Ai chịu trách nhiệm thành lập trường đại học?

Trong thời gian gần đây có hiện tượng các trường đại học mới tại Việt Nam mọc lên như nấm trong khi chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Thêm vào đó Dự Thảo Luật Sửa Đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo Dục sẽ được đưa ra thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa XII sắp tới; quy định thẩm quyền thành lập trường đại học từ Thủ Tướng Chính Phủ sang cho Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo.

0:00 / 0:00

Điều này khiến nhiều người băn khoăn về bản chất có phải là “nới lỏng” quy định thành lập trường đại học hay không và từ đó, sẽ góp phần làm cho “làn sóng” mở trường đại học càng tăng ồ ạt.

Quỳnh Như tổng hợp và tường trình cùng thính giả.

Bộ Giáo Dục và Đào Tạo?

Theo Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, việc sửa đổi, bổ sung luật theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục từ Thủ Tướng Chính Phủ cho Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo để “tăng cường tính chịu trách nhiệm”.

Ông Chu Hồng Thanh, Vụ Trưởng Vụ Pháp Chế - Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Trưởng Ban Soạn Thảo Dự Thảo này giải thích: "Việc giao thẩm quyền này xác định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trong quản lý nhà nước về giáo dục. Thủ Tướng Chính Phủ tập trung vào việc quản lý, điều hành vĩ mô, quy định về việc thành lập trường đại học nói chung, còn quyết định thành lập và giao nhiệm vụ đối với từng trường thì thẩm quyền này được giao cho Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, việc thành lập trường đại học có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, Thủ Tướng Chính Phủ quyết định chủ trương thành lập trước khi Bộ Giáo Dục và Đào Tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập".

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến của các giáo sư, nhà khoa học không đồng tình với sửa đổi này; cho rằng tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng trong thời gian qua đã làm dư luận xã hội rất lo ngại. Do vậy nếu tập trung cả trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học cho Bộ Giáo Dục và Đào Tạo thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Phát biểu tại buổi Hội Thảo góp ý sửa đổi bổ sung Luật Giáo Dục do Hội Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia giáo dục đã nêu ý kiến về vấn đề sửa đổi này.

Đằng sau việc thành lập trường đại học có nhiều tiêu cực, hiện nhiều trường không có học sinh, nên việc chuyển giao quyền thành lập cần phải xem xét lại.

GS Trần Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ Nhiệm - Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục Thanh Thiếu Niên Nhi Đồng của Quốc Hội, nhận định rằng: "Hiện nay các trường đại học thành lập và nâng cấp quá nhiều. Nhân sự việc Trường Đại Học Phan Thiết, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo nên rà soát lại tất cả các trường đại học đã được nâng cấp trong thời gian vừa qua, rút kinh nghiệm sâu sắc về quá trình thành lập trường. Nếu phát hiện ra sai đến đâu thì xử lý đến đó. Nếu phát hiện ra hồ sơ thành lập trường gian dối thì giải thể ngay trường đại học đó, không để lộn xộn như hiện nay."

Cũng đồng quan điểm với với Giáo sư Thuyết, Giáo sư Trần Xuân Hãn thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội cho rằng: "Tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đã và đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu phân cấp mà không có những biện pháp mạnh mẽ, thắt chặt các điều kiện thành lập trường thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này." Ông cũng nhấn mạnh rằng: "Đằng sau việc thành lập trường đại học có nhiều tiêu cực, hiện nhiều trường không có học sinh, nên việc chuyển giao quyền thành lập cần phải xem xét lại."

Giáo sư Lê Tuấn Hoa, Phó Viện Trưởng Viện Toán Học, Chủ Tịch Hội Toán Học Việt Nam, đánh giá quy mô trường đại học ở nước ta còn quá lộn xộn nên chất lượng đào tạo chưa cao.

Trong tay một vài chuyên viên?

Chúng tôi cũng có cuộc trao đổi nhanh với Giáo sư Phạm Phụ của Đại Học Bách Khoa TP.HCM khi ông đang ở sân bay chờ chuyến bay trở vào Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo Sư cho biết ý kiến của ông về vấn đề này như sau:

“Thật ra thì thế này, quyền lập trường đại học ấy mà, thậm chí nó ở trong tay cũng không phải là ông Bộ Trưởng mà ở trong một vài chuyên viên, vì vậy cho nên một số người nghĩ là phải giao cho Thủ Tướng mới đủ trách nhiệm. Tôi nghĩ là không cần tới mức Thủ Tướng, mà tới mức Bộ Trưởng cũng không đủ tin tưởng được. Vấn đề ở Việt Nam đó, những vấn đề như vậy thực chất nằm ở tay một số chuyên viên, chị ạ, cho nên vấn đề là phải có một quy trình, lập trường cho nó rõ ràng, minh bạch, công khai ... thì mới được, chớ còn không nhất thiết đặt lên - xin lỗi chị - cứ đặt lên là ra quyết định ở một ông thật cao, thực ra là nằm trong tay một vài chuyên viên thôi. Đó là thực tế ở Việt Nam như vậy.”

Giáo sư Phạm Phụ cũng đưa ra dẫn chứng về những vấn đề tiêu cực đã xảy ra như ở Đại Học Hồng Bàng:

À đấy, đấy là hệ quả mà tất cả những việc ấy nghe như là có thể là ông Bộ Trưởng hay là ông Thủ Tướng, nhưng thực chất nó nằm trong tay một vài chuyên viên thôi.

GS Phạm Phụ, ĐHBK TP.HCM

“À đấy, đấy là hệ quả mà tất cả những việc ấy nghe như là có thể là ông Bộ Trưởng hay là ông Thủ Tướng, nhưng thực chất nó nằm trong tay một vài chuyên viên thôi. Đây chính là hệ quả của cái chuyện như vậy và do quy trình này nó chưa được mình bạch, chưa được công khai mà nó sinh ra cái hệ quả như vậy đấy. Tôi nghĩ vấn đề là vấn đề quy trình chặt chẽ, minh bạch và công khai. Nhiều cái dư luận nói chung không tốt về cái chuyện này, nó đã âm ỉ nhiều năm nay lắm rồi.”

Đồng ý kiến với Giáo sư Phạm Phụ, Giáo sư Trần Đình Long của Đại Học Quốc Gia Hà Nội cũng nêu rõ quan điểm: "Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cần ban hành một hệ thống tiêu chí rõ ràng khi thành lập một trường đại học".

Để giải quyết vấn đề tiêu cực, Giáo sư Long cũng đề nghị: "Quy trình thành lập một trường đại học cần tách làm hai bước: thành lập trường và được phép hoạt động. Nếu trường nào hợp lệ, đủ tư cách pháp nhân thì cho phép thành lập trường nhưng được phép thành lập rồi thì phải đủ các điều kiện, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thì mới cho tuyển sinh. Làm đúng như vậy thì sẽ không còn tiêu cực."

Một cựu sinh viên của Đại học Hồng Bàng nói rằng:

“Theo em thì em vô (trường đại học) em cảm thấy là nó không đáp ứng được cho mình theo như các tờ bướm quảng cáo rất là hay cho mình ham hố vô, nhưng mà thực chất ngược lại thì không phải là như vậy. Nghĩa là sau khi học đại học ra thì bọn em chỉ được trau dồi những kiến thức căn bản thôi à, ra rồi đi làm không đáp ứng được công việc mà mình phải tự trau dồi lại trong kinh nghiệm thực tế của mình.”

Khi được hỏi cảm nghĩ về những vụ bê bối ở Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng mà báo chí vừa qua đã nêu, em rất đau xót cho biết:

“Nói chung là bây giờ em không thể nào nói lại được vì em đã hình thành từ một môi trường như là Trường Đại Học Hồng Bàng ra thì em không muốn là mình đã ra rồi mình lại bôi bác trường mình, mà để cho các bạn khác nói thì khách quan nó sẽ thể hiện thôi.”

Thực tế cho thấy trong 10 năm từ 1998 đến 2008 cả nước đã có tới 228 trường đại học và cao đẳng được thành lập và nâng cấp, đi kèm với những con số này là thực trạng một số trường không thực hiện được các điều kiện để đảm bảo chất lượng học tập cũng như giảng dạy, đặc biệt là về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên như các vụ bê bối vừa qua ở Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng và Đại Học Phan Thiết.