến ở nước Mỹ, và cũng là đề tài chúng tôi đưa ra thảo luận với vị khách tuần này.

Khách mời là ông Winslow Wheeler, một chuyên gia của Trung Tâm Thông Tin Quốc Phòng, và là một bình luận gia quân sự cho các cơ quan truyền thông lớn ở Mỹ, như các đài truyền hình CBS, CNN, các báo The Washington Post, New York Times, Boston Globe, Los Angeles Times…

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Những sai lầm

Ðiều tôi muốn nói là Hoa Kỳ là một nước theo Thiên Chúa Giáo Tây Phương, chúng ta lại đưa quân chiếm đóng một nước theo đạo Hồi ở Trung Ðông, vì thế chuyện bạo động, rối loạn xảy ra ngay sau khi Hoa Kỳ lật đổ được chính phủ Saddam Hussein là điều mà hầu như ai cũng thấy trước mà không thể tránh được.

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông đã bỏ thì giờ nói chuyện với Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi. Câu hỏi đầu tiên và có lẽ cũng là điều mọi người muốn biết là những sai lầm gì đã xảy ra ở chiến trường Iraq?

Ông Winslow Wheeler: Theo nhận xét riêng của tôi, những gì đang xảy ra ở Iraq là điều không thể nào tránh khỏi, sau khi chúng ta đưa quân sang chiếm đóng Iraq từ năm 2003 đến giờ.

Ðiều tôi muốn nói là Hoa Kỳ là một nước theo Thiên Chúa Giáo Tây Phương, chúng ta lại đưa quân chiếm đóng một nước theo đạo Hồi ở Trung Ðông, vì thế chuyện bạo động, rối loạn xảy ra ngay sau khi Hoa Kỳ lật đổ được chính phủ Saddam Hussein là điều mà hầu như ai cũng thấy trước mà không thể tránh được. Chúng ta đang chứng kiến những điều đó xảy ra, và quân đội Mỹ càng ở Iraq lâu bao nhiêu, tình hình càng tồi tệ hơn bấy nhiêu.

Nguyễn Khanh: Dựa theo những điều ông vừa nói, tôi có cảm tưởng ông định nghĩa cuộc chiến Iraq là một cuộc chiến xâm lược?

Ông Winslow Wheeler: Chúng ta đưa quân sang xâm lăng Iraq từ năm 2003 và chiếm đóng nước này từ đó cho đến bây giờ. Tôi chỉ muốn nói với ông là những vụ bạo động thường xuyên xảy ra để chống đối sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh, và ngay cả những xung đột mang tính tôn giáo đang xảy ra ở Iraq chính là hậu quả của chuyện đưa quân sang và chiếm đóng ở nước họ.

Nguyễn Khanh: Một vài ngày trước khi cuộc bầu cử Quốc Hội diễn ra, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush vẫn tiếp tục lên tiếng trấn an cử tri, ông nói rằng nước Mỹ đang chiến thắng ở Iraq và quân đội Mỹ sẽ có mặt ở Iraq cho đến khi đạt được chiến thắng toàn diện. Ngay cả ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Donald Rumfeld cũng nói như thế…

Ông Winslow Wheeler: Tôi không đồng ý với cả Tổng Thống lẫn ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld. Theo tôi, dù không thua ở chiến trường, nhưng chúng ta đã thất bại và ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến từ "thất bại". Chúng ta đã thất bại từ lâu rồi. Chắc ông cũng thấy là bất ổn xảy ra nhiều hơn và khi nào binh sĩ Mỹ còn hiện diện trên lãnh thổ Iraq thì ở xáo trộn lại càng mạnh hơn.

Chính chúng ta đã gây phương hại cho uy thế của mình cũng như uy thế của các nước đồng minh. Tại sao điều này xảy ra? Câu trả lời là vì chính sách sai lầm mà chúng ta đã thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên. Liệu có thể cứu chữa được không? Câu trả lời là được, nếu chúng ta rút ra khỏi Iraq.

Cuộc chiến Việt Nam và Iraq

Có 2 điểm tôi muốn trình bày với ông. Ðiểm thứ nhất là nếu chúng ta càng ở lâu tại Iraq, thì hành di tản như cảnh ở Sài Gòn năm xưa sẽ tái diễn, tức là người Mỹ cuối cùng sẽ trèo lên sân thượng của tòa đại sứ đợi máy bay trực thăng đến rước. Ðiểm thứ nhì là có những người chia sẻ quan điểm với ông, cho rằng nếu Hoa Kỳ rút ra khỏi Iraq, tình hình sẽ tệ hơn nữa.

Nguyễn Khanh: Ông bảo Hoa Kỳ nên rút khỏi Iraq. Làm sao thực hiện được điều đó? Tôi muốn ông nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, chẳng bao lâu sau ngày quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, cuộc chiến kết thúc với kết quả nước Mỹ và Chính Phủ đồng minh Sài Gòn thua trận. Theo tôi hiểu thì tình hình Iraq bây giờ cũng vậy. Mỹ rút ra thì nguy ngay.

Ông Winslow Wheeler: Có 2 điểm tôi muốn trình bày với ông. Ðiểm thứ nhất là nếu chúng ta càng ở lâu tại Iraq, thì hành di tản như cảnh ở Sài Gòn năm xưa sẽ tái diễn, tức là người Mỹ cuối cùng sẽ trèo lên sân thượng của tòa đại sứ đợi máy bay trực thăng đến rước. Ðiểm thứ nhì là có những người chia sẻ quan điểm với ông, cho rằng nếu Hoa Kỳ rút ra khỏi Iraq, tình hình sẽ tệ hơn nữa.

Tôi không đồng ý như thế. Có thể lúc đầu tình hình sẽ xấu hơn bây giờ, nhưng điều quan trọng nhất là không có sự hiện diện của Mỹ, người dân Iraq dễ tìm được giải pháp cho chính họ hơn. Sự hiện diện cuả chúng ta và sự can thiệp của chúng ta vào nội bộ của người dân Iraq đang khiến cho tình hình trở nên rối ren hơn.

Nguyễn Khanh: Từ cuối tuần trước, các nhà quan sát chính trị ở thủ đô Washington đều nói đến các đề nghị sẽ được đưa ra trong kế hoạch do Ủy Ban Ðặc Nhiệm do ông Cựu Ngoại Trưởng Mỹ James Baker làm Chủ Tịch. Ông có biết gì về các đề nghị này không, và nếu biết, liệu ông có thể chia sẻ với thính giả của chúng tôi không?

Ông Winslow Wheeler: Chúng ta chưa biết rõ Ủy Ban sẽ đề nghị những gì. Dựa theo những điểm đã được tiết lộ với báo chí thì Ủy Ban nêu ý kiến nên bắt đầu rút quân theo một kế hoạch dài hạn, tức là không đưa hết quân về Mỹ một lúc, mà thực hiện qua nhiều giai đoạn.

Theo chỗ tôi hiểu thì Ủy Ban của Cựu Ngoại Trưởng Baker cũng đề nghị Hoa Kỳ nên nói chuyện trực tiếp với hai chính phủ Iran và Syria, lý do là vì Iraq không thể ổn định, nếu không có sự tiếp tay của Syria và Iran. Theo tôi, đây là một đề nghị rất hợp lý, nên thực hiện. Tôi hy vọng các đề nghị được ông cựu Ngoại Trưởng Baker đưa ra dựa vào tình hình ở Iraq, chứ không phải dựa vào những áp lực chính trị ở Washington.

Nguyễn Khanh: Xin được ngắt lời ông chỗ này. Ông cũng biết Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush là người rất cứng rắn, đến độ giới quan sát ở Washington nói ông Bush không muốn nghe ai cả. Bà Thượng Nghị Sĩ Hilary Clinton cũng nói như thế. Xin mời ông nghe phát biểu của bà Clinton

“Chính Phủ của Tổng Thống George W. Bush không muốn nói chuyện với bất cứ ai họ không ưa. Tôi coi đó là quyết định hoàn toàn sai.” Như thế làm sao mà ông Bush nói chuyện với Iran và Syria được?

Chắc ông cũng nhớ là ngay trong giai đoạn căng thẳng nhất ở thời chiến tranh lạnh, chúng ta vẫn sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với Liên Sô và công nhận chính quyền cộng sản Trung Quốc. Thật là dại dột nếu chúng ta không mở cuộc đối thoại với Iran và Syria, trong khi vẫn nói rằng an ninh Iraq chính là an ninh của cả vùng Trung Ðông.

Ông Winslow Wheeler: Điều đó rất đúng. Ðó là lối làm việc của Chính Phủ George W. Bush. Tôi coi cách giải quyết đó là cách giải quyết thiếu chín chắn. Có lẽ tôi phải nhắc lại ở đây là trong bao nhiêu thế kỷ qua, dân chủ Tây Phương vững mạnh vì không chỉ nói chuyện với những người ủng hộ mình hay những người thuộc thành phần đứng giữa, mà chúng ta phải nói chuyện cả với những người không đồng ý với mình.

Chắc ông cũng nhớ là ngay trong giai đoạn căng thẳng nhất ở thời chiến tranh lạnh, chúng ta vẫn sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với Liên Sô và công nhận chính quyền cộng sản Trung Quốc. Thật là dại dột nếu chúng ta không mở cuộc đối thoại với Iran và Syria, trong khi vẫn nói rằng an ninh Iraq chính là an ninh của cả vùng Trung Ðông.

Sa lầy?

Nguyễn Khanh: Có một từ mà tôi thấy dường như mọi người ở Washington không nói đến hoặc ngần ngại không muốn nói đến…

Ông Winslow Wheeler: Từ gì vậy?

Nguyễn Khanh: Thưa ông, từ sa lầy. Hoa Kỳ có sa lầy ở Iraq không?

Ông Winslow Wheeler: Từ đó chỉ diễn tả được một phần hiện trạng Iraq. Ở Iraq, chúng ta phải đối đầu với những thảm họa không thể lường trước được. Sa lầy là từ đã được dùng cho cuộc chiến Việt Nam, còn ở Iraq thì tôi thấy khác.

Nguyễn Khanh: Thưa ông, khác ở chỗ nào?

Ông Winslow Wheeler: Khác ở chỗ chúng ta càng ở lâu, tình hình Iraq càng tồi tệ hơn. Sa lầy còn có nghĩa là không có lối thoát, đằng này chúng ta vẫn có lối thoát. Lối thoát đó là rút ngay ra khỏi Iraq. Tôi biết điều này cũng chẳng tốt đẹp gì, nhưng là điều phải làm càng sớm càng tốt, không có lý do gì để tiếp tục ở lại cả.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Wheeler.