Khủng hoảng Giáo Dục Đại Học Việt Nam

Nền giáo dục VN, nhất là giáo dục Đại học, xem chừng như ngày càng trở nên vấn đề gây nhiều tranh cãi khi các chuyên gia trong và ngoài nước, kể cả chuyên gia Đại học danh tiếng Harvard, Hoa Kỳ, cảnh báo về sự sa sút, thậm chí khủng hoảng, của hệ thống Đại học, Cao đẳng VN.

0:00 / 0:00

Thanh Quang tổng hợp thông tin liên hệ và trình bày hầu quý vị sau đây:

Cần cải cách

Thưa quý vị, lên tiếng mới đây với Ban Việt Ngữ Đài ACTD về nhu cầu cấp bách cải cách giáo dục VN, giáo sư Phạm Phụ thuộc Đại học Bách khoa TPHCM cho biết:

“...Không có e ngại gì chuyện cải cách cả. Cải cách là hiện tượng thường xuyên, gần như phổ biến trên thế giới này trong suốt mấy chục năm qua. Cho nên, theo tôi, VN nên bắt đầu cải cách giáo dục Đại học.”

Mối quan tâm đó của GS Phạm Phụ đối với nền giáo dục nước nhà cũng được nhiều trí thức tâm huyết trong nước thường xuyên bày tỏ, trong số này có Giáo sư Hoàng Tụy từ Hà Nội:

“Tôi thấy muốn lay chuyển tình hình này, những người như chúng tôi nói không đủ, mà các bạn trẻ, sinh viên, học sinh phải lên tiếng nhiều nữa. Vì chính các bạn chịu ảnh hưởng của nền giáo dục này. Và tương lai của các bạn lệ thuộc nhiều vào chất lượng của nền giáo dục này”.

Bệnh thành tích, thiếu thực tế

Qua bài tựa đề “Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng”, GS Hoàng Tụy thắc mắc rằng “ Điều rất là lạ là các nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương 3,7,9 đều đòi hỏi phải tiến hành cải cách giáo dục như một yêu cầu bức thiết của xã hội, nhưng những vị nhận trách nhiệm trực tiếp thì lại chẳng hề quan tâm thực hiện các nghị quyết ấy, thậm chí còn nói ngược lại”.

Nói cho đúng, thực trạng giáo dục (VN) như thế nào đã rõ như ban ngày, chẳng qua chúng ta mê ngủ nên chưa thấy, hoặc có thấy nhưng vì những ràng buộc, áp lực nào đó nên cứ phải bịt mắt, giả mê để tự dối mình, dối người khác và yên vị.

GS Hoàng Tụy

Vẫn theo GS Hoàng Tụy thì “... có những mục tiêu nghe thật hoành tráng, nào là từ nay đến 2020 (tức trong 11 năm tới) đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, 1 trường vào tốp 200 thế giới, v.v... Song người dân vẫn phân vân: 3 năm qua ta đã làm được gì mà có thể đặt kỳ vọng cao như thế cho 11 năm tới? Hay là ta đang mơ mộng thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm, và căn bệnh thành tích từ ngoài da đã đi vào xương tủy?”

Nhắc tới nền giáo dục đại học, GS Hoàng Tụy không khỏi băn khoăn lẫn bất bình, cho rằng “khắp nước, kể cả đại học quốc gia, tràn lan và bát nháo ‘đào tạo liên kết’, môn học một học kỳ chỉ cần 3-4 ngày xong hết cả học và thi, nên ai cũng học được, trường trung cấp cũng đào tạo thạc sĩ là chuyện hi hữu trên thế giới”. Do đó, theo GS Hoàng Tụy, “chẳng lạ gì chỉ trong vài năm đã xuất hiện hàng mấy trăm đại học mới. Lạ nhất là đề án tiến sĩ hóa, thạc sĩ hóa 100% cán bộ công chức của thủ đô để ‘đột phá tư duy lãnh đạo’ ”.

Tiến sĩ hóa cán bộ

Về chuyện “tiến sĩ hóa” như vậy, TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã giải thể có bài tựa đề “100% công chức cấp cao là Tiến sĩ thì dân ta đi ăn mày”, với đoạn viết rằng “Nếu chỉ cần 15% chứ chưa nói đến 100% công chức chủ chốt có bằng Tiến sĩ thì chắc chắn dân ta đã phải chịu số phận ăn mày. Những người có bằng Tiến sĩ ấy sẽ ‘đập phá tư duy’ đưa chúng ta đến chỗ chết”.

Nếu chỉ cần 15% chứ chưa nói đến 100% công chức chủ chốt có bằng Tiến sĩ thì chắc chắn dân ta đã phải chịu số phận ăn mày. Những người có bằng Tiến sĩ ấy sẽ 'đập phá tư duy' đưa chúng ta đến chỗ chết.

TS Nguyễn Quang A

Theo TS Nguyễn Văn Tuấn từ Úc, thì “chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính thể hiện một sự hiểu lầm về mục tiêu đào tạo tiến sĩ”, và “... chủ trương nâng cấp 100% cán bộ diện thành ủy có bằng tiến sĩ … là phá hoại cái ý nghĩa của học vị tiến sĩ một cách đột ngột”.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, qua bài tựa đề “đại học nào cho thế kỷ 21”, có lưu ý tới một nghịch lý, rằng “... Phó Thủ tướng ‘tư lệnh’ của ngành giáo dục đã viện dẫn việc Bộ Chính trị ‘mới đây đã có nghị quyết không duy trì các trường đại học kém chất lượng’. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ... thì sẽ đề nghị đưa vấn đề này vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội trong thời gian tới. Trong khi đó, những chương trình đào tạo hàng chục ngàn tiến sĩ, đầu tư xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế vẫn tiếp tục triển khai ...”

Cảnh báo của chuyên gia

Trong thời gian gần đây, các chuyên gia của Đại học danh tiếng Harvard, Hoa Kỳ, cũng có một số nhận định về thực chất của nền giáo dục Đại học VN.

Chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính thể hiện một sự hiểu lầm về mục tiêu đào tạo tiến sĩ, và ... chủ trương nâng cấp 100% cán bộ diện thành ủy có bằng tiến sĩ … là phá hoại cái ý nghĩa của học vị tiến sĩ một cách đột ngột.

TS Nguyễn Văn Tuấn, Úc

Qua bản phúc trình gởi Ủy ban Đặc nhiệm Hỗn hợp về giáo dục Đại học VN, 2 chuyên gia Thomas Vallely và Ben Wilkinson của trường Chính Quyền Học Kennedy thuộc Đại học Harvard cảnh báo rằng nền giáo dục Đại học VN đang trong tình trạng khủng hoảng suy sụp, khi, theo bản phúc trình, thành tích xuất bản các công trình nghiên cứu của đại học VN rất nghèo nàn, thành tích về bằng sáng chế là con số không; hệ thống đại học VN không đào tạo sinh viên cho phù hợp với nhu cầu kinh tế, và trong khi VN có tham vọng xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế nhưng hiện không có một đại học nào của VN được xếp vào hàng đại học có phẩm chất của Á Châu.

Qua bài “Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng” như vừa kể, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh rằng “Nói cho đúng, thực trạng giáo dục (VN) như thế nào đã rõ như ban ngày, chẳng qua chúng ta mê ngủ nên chưa thấy, hoặc có thấy nhưng vì những ràng buộc, áp lực nào đó nên cứ phải bịt mắt, giả mê để tự dối mình, dối người khác và yên vị. Giờ là lúc cần trung thực nhìn thẳng vào sự thật. Đó là lương tâm, là trách nhiệm chẳng những đối với xã hội hiện tại mà còn đối với lịch sử, đối với nhiều thế hệ mai sau”.