Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nước chậm phát triển ? (phần 2)

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đàiRFA

Tuần này chúng ta tiếp tục loạt hội luận của giới trẻ khắp nơi về các nguyên nhân vì sao Việt Nam vẫn còn là một nứơc chậm phát triển trên bản đồ thế giới. Mời quý vị cùng tái ngộ với các bạn thanh niên từ nhiều miền đất nứơc: Quang ở Hà Nội, Nam cư dân Sài Gòn, Thiên quê quán miền Trung hiện đang học tập tại phía Nam, cùng với Hộ là một ngừơi trẻ đang định cư ở Canada:

SagionStreetTraffic200.jpg
Hơn 30 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia kém phát triển trên thế giới. AFP PHOTO

Trà Mi: Tuần trước chúng ta đã bàn về những ý kiến của người trẻ về những mặt chậm phát triển của Việt Nam. Trước khi bước qua một khía cạnh khác, Trà Mi muốn hỏi thăm là về mặt kinh tế có bạn nào có ý kiến nào muốn nêu ra, muốn bổ sung thêm thì dành cho các bạn đôi phút trước khi hỏi về một khía cạnh mới.

Hộ: Bạn Quang nói là năm 1945 đảng và nhà nước đã làm được rất nhiều việc, lo cho người dân được học hành này kia, thì bạn có thể trả lời được câu tại sao năm 1954 người Bắc di cư trong khoảng thời gian khá ngắn có đên 1 triệu người di cư vô Nam không? Bạn có thể trả lời được cái lý do không?

Quang: Thật sự bạn có thể tự trả lời. Nếư bạn đặt câu hỏi thì tôi có thể hỏi lại bạn. Thế bạn có thể trả lời cho tôi là tại sao trong thời gian 1954 đó thì có rất nhiều người Miền Nam di cư ra Bắc không ạ? Đó chẳng qua là ... Hộ: À, cái đó thì tôi nghĩ chắc chỉ là đi tập kết thôi bạn ơi. Tới ngày hôm nay bạn có thấy được là trên toàn thế giới, tôi không nói là chỉ Việt Nam nữa, có những người nào từ quốc gia tự do đi qua quốc gia cộng sản để mà xin định cư, xin ở không? Mà ngay chính ngày hôm nay cũng vậy. Có bao giờ người ở phần đất tự do, như có người Nam Hàn nào mà qua Bắc Hàn để xin tị nạn không?

Quang: Những nước Nam Hàn - Bắc Hàn thì quả thật là mình không biết, nhưng mà ở Việt Nam thì có nhiều việc mình biết.

Hộ: Trong các lực lượng của dân tộc Việt Nam bạn phải thấy như thế này. Từ năm 1954 nguời Bắc di cư vào Nam, và sau năm 1975 cả dân tộc Việt Nam bỏ nước ra đi. Đó là tại sao bạn biết không?

Quang: Mình không đồng ý với ý kiến của bạn đó. Sau năm 1954, mình xin trả lời bạn, cái năm 54 là cái năm có hiệp định cho phép người Miền Nam muốn có thể đi ra Bắc và nguời Bắc muốn có thể đi vào Nam.

Thiên: Nhưng mà cái tỷ lệ người Nam ra Bắc là đi như thế nào? Họ tự nguyện đi ra Bắc hay là họ bị ép ra Bắc để mà tập kết sau này đẩy vô Miền Nam để hoạt động? Bạn có biết chuyện đó chứ?

Quang: Ai có thể ép được? Bạn tự mâu thuẫn với bạn rồi, vì bạn vừa nói là không ai có thể ép nguời từ đất nước tự do di chuyển đến đất nước cộng sản được, và mình chưa trả lời tiếp với bạn câu hỏi là khi ở Miền Nam mình thấy rất nhiều trí thức bây giờ đang trở về Việt Nam. Người ta trở về Việt Nam từ đâu? Người ta trở về Việt Nam từ Mỹ, từ Pháp. Chính đất nước này có phải tự do không ạ? Tất nhiên không phải tất cả mọi người trở về, nhưng mà tôi đang thấy rất nhiều người trở về. Đấy là câu trả lời của tôi cho bạn. Chúng ta đều có thể nhìn thấy rõ ràng đúng không ạ?

Trà Mi: Hộ và Thiên có ý kiến nào phản biện lại với Quang không?

Thiên: Cái số lượng người Miền Nam tập kết ra Bắc so với cái tỷ lệ người Miền Bắc vào Nam, cái tỷ lệ đó bao nhiêu? Bao nhiêu người Miền Nam ra ngoài Miền Bắc? Cái tỷ lệ đó chênh lệch rất là nhiều.

Hộ: Bạn Quang có biết là ở Việt Nam mình sau năm 1975 có câu "Cây cột đèn có chân nó cũng đi". Bạn biết lý do đó chứ gì?

FarmerWTO150.jpg
Chính sách đổi mới kinh tế bắt đầu từ năm 1986 chỉ mang lại sự giàu có cho một bộ phận nhỏ, phần đông dân chúng vẫn còn lam lũ, khổ cực. AFP PHOTO.

Trà Mi: Trà Mi muốn có câu hỏi với Quang. Quang nói là hiện bây giờ có nhiều người Việt Kiều cũng giống như người nước ngoài từ các nước Phương Tây phát triển trở về Việt Nam, thế thì con số đó nếu các bạn so với con số mà người Việt Nam trong nước tìm kiếm những phương cách khác nhau, tù lấy chồng nước ngoài đến du học, lao động xuất khẩu để đi qua định cư ở những nước tiên tiến phát triển, thì con số nào nhiều hơn?

Quang: Câu hỏi rất là hay và em xin trả lời. Người nước ngoài vào Việt Nam thường là những người trí thức, doanh nhân giàu có về Việt Nam đầu tư, đúng không ạ? Và cái dòng người di chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài là thế nào thì các bạn thấy là họ đến Đài Loan hoặc một số nước vùng Đông Nam Á thì Việt Nam đang có chính sách là đưa xuất khẩu lao động.

Theo quan điểm của tôi thì đây là chính sách phải nói là một trong những chính sách rất là tốt của Đảng CSVN hiện nay. Chúng ta thu hút những cái nguồn nhân lực, tài lực từ bên ngoài vào và những người rất khó ở trong Việt Nam để có thể có điều kiện phát triển về kinh tế thì chúng ta giúp họ bằng cái việc là đưa người đó đến những nền kinh tế khá hơn và giúp người ta có nhũng thu nhập cao hơn. Đó là chính sách phát triển rất là đúng đắn của chính quyền Việt nam hiện nay.

Trà Mi: Đó là một cách nhìn nhận. Thế bạn nghĩ sao nếu như có một quan điểm ngược lại cho rằng những người...

Thiên: Em có ý kiến chị Trà Mi ơi.

Trà Mi: Vâng. Xin mời Thiên.

Thiên: Em tên Thiên, em xin có ý kiến ạ. Mình xin thưa với bạn (Quang) là nền kinh tế Việt nam bây giờ, cái chuyện thu hút nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đó là sự bóc lột trên gia công nhân rẻ mạt ở Việt Nam. Mình xin nói thẳng với bạn đó là công nhân bị bóc lột sức lao động ở Việt Nam, bởi vì đại đa phần người Việt Nam mình hiện tại ở Việt Nam chính là đi làm thuê, gia công chính là cũng đi làm thuê, mà đi làm thuê chính là bị bóc lột. Bạn phải hiểu vấn đề đó.

Người Việt Nam mình bị bóc lột mà bạn lại nói đó là chính sách đúng đắn của nhà nước. Chính sách đúng đắn của nhà nước chính là để người Việt Nam bị bóc lột à? Bọn tư bản nước ngoài vào Việt Nam bóc lột người dân Việt Nam, hoá ra như vậy là chính phủ, nhà nước Việt Nam mình không bảo vệ người Việt Nam à, để cho bọn tư bản nước ngoài vào Việt Nam bóc lột à?

Quang: Bây giờ mình xin hỏi bạn một câu hỏi thế này, xem bạn trả lời như thế nào. Bây giờ bạn sống ở quê bạn thì không ai bóc lột cả, nhưng mà gia đình bạn rất ngheò và bạn làm việc rất là vất vả ở ngoài đồng. Bây giờ bạn đi sang Hàn Quốc chẳng hạn, bạn bị người ta bóc lột lao động 12 tiếng đồng hồ một ngày, nhưng mà mỗi tháng bạn có thể gửi về cho gia đình bạn một nghìn đô từ trên lương của bạn, thì bạn chọn đường nào?

Thiên: Đúng rồi, bạn đang hỏi chính là bạn phải hỏi cái nhà nước của mình. Bạn biết không?

Quang: Bạn hãy trả lời câu hỏi của tôi. Bạn đừng có nói là tôi ủng hộ ai, tôi ủng hộ...

Thiên: Tôi xin hỏi bạn. Bạn đóng thuế để làm cái gì? Bạn đang đóng thuế để nuôi một cái nhà nước bù nhìn hả? Người ta không bảo vệ được bạn, người ta để cho bọn tư bản nước ngoài bóc lột bạn, mà bạn đang đống thuế để nuôi một cái nhà nước bù nhìn hay sao?

Quang: Bạn hãy trả lời câu hỏi của tôi trứơc khi hỏi lại tôi.

Thiên: Thì câu hỏi của mình cũng là câu trả lời cho bạn đó.

Hộ: Tôi xin có ý kiến. Khi mà người công nhân Việt Nam mà bị bóc lột, chúng ta phải thấy cái công đoàn tại Việt Nam ngày hôm nay là của đảng chứ không phải công đoàn do người công nhân dựng lên để mà bảo vệ quyền lợi cho chính họ. Mà khi người công nhân biểu tình thì họ lại bị đàn áp, hoặc là bị đủ thứ rắc rối.

Bạn phải thấy ở tại một quốc gia tự do, như bên Canada, khi mà biểu tình dình công phản đối để đòi tăng lương thế này thế nọ đó, những tổ chức công đoàn lên là công đoàn độc lập và họ bảo vệ quyền lợi thực của người công nhân ở trong cái hãng xưởng đó. Họ không bị bóc lột như cái kiểu của Việt Nam.

Tại Việt Nam không có những công đoàn độc lập cho nên mới có tình trạng người công nhân Việt Nam bị bóc lột như các bạn đã thấy đó.

Trà Mi: Ngoài mặt kinh tế các bạn đã đồng ý với nhau là Việt Nam đang còn chậm phát triển. Riêng chỉ có Quang là có nhìn nhận một cách khả quan hơn là tuy Việt Nam có chậm phát triển nhưng GDP Việt Nam cao là Việt Nam đang trên đà phát triển. Ý kiến của Quang hơi tích cực hơn các bạn còn lại. Thế thì ngoài mặt kinh tế thì Trà Mi cũng xin được bước qua khía cạnh mới, tức là nói về chậm phát triển thì mọi người nghĩ tới kinh tế, nhưng mà có một khía cạnh liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế tức là khía cạnh xã hội - chính trị. Các bạn ghi nhận như thế nào về nền chính trị Việt Nam?

Hộ: Em là Hộ ở Canada.

Trà Mi: Mời anh Hộ.

Hộ: Về mặt chính trị mà chậm phát triển tại vì Việt Nam mình hôm nay vẫn chưa có đa nguyên đa đảng. Mặt chậm phát triển chính trị nó ảnh hưởng tới nạn tham nhũng, lạm quyền của các viên chức cán bộ. Nó làm trì trệ hết cả những cái phát triển của đất nước mình.

Trà Mi: Tức là ghi nhận của anh là về mặt chính trị Việt Nam cũng là một nước chậm phát triển so với các nước khác trên thế giới?

Hộ: Dạ.

Trà Mi: Xin mời ý kiến đóng góp của Quang.

Quang: Mình là Quang từ Hà Nội. Anh Hộ anh có chắc chắn là nếu mà đặt trường hợp Việt Nam đa nguyên đa đảng thì kinh tế phát triển có nhanh hay không. Chúng ta cùng thử nhìn qua một số nước nhé. Anh nhìn về Ấn Độ. Đó là một nước tự do dân chủ đúng không ạ? Và nhìn Trung Quốc là một nước do đảng cộng sản lãnh đạo. Thì bây giờ anh thấy hai nước đó phát triển hiện nay như thế nào? Chúng ta thấy là Trung Quốc phát triển rất nhanh và mạnh so với Ấn Độ dúng không?

Hộ: Không. Không. Không. Tôi không đồng ý với bạn Quang. Bạn nói Trung Quốc phát triển thiệt, nhưng mà Trung Quốc là trên 1 tỷ dân, trong khi Đài Loan - tôi chỉ nói Đài Loan là một đảo quốc thôi nhé. Đài Loan chỉ có khoảng 23 triệu dân. GDP của họ là hơn cả một tỷ mấy người dân Trung Quốc. Mà cái mức sống của dân Đài Loan khá cao. Họ có bầu cử tự do. Họ chỉ là một đảo quốc thôi.

Trà Mi: Anh Hộ đang nói tới Trung Quốc và Đài Loan, trong khi câu hỏi của Quang đưa ra là nếu so sánh giữa hai chế độ độc đảng và đa đảng thì lấy hai hình ảnh là Ấn Độ và Trung Quốc làm hai ví dụ điển hình. Ấna Độ đi theo đa nguyên đa đảng, dân chủ nhưng sự phát triển nhìn ra có vẻ thua Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đi theo chế độ độc đảng. Ý kiến của các bạn khác?

Quang: Còn nữa. Ấn Độ không phải là một ví dụ duy nhất. Chúng ta có thể nhìn đến Singapore nữâ. Cách đây khoảng độ ba thập niên thì mọi người đều biết là Singapore được Lý Quang Diệu lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu cũng có thể nói là độc quyền và độc tài luôn, thế mà Lý Quang Diệu đã đưa Singapore đến một cái phát triển có thể nói là thần kỳ. Điều đó cho thấy rằng độc tài, độc đảng chưa chắc đã là lý do làm cho nền kinh tế chậm phát triển.

Nam: Mình không thể so sánh một quốc gia với vài triệu dân với một quốc gia 83 triệu dân của Việt Nam. Mình không thể so sánh như vậy được bạn Quang à.

Thiên: Anh Quang so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng mà anh Quang ơi, Trung Quốc phát triển không có đều. Nếu anh đã từng đi qua Trung Quốc thì anh thấy điều này rất rõ. Những tỉnh nằm ở phía Đông Trung Quốc phát triển khá mạnh, nhưng khi đi vào phía trong, phía Tây, chỉ cách nhau khonảg độ mười hay hai mươi cây số mà thôi là anh thấy sự khác nhau rất là rõ ràng. Một bên là nghèo nàn, một bên là phát triển, khác nhau rất rõ. Cho nên khi anh muốn so sánh thì phải tìm hiểu thực tế mới thấy ra vấn đề.

Nam: Chúng ta phải so sánh tổng thể trong một bức tranh tổng thể.

Trà Mi: Đã đến giờ Trà Mi phải nói lời chia tay với các bạn rồi. Vẫn còn rất nhiều điều để chúng ta tiếp tục trao đổi với nhau vào buổi tái ngộ tuần sau. Xin quý thính giả đừng quên giờ hẹn với Diễn Đàn sáng thứ tư tuần tới.

Quý vị và các bạn muốn tham gia, hoặc góp tiếng, với "Diễn đàn bạn trẻ", xin email về vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác gọi vào Mỹ, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775.

Trà Mi thân ái kính chào.