Tại sao giảng viên không mặn mà với học vị Tiến sĩ?

Chỉ tiêu đặt ra khoảng một phần tư giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ trong thời gian rất ngắn chưa đầy 2 năm đã bị dư luận cho là bất khả thi.

0:00 / 0:00

Ngoài tính chất khách quan về điều kiện thời gian, còn có những lý do tiềm ẩn khiến cho nhiều giảng viên không mặn mòi lắm đến học vị tiến sĩ.

Chương trình tiến sĩ trong nước đóng ít tiền hơn, nhưng tiền nào của nấy
Chương trình tiến sĩ trong nước đóng ít tiền hơn, nhưng tiền nào của nấy. RFA graphic (RFA graphic)

Tại Việt Nam, người ta hay dùng hai từ 'đầu tiên', nói lái lại là 'tiền đâu?' để nói về điều kiện tiên quyết cho bao họat động hiện nay. Và chuyện học lên để lấy bằng tiến sĩ cũng cần điều kiện đó. Một giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM trình bày:

Phức tạp của mặt sau cái bằng tiến sĩ

Tiến sĩ ở Việt Nam, người ta không có điều kiện học. Không phải như ở nước ngoài, muốn học lên nó dễ. Ở Việt Nam thì có đủ thứ chuyện, trong đó có chuyện tài chánh. Không có ai mà có đủ điều kiện học hết tiến sĩ rồi đi làm hết trơn. Người ta phải đi làm. Do đó, cái chuyện học nó khó khăn lắm. Chưa kể đến bao nhiêu tiêu cực trong việc đào tạo tiến sĩ nữa. Học tiến sĩ thì học chơi chơi không, mà tốn tiền vào ba cái chuyện linh tinh nhiều thì những người tự trọng họ đâu thèm học nữa.

Tiến sĩ Võ Văn Sen, hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TPHCM thì có ý kiến về vấn đề điều kiện tài chính đó:

Nếu kinh phí mà trả tiền của học viên thì thấp thôi, khoảng 3 – 4 triệu thôi, nhưng mà kinh phí đào tạo thực sự một học viên là khoảng 10 triệu/năm. Tiến sĩ cũng vậy, khoảng 10 – 15 triệu/năm cho các họat động giảng dạy, học tập và nghiên cứu tại chỗ. Phần lớn kinh phí đó là do Nhà Nước là một và do Nhà trường bằng ngân sách thu tại chỗ để bù đắp, còn học viên chỉ đóng 1/3 trong các khoản chi phí đào tạo thôi.

Nói như vậy, học phí cho chương trình học thạc sĩ, tiến sĩ chẳng là bao so với thu nhập trung bình 3, 4 triệu hiện nay của một giảng viên. Tuy nhiên, “cái khó” lại không nằm trong phần học phí, mà ở những phần “linh tinh” như anh giảng viên Sư phạm cho biết.

Một anh bạn đi học ở bên trường Đại học KHXH&NV, Tiến sĩ Tiếng Anh, Ngôn Ngữ. Mà muốn được một ông thầy nhận hướng dẫn thì nào là phải tốn tiền cho thầy ăn nhậu, rồi tốn tiền đút lót để thầy cho điểm cao. Mấy cái đó nhiều người họ bực họ làm không được.

Không đủ tiền làm luận án?

Hóa ra chi phí mà các học viên cao học và nghiên cứu sinh e ngại không phải là học phí mà chính là phần cuối con đường: Hoàn thành luận án. Theo Tiến sĩ Võ Văn Sen thì đây là yếu tố khách quan do tình hình thu nhập chung của người Việt Nam còn thấp:

Đối với thu nhập của người Việt Nam thì đúng là khi đầu tư chuẩn bị cho một luận án thì tốn kém. Thu nhập thấp thì nó hạn chế thứ nhất là, khi đi nghiên cứu đề tài, luận án, thì học viên sẽ không có một nguồn tài trợ nào nếu không kết hợp với việc đăng ký một đề tài được duyệt của nhà trường, thì học viên gần như không có tiền để thực hiện các nghiên cứu đó. Cái đó là cái giới hạn. Và điều đó dẫn đến việc làm giảm chất lượng đề tài. Mà đề tài đòi hỏi phải đi thực tế, thí nghiệp nhiều, thì cái đó nó làm giảm chất lượng.

Cũng theo thầy Sen, việc học Tiến sĩ hiện nay nhờ vào 3 lọai kinh phí sau đây:

Học bổng nước ngoài mà các học viên xin được.

Chương trình 322 của Chính phủ Việt Nam tài trợ kinh phí để đi học nước ngoài.

Tự túc. Trong đó, nhiều trường cũng vận dụng kinh phía để hỗ trợ thêm.

Quan trọng của lý lịch

Tuy nhiên, để được xét đủ tiêu chuẩn cấp kinh phí hỗ trợ học tiến sĩ thì:

Tại vì ở Việt Nam có hệ thống gọi là cơ chế, quy họach, tức là nó cho cái khoa đó bao nhiêu người thì bao nhiêu người đó được thôi. Nếu muốn được xét thì người đó phải quen biết, rồi phải có lý lịch tốt…

Còn nếu tự xoay sở kinh phí để học, thì dĩ nhiên, nhiều giảng viên sẽ phải đắn đo trước số tiền đã bỏ ra quá lớn, trong khi thu nhập sau khi có bằng cấp không đủ để trang trải các chi phí trước đó. Nói như vậy tuy hơi có phần tính tóan, nhưng đó là thực tế của rất nhiều giảng viên hiện nay.

Ngoài lý do về tài chính, còn phải kể đến yếu tố chất lượng của học vị tiến sĩ hay thạc sĩ. Ngấm ngầm trong thế giới của giảng viên, thường có sự so sánh giữa bằng tiến sĩ trong nước với tiến sĩ nước ngoài. Ai cũng công nhận có sự khác biệt giữa hai chương trình, nhưng nguyên nhân của tình trạng này thì rất khác nhau. Phía nhà trường cho rằng:

Cái khác nhau mà theo tôi là lớn nhất đó, mà hiện nay chúng tôi đang cố gắng khắc phục mà rất khó, đó là cái đào tạo tiến sĩ toàn phần của chúng tôi thì chúng tôi yêu cầu học viên là phải dành toàn bộ thời gian cho đề tài nghiên cứu khoa học và làm luận án. Nhưng trên thực tế, rất ít nghiên cứu sinh hay học viên cao học có thể thực hiện được điều đó, là bởi vì do điều kiện kinh tế còn thấp. Họ thường đã lớn tuổi và có gia đình rồi, nên họ phải có trách nhiệm và dành một phần thời gian để đi làm, lao động kiếm thêm và giảng dạy thêm. Còn chỉ một phần thời gian họ dành cho nghiên cứu và học tập thôi. Vì vậy, cái khác nhau giữa chúng tôi và nước ngoài rất lớn là ở chỗ sinh viên và nghiên cứu sinh không thể toàn tâm, toàn ý mà nghiên cứu.

Tiền nào của nấy

Còn phía giảng viên thì chương trình học tiến sĩ ở trong nước rẻ hơn nhưng:

Dĩ nhiên nó (chương trình tiến sĩ trong nước) đóng ít tiền hơn, nhưng tiền nào của nấy. Mà mấy ông Tiến sĩ mà lấy (tiến sĩ) ở Việt Nam thì mấy ổng không có thừa nhận cái đó. Hay là mấy ông Phó Tiến sĩ mà “một đêm thức dậy thành tiến sĩ” thì mấy ổng không thừa nhận cái bằng của mấy ổng không bằng người khác, trừ một vài người thẳng thắn lắm, thì họ mới nói họ không hài lòng về cái bằng của họ thôi.

Như vậy, vấn đề chất lượng đào tạo cũng là một điều đáng bàn khi mà nó trở thành mối e ngại của giảng viên.

Dĩ nhiên, việc nâng cao học vị của giảng viên là một mục tiêu cần thiết. Thế nhưng nâng như thế nào và bằng cách nào để học vị ấy là thực chất chứ không phải là cái 'mác' khiến nhiều người bàn tán, mới là cách “chấn hưng” đúng hướng.