Vì sao công chức ít cười?

Lâu nay người dân luôn than phiền cán bộ, công chức nhà nước “hành dân là chính”. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp do người dân thiếu giấy tờ, văn kiện nên không được giải quyết, lại cho là viên chức làm khó dễ.

0:00 / 0:00

Chính sách

Theo chính sách của nhà nước nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chánh, nâng cao tinh thần phục vụ, khắc phục những hiện tượng cửa quyền, quan liêu thì công chức cần phải tập trung cố gắng, bảo đảm giải quyết công việc của người dân một cách chính xác về thời gian, đồng thời luôn giữ thái độ tận tình, hòa nhã, tươi cười, thân thiện.

Đó là phần lý thuyết, còn khi gặp chuyện thì dân chúng hay cho rằng viên chức ít nói, ít cười, khó tính, nhăn nhó, nói tóm lại là “hành dân”, “ xa cách dân”.

Tuy nhiên qua những chuyến đi thăm thực tế, đến các địa điểm tiếp dân thì nhà báo thấy rõ là người cán bộ, công chức có những khó khăn, nỗi khổ, tâm sự riêng, với chồng hồ sơ cao ngất trước mặt, lại có hàng chục người đang chờ giải quyết, đôi khi gặp thái độ của dân “trái tai, gay mắt” nên không thể cười nổi.

Cán bộ, công chức nhà nước có nhiệm vụ tiếp dân mỗi ngày cho biết, họ luôn gặp áp lực từ nhiều phía, mà phía người dân có phản ứng gay gắt, bực dọc, đôi khi quát mắng viên chức hữu trách, là chuyện không phải là hiếm khi xảy ra.

Ông Chí, một công chức ở Saigon nói về nụ cười hiếm thấy của cán bộ, viên chức:

Trước mặt người công chức đó có đối tượng mà họ phục vụ thì việc tỏ ra niềm nở với đối tượng đó là sự cần thiết. Đôi khi cũng không phải là cười mà chỉ cần có cử chỉ niềm nở tận tâm, thì cũng đủ.

Bà Thanh, công chức nghỉ hưu

“Tôi nghĩ vấn đề này nó có hai nguyên nhân, khách quan và chủ quan, trước hết là thủ tục hành chánh của nhà nước mình rườm rà, còn quá nhiêu khê, như việc mua bán xe gắn máy chưa đầy 5 triệu mà người mua, người bán phải chứng thực công chứng sang tên khắp các phố phường, các cơ quan chức năng.

Ngoài ra các cơ chế tham nhũng từ trên xuống dưới, lúc nào cũng làm cho người công chức nghĩ đến tiền lót tay, quà cáp, thấy những thứ đó, họ mới vui.

Về chủ quan thì mặt bằng lương bổng công chức không phù hợp với mặt bằng kinh tế, nên người công chức phải đối mặt với áp lực cuộc sống gia đình và bản thân họ.

Ngoài ra họ chỉ làm lấy lệ, giải quyết công việc cho qua ngày qua tháng, họ có tâm lý của kẻ trên người dưới, xin cho, ban phát. Công chức mẫn cán, tay bắt mặt mừng thì ít lắm.”

Bà Thanh, một công chức đã nghỉ hưu, góp thêm ý về chuyện công chức ít cười, theo bà thì có các cử chỉ khác cũng làm người dân vui lòng:

“Công chức ít cười ấy mà, tôi không muốn chia sẻ vào việc ấy đâu, nhưng họ cười vào lúc nào? Nụ cười ấy có thích hợp hay không? thì mới nên phán xét tình trạng đó.

Tôi quan niệm như thế này, những lúc không có ai ở trước mặt họ mà cứ cười, sợ rằng họ không bình thường, nhưng trước mặt người công chức đó có đối tượng mà họ phục vụ thì việc tỏ ra niềm nở với đối tượng đó, là sự cần thiết.

Đôi khi cũng không phải là cười mà chỉ cần có cử chỉ niềm nở tận tâm, thì cũng đủ, còn cái nụ cười, có người không cười, mà cũng không khó đăm đăm, mà lại chu đáo, nói kính chào ông, chào bà, tôi có thể phục vụ gì cho ông bà không, mà họ không có nụ cười gì cả, thì tôi nghĩ là dù không có nụ cười nhưng có sự tận tâm thì cũng nên ghi nhận cho họ chứ.

Có số đông cho rằng công chức không biết cười, ít cười, vì trong lề lối làm việc có những điều sắp xếp công việc không được kế hoạch lắm, nhiều đột xuất quá, từ cấp trên dội xuống một việc thành hai, ba việc, do khả năng xử lý có hạn nên họ không được vui, nên họ không thể có nụ cười trong bối cảnh đó.”

Vì sao ít cười?

Cũng có nơi công chức rất là hòa nhã, rất là sốt sắng. Rồi cũng tùy theo nơi, em đi làm giấy tờ không gặp phiền hà rắc rối gì.

Cô Như, thương gia

Cô Như, thương gia, hàng ngày đều có việc đến tiếp xúc với cơ quan nhà nước kể lại về những sự đối xử của công chức với mình:

“Nói chung là báo nói cũng có điều đúng, tuy nhiên cũng có nơi công chức rất là hòa nhã, rất là sốt sắng. Có thể là có thành phần nào đó thôi, hôm đó chắc gặp chuyện gia đình hay sao, mình không biết.

Báo nói cũng đúng chứ không phải là sai đâu, mấy người nhà báo cũng đã thâm nhập thực tế rồi, cũng tùy theo nơi, em đi làm giấy tờ không gặp phiền hà rắc rối gì, rất là dễ thôi.”

Gặp những hoàn cảnh dân hùng hổ, thiếu lịch sự, nếu công chức không tự kiềm chế, lớn tiếng lại thì dễ đưa tới xung đột tại chỗ.

Nhiều viên chức kể lại, nếu người dân hiểu biết, cảm thông cho sự đa đoan của công chức mà tỏ ra vui vẻ, kiên nhẫn thì cán bộ, công chức cảm thấy thoải mái, còn khi gặp cảnh chửi quát, đập bàn, quăng hồ sơ thì cũng đành chịu, vì không có cách nào khác hơn.

Dù bị cảnh “con sâu làm rầu nồi canh”, “vơ đũa cả nắm”, nhưng người công chức phải luôn trầm tĩnh, không thể nặng lời với dân, vì chính sách của nhà nước đã hướng dẫn như thế.

Hơn nữa, về phía người dân, thì có đủ mọi thành phần xã hội, lứa tuổi, trình độ dân trí, kiến thức, tâm tính khác nhau.

Khi một người không hiểu biết về pháp luật, học thức, đạo đức, văn hóa hạn chế, gặp chuyện trái ý, phật lòng thì dễ nổi nóng theo bản năng, cho rằng nhà nước đưa một công chức không biết gì ra tiếp họ, nên không đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc ổn thỏa.

Lên tiếng dùm phía cán bộ công chức, báo chí giải thích, công chức cũng chỉ là con người bình thường, nên có nhu cầu, tâm tư, tình cảm, quan hệ xã hội, buồn vui, hờn giận như mọi người.

Mặt khác, nếu nền hành chánh công quyền đặt nặng tính chất “phục vụ tận tụy” thì người dân sẽ hài lòng, toại nguyện, và đó chính là thứ mà họ cần, chứ không phải là nụ cười trên môi của công chức.

Sự tận tình, hòa nhã, không làm khó dễ, không cau có với người dân, là thành công của người công chức có trách nhiệm giúp dân bớt khổ, bớt lo, bớt sợ.