Theo nhận định từ Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Con số người nhiễm bệnh tăng lên từng ngày. Để đối phó với tình trạng này, các nước đang gấp rút sản xuất và chuẩn bị nhập khẩu vắc xin để tiêm phòng cho người dân. Ở Việt Nam, một số công ty cũng đã bắt đầu chuẩn bị sản xuất vắc xin cúm A/H1N1.
Kể từ khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu, các công ty dược phẩm trên thế giới đã chạy đua với thời gian để điều chế vắc xin phòng virut cúm này. Hiện tại, các hãng dược phẩm vẫn trong giai đoạn thực nghiệm lâm sàng vắc xin trên người. Theo dự tính, những liều vắc xin đầu tiên sẽ có mặt vào tháng 10 năm nay. Riêng tại Trung Quốc, những liều vaccine đầu tiên đã được tiêm phòng tại Bắc Kinh. Việt Nam cũng đang chuẩn bị để sản xuất và nhập vắc xin chống virút H1N1.
Theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, do quá trình sản xuất vắc xin cúm A/H1N1 đòi hỏi thời gian dài hơn, vì thế Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phải mất từ 4 đến 6 tháng mới sản xuất được vắc xin. Ông cũng cho biết, với tình hình dịch đang lan nhanh ra cộng đồng, Việt Nam cần dự trữ khoảng 5 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em. Theo ông Hiển thì phương án xã hội hóa việc tiêm vắc xin để những người có tiền, có nhu cầu có thể sử dụng dịch vụ này, giảm gánh nặng về nhu cầu vắc xin của cộng đồng là cần thiết.
Tại Việt Nam, vắc xin được cung cấp từ hai nguồn là do sản xuất trong nước và nhập từ nước ngoài bao gồm cả viện trợ. Tính đến nay, phần viện trợ vẫn chủ yếu trông chờ vào Tổ chức Y tế Thế giới. Ông Jean Marc Olive, trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới ở Việt Nam cho biết cam kết giúp đỡ của WHO cho Việt Nam:
“Chính phủ Việt Nam vẫn đang nghiên cứu số lượng người cần được tiêm phòng. Dựa trên cơ sở đó mới biết được số lượng vắc xin mà Việt Nam cần. Điều này đang được bàn thảo với Bộ Y tế. Tổ chức Y tế Thế giới đã liên hệ với các nước có vắc xin và có thể có được 50 triệu liều. Con số này có thể tăng lên đến 100 triệu liều. Và vì thế chúng tôi có thể cung cấp một phần cho Việt Nam để tiêm chủng cho nhóm người có nguy cơ cao.”
Phải đến năm 2011
Ở Việt Nam, một số công ty dược và sinh phẩm đã bắt đầu nghiên cứu để sản xuất vắc xin cúm A/H1N1. Bà Nguyễn Thu Vân, giám đốc công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 cho biết:
Phía nhà mình thì khác với các nước khác là mình chưa sản xuất các vắc xin cúm thường, chưa được cấp phép cho các vắc xin cúm thường, cho nên chắc cũng phải dài hơn, phải đến 2011.
Bà Nguyễn Thu Vân
“Bọn tôi cũng như một số công ty khác thì vừa rồi cũng nhận được chủng của Tổ chức Y tế Thế giới gửi rồi. Bây giờ đang triển khai để sản xuất chủng trước, sau đây mới sản xuất vắc xin được. Phía nhà mình thì khác với các nước khác là mình chưa sản xuất các vắc xin cúm thường, chưa được cấp phép cho các vắc xin cúm thường, cho nên chắc cũng phải dài hơn, phải đến 2011.”
Bà Vân cho biết vắc xin do công ty sản xuất được làm trên tế bào thận khỉ, và giai đoạn thực nghiệm lâm sàng ít nhất cũng phải mất khoảng 6 tháng. Sau khi vắc xin qua khâu thực nghiệm lâm sàng mới được lập hồ sơ để xin giấy phép lưu hành tại bộ Y tế.
Ngoài công ty vắc xin và sinh phẩm số 1, viện vắc xin và sinh phẩm Nha Trang cũng cho biết đã xây dựng thành công quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H1N1 nuôi cấy trên trứng gà sạch có phôi đạt tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Khi được hỏi về số liều vắc xin mà Việt Nam có thể sản xuất được trong thời gian tới và giá của một liều vắc xin, bà Vân cho biết:
“Trong Nha Trang mà sản xuất được, chắc là cũng còn lâu, họ cũng được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ. Chắc họ cũng chỉ sản xuất được cùng lắm là 1 triệu liều, còn chỗ bọn tôi thì chắc được 2 triệu liều vì cơ sở còn bé, khả năng không được nhiều. Giá thành thì bọn tôi chưa làm vì quy mô nhỏ, nhưng tôi nghĩ là giá thành sẽ rẻ hơn ngoại nhập.”
Trong khi đó theo bà Marie-Paule Kieny, lãnh đạo nhóm nghiên cứu vắc xin của Tổ chức Y tế Thế giới thì các nước sẽ phải trả từ 2,5 cho đến 20 đô la một liều vắc xin chống cúm dựa trên khả năng gánh vác chi phí của từng nước. Các nước có thu nhập cao sẽ phải trả từ 10 đến 20 đô la một liều, các nước có thu nhập tầm trung sẽ phải trả một nửa giá đó và những nước có thu nhập thấp lại được giảm tiếp tục ½ giá nữa.
Tất nhiên là bọn tôi cũng làm việc với họ thôi nhưng họ cũng không hứa hẹn gì, … , thì họ cũng hứa hẹn là ưu tiên nhưng chưa có cụ thể thế nào.
Bà Nguyễn Thu Vân
Để đáp ứng nhu cầu vắc xin trong nước, Việt Nam cũng phải nhập mua vắc xin từ các hãng dược phẩm nước ngoài. Bà Vân nói:
“Tất nhiên là bọn tôi cũng làm việc với họ thôi nhưng họ cũng không hứa hẹn gì, với thứ hai nữa là nhu cầu ở quốc gia của họ cũng lớn, họ còn các đơn đặt hàng của các nước khác nữa, rồi của Tổ chức Y tế Thế giới họ phải cung cấp, thì họ cũng hứa hẹn là ưu tiên nhưng chưa có cụ thể thế nào.”
Bà Nguyễn Ngân Quyên, Giám đốc Đối ngoại và Pháp quy công ty GlaxoSmithKline Việt Nam, một trong những nhà nhập khẩu lớn các loại vắc xin cho biết công ty chưa thể nhập khẩu vắc xin cúm A/H1N1 về Việt Nam bởi công ty chưa sản xuất kịp vắc xin để đưa ra thị trường tự do. 'Tuy nhiên công ty GlaxoSmithKline Việtnam đã sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ trình lên Bộ Y tế xin nhập khẩu vắc xin H1N1 về Việt nam, nếu tới đây có nguồn vắc xin, nhưng có lẽ nhanh nhất cũng phải đến năm 2010.'
Được biết hiện Việt Nam vẫn chưa có tên trong danh sách các đơn đặt hàng của công ty GlaxoSmithKline.
Mới đây Tổ chức Y tế Thế giới thông báo là nguồn cung cấp vắc xin chống cúm H1N1 sẽ không đủ cho dân số toàn thế giới. Trong khi đó thì bệnh dịch vẫn tiếp tục lây lan nhanh chóng. Việt Nam, cũng đã ghi nhận hơn 6,800 trường hợp nhiễm bệnh, và 7 người thiệt mạng. Tuy nhiên, cho đến lúc này chính phủ vẫn đang bàn thảo chiến lược và tính toán con số những người thuộc nhóm có nguy cơ cao được ưu tiên tiêm chủng.