Trà Mi, phóng viên đàiRFA
Diễn Đàn Bạn Trẻ kỳ này tiếp tục phần hội luận dở dang tuần trước khi các bạn trẻ đang bàn đến vấn đề liệu chế độ độc đảng có là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn còn là một nước chậm phát triển trên bản đồ thế giới hay không.
Cuộc nói chuyện hôm nay có thêm sự góp mặt của một bạn trẻ tên Thanh, hiện đang học tập và nghiên cứu tại Hà Nội, cùng tham gia đóng góp ý kiến với Quang, cũng ở Hà Nội, Nam cư ngụ tại Sài Gòn, Thiên từ miền Trung hiện đang học tập tại phía Nam, và Hộ đang sinh sống ở Canada. Trước tiên là quan điểm của bạn Thanh đóng góp với các bạn tham gia chương trình từ tuần trước:
Thanh: Mình thấy các bạn tranh luận rất là gay gắt về vấn đề đa nguyên đa đảng hay là độc đảng, thì mình nghĩ đó không phải là nguyên nhân để gây ra sự nghèo đói cho đất nước. Mình rất đồng ý với ý kiến của bạn Quang, tức là mình thừa thận Việt Nam là một nước rất nghèo, nghèo cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, nhưng mà nói về nguyên nhân để làm cho nghèo thì mình nghĩ rằng cái việc theo đa nguyên đa đảng hay là độc đảng thì đó không phải là nguyên nhân để làm cho nghèo, mà theo quan điểm của mình nghĩ thì, trước hết chúng ta đang nói về vấn đề chính trị và xã hội chẳng hạn, thì mình nghĩ là cái nguyên nhân để làm cho Việt Nam nghèo chủ yếu là do cách quản lý và những cái vấn đề nảy sinh trong nội bộ xã hội của Việt Nam là chủ yếu.
Ví dụ như tham nhũng chẳng hạn, vấn đề tham nhũng đang rất nóng bỏng ở Việt Nam và hầu như cách quản lý hành chính ở Việt Nam còn rất quan liêu, rất nặng về hình thức và cái điều đấy mới là điều quan trọng. Chứ còn nếu mà theo đa nguyên đa đảng thì cái đó cũng rất phức tạp.
Bởi vì như các bạn đã thấy thì rất nhiều quốc gia đa nguyên đa đảng trên thế giớí, nếu như nói về mặt phát triển kinh tế thì Việt Nam không thể so sánh được, thì rõ ràng Việt Nam rất nghèo bởi vì xuất phát điểm của Việt Nam rất là thấp. Nhưng mà nói về sự ổn định chính trị và sự ổn định xã hội thì mình thấy là Việt Nam cũng rất là ổn định. Cho nên theo quan điểm của mình thì...
Hộ: Tôi Không đồng ý với bạn Thanh, nghe bạn Thanh. Như thế này nè, khi mà đa nguyên đa đảng thì những đảng đối lập họ sẽ kiểm soát cái đảng cầm quyền. Khi mà đảng cầm quyền đi chệch hướng thì đảng đối lập họ sẽ cảnh báo thì tình trạng đó mới chống được tham nhũng. Bạn có biết là khi mà đảng và nhà nước kêu gọi chống tham nhũng, nhân dân chống tham nhũng lại bị bỏ tù.
Thật sự ra như vậy đảng và nhà nước mình đâu có muốn chống tham nhũng thật sự đâu. Bạn thấy rõ ràng, chính cái đa nguyên đa đảng nó mới kèm được những sự lộng quyền, lộng hành của quan chức của cái đảng đang cầm quyền. Tôi xin hết.
Nam: Tôi là Kỳ Nam. Tôi có một ý kiến.
Trà Mi: Xin Nam vui lòng nhường cho Thanh để cho Thanh dứt cái ý của Thanh rồi Nam góp ý thêm. Mời Thanh.
Thanh: Em có một ý kiến nhỏ muốn chia sẻ với bạn Hộ như thế này, tức là bạn nói rằng cái sự đa nguyên đa đảng sẽ kìm nén cái việc tham nhũng của đảng này đảng kia, mình cũng thấy cái mặt tích cực của việc đa nguyên đa đảng nhưng mà chúng ta đang bàn ở đây vấn đề tại sao Việt Nam là một nước nghèo, thì chúng ta nên tìm ra những nguyên nhân tại sao nghèo.
Còn mình nghĩ rằng, thí dụ như Trung Quốc chẳng hạn, Trung Quốc là một nước do đảng cộng sản cầm quyền tham nhũng cũng rất nhiều nhưng kinh tế của Trung Quốc rất phát triển, thì chúng ta không thể nói rằng đa nguyên đa đảng thì kinh tế của nước ta sẽ phát triển được. Rất là khó để nói rằng đấy là nguyên nhân làm cho Việt Nam nghèo.
Trà Mi: Trước ý kiến của Thanh đưa ra thì xin mời ý kiến phản hồi của Hộ, của Thiên, hoặc là của Nam.
Thiên: Mình là Thiên. Mình xin có ý kiến. Mình cũng đồng ý với chỗ bạn Thanh ở chỗ là chúng ta ngồi với nhau, hội luận với nhau không phải bàn vấn đề Việt Nam đa nguyên đa đảng hay độc đảng độc tài. Chúng ta bàn với nhau vì sao nền kinh tế Việt Nam chậm phát triển.
Mình đồng ý với bạn Thanh ở chỗ là tình trạng tham nhũng tràn lan với cách quản lý ở Việt Nam rất lỏng lẻo, nhưng mình xin bổ sung ý kiến của bạn Thanh nữa là trong vấn nạn vì sao Việt Nam chậm phát triển, chúng ta hãy coi đó như một quốc nạn, trong cái quốc nạn đó là chúng ta thấy được nền giáo dục Việt Nam nó phải chịu trách nhiệm trong việc làm cho nền kinh tế Việt Nam chậm phát triển. Và cách quản lý nó cũng làm cho nền kinh tế Việt Nam chậm phát triển.
Ví dụ như là trong cách quản lý của chúng ta, chúng ta là một nước nông nghiệp, 75% dân số làm nông nghiệp, nhưng chúng ta không chú trọng tới nông nghiệp mà lại chú trọng tới đâu đâu. Mình điển hình như ở Thái Lan đi, từ đầu họ đã định hình họ là một quốc gia nông nghiệp thành ra những vấn đề phát triển về kinh tế của họ chú trọng vào nông nghiệp. Họ đầu tư kỹ thuật công nghệ vào trong nông nghiệp. Đó là một điều mà chúng ta phải ráng học hỏi để làm cho nền kinh tế của chúng ta phát triển.
Trong cái việc quản lý, các chương trình quốc gia thì hầu hết những chương tình quốc gia nào cũng đều là phá sản. Chúng ta phải vay nợ nước ngoài để đầu tư phát triển chương trình quốc gia, nhưng tất cả các công trình quốc gia đều phá sản. Nếu các bạn để ý các chương trình quốc gia như 327, rồi ngọt hoá bán đảo Cà Mau, đưòng dây điện 500 Kilovolt, rồi là chương trình quốc gia mía đường, nhà máy lọc dầu, ôi! bất cứ cái nào cũng đều là... Cái đó chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng, đó chính là do quản lý của chúng ta. Cái việc quản lý của nhà nước nó điều hành quá kém.
Nhưng mà bạn Thanh ơi, chúng ta không thể bỏ qua được vấn đề là độc quyền . Vấn đề độc quyền nó kềm hãm sự phát triển rất là nhiều. Ví dụ như là có hai người thì một người này coi một người nọ, người kia sẽ không dám lộng hành. Dĩ nhiên chỉ riêng một người thì người ta muốn lộng hành, muốn làm sao thì làm. Đó là một điều mà dầu muốn hay không muốn thì bạn Thanh cũng phải công nhận điều đó. Đó là độc quyền, độc đảng, là nó kềm hãm sự phát triển về kinh tế.
Trà Mi: Nam có ý kiến nào khác bổ sung thêm?
Nam: Mình có ý kiến bổ sung như vậy nè. Tức là ý kiến của Thanh cho rằng không hẳn là độc quyền hay là đa nguyên đa dảng thì nó ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, thì mình chỉ có thể nhìn một cách đơn giản như vầy nè. Mình có thể lấy ví dụ chính trị giống như như kinh tế thị trường đi. Khi anh mua một món sản phẩm do một công ty độc quyền bán ra, khách hàng "no choice", không có một sự lựa chọn nào. Anh phải mua cái sản phẩm đó thì cái công ty đó có thể bán với bất cứ giá nào và có dịch vụ rất kém mà khách hàng vẫn phải mua.
Khi mà có nhiều công ty cạnh tranh với nhau thì khách hàng là người được lợi nhất. Họ muốn có khách hàng thì họ phải nâng cao dịch vụ và làm tối ưu hoá sản phẩm và cách quản lý sao cho gía thành sản phẩm tốt nhất đem tới khách hàng. Thì tôi có thể so sánh một cách đơn giản là sự cạnh tranh về chính trị cũng vậy. Sự cạnh tranh lúc nào cũng mang lại cái lợi nhất cho dân chúng trong cái đất nước đó.
Trà Mi: Quang và Thanh các bạn có ý kiến phản biện nào không?
Thanh: Thanh có một chút quan điểm muốn chia sẻ với bạn Nam. Đó là cái vấn đề bạn đưa ra là cạnh tranh. Nói về cạnh tranh thì gần như là sự tranh nhau, tranh chấp nhau. Nếu mà một xã hội mà sự tranh chấp nhau giữa các đảng phái ...
Nam: Không. Sao bạn lại nghĩ là tranh chấp nhau? Không phải tranh chấp nhau. Cạnh tranh để đem lại những giải pháp và những kết quả tối ưu và tốt nhất cho khách hàng. Cạnh tranh về kinh tế cũng như cạnh tranh về chính trị lúc nào cũng đem lại cái lợi cho người dân.
Thanh: Mình xin tiếp ý kiến với bạn Nam như thế này, tức là mình không phản đối hoàn toàn cái việc bạn cho rằng việc cạnh tranh sẽ đem lại tốt đẹp. Mình thừa nhận điều đấy, nhưng mình nghĩ rằng cái ngưyên nhân chủ yếu và chủ chốt để cho Việt Nam chậm phát triển không hoàn toàn là việc đa nguyên đa đảng.
Ví dụ như là, theo nhận định tổng kết 20 năm đổi mới ở Việt Nam chẳng hạn, thì một số giáo sư nước ngoài đưa ra nhận định mỗi năm Việt Nam lãng phí khoảng 1 tỷ đôla, tức là vấn đề lãng phí về rất nhiều vấn đề, đấy chính là cách thức quản lý chứ không hoàn toàn là ...
Nam: Đảng anh muốn tồn tại thì anh phải tìm những giải pháp tối ưu và những cách quản lý tối ưu mang lại cái lợi cho dân chúng thì dân chúng bầu anh ra. Còn nếu anh đem những giải pháp xấu và anh dem lại sự nghèo khổ, nghèo đói, một sự không hiệu quả, kém phát triển thì nếu mà cạnh tranh lành mạnh thì liệu anh có đứng vững trong lòng người dân không?
Trà Mi: Trước khi các bạn đi sâu vào những luận điểm tranh cãi tiếp theo, Trà Mi muốn đặt lại vấn đề rõ ràng, với câu hỏi của Trà Mi là về mặt chính trị thì các bạn nhận xét mặt chính trị ở Việt Nam như thế nào. Mớí chỉ anh Hộ đưa ra nhận định rằng mặt chính trị Việt Nam cũng trì trệ, cũng kém phát triển. Thế còn ý kiến của các bạn còn lại thì sao?
Nam: Tôi có ý kiến như vầy. Thực ra chính trị nó chi phối toàn bộ cuộc sống của chúng ta từ kinh đến môi trường sống, điều kiện sống, an sinh xã hội, văn hoá giáo dục mọi thứ, nó chi phối tất cả. Thành ra mình khi phân tích những vấn đề thuộc về kinh tế, văn hoá, điều kiện sống, môi trường sống v.v.. thì nó nói lên bức tranh chính trị rồi. Không cần thiết phải nói à tại chính trị thế này thế kia ...
Trà Mi: Đây là ý của Kỳ Nam. Kỳ Nam cũng cùng một nhận định với anh Hộ, tức là chính trị Việt Nam cũng đang trì trệ, đang kém phát triển. Nhận xét của Thiên như thế nào về mặt bằng chính trị tại Việt Nam? Chậm phát triển hay phát triển?
Thiên: Xét ở một góc độ nào đó, sau khi chúng ta gia nhập vào công cuộc toàn cầu hoá, gia nhập vào khối ASEAN hay là WTO, các ký kết quốc tế, nghĩa là chúng ta phải tuân thủ luật quốc tế. Thế nhưng khi chúng ta gia nhập vào một cuộc chơi lớn nhưng mà cái nền chính trị của chúng ta vẫn chưa có thay đổi gì nhiều lắm. Nói thẳng, nền chính trị của chúng ta là một nền chính trị không phát triển.
Trà Mi: Đó là ý kiến của Thiên. Xin mời ý kiến của các bạn khác. Các bạn nhận xét như thế nào về mặt bằng, về tình trạng chính trị ở Việt Nam? Bạn Quang?
Quang: Vậy bạn Thiên đánh giá thế nào về sự phát triển nếu mà bạn thấy gia nhập vào ASEAN, rồi Việt Nam gia nhập WTO, rồi gần đây nhất Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Bạn thấy những điều đó là tốt không, là có lợi cho Việt Nam không?
Mình thì thấy là có. Và trước đây thì mình biết là Việt Nam coi khối ASEAN là kẻ thù và bây giờ chúng ta làm bạn, thì đó là một sự phát triển rồi. Việt Nam đang phát triển đấy chứ! Mình thấy là đang phát triển và đang phát triển rất là đúng hướng và rất là tốt. Thế sao bạn lại gọi là trì trệ, là kém phát triển nhỉ? Mình không hiểu ý bạn khi nói đó là trì trệ ở chố nào?
Thiên: Dạ. Xin trả lời. Khi mà chúng ta gia nhập ASEAN, đó là xu thế của đất nước chúng ta lúc đó bắt buộc chúng ta phải gia nhập ASEAN. Xu thế của chúng ta nó đang vào thời hội nhập, thành ra bắt buộc chúng ta phải gia nhập vào khối ASEAN và sau đó cũng vì cái xu thế, khi mà anh đã quyết định bước ra chơi cùng hội nhập cũng với thế giới thì không thể tự gò bó mình được. Việc gia nhập ASEAN, gia nhập WTO hay là thành viên không thường trực, đó là cái xu thế tất yếu rồi.
Giống như, để mình điển hình, bạn là nam chắc bạn cũng rành đá bóng, ví dụ như nước Mỹ họ có cách đá penalty riêng của họ, nhưng khi họ đi tham gia World Cup thì họ bắt buộc phải tuân thủ việc là phải đá với cái kiểu của FIFA đưa ra. Giống như việc chúng ta đã quyết định gia nhập với lại thế giới thì bắt buộc chúng ta phải tuân thủ những điều đó, nghĩa là chúng ta phải gia nhập ASEAN, gia nhập WTO. Còn việc chính trị phát triển hay không phát triển bạn nên nhìn vào thực tiễn Việt Nam thì bạn sẽ thấy điều đó.
Trà Mi: Cái thực tiễn đó là gì, xin mời Thiên phân tích thêm. Bạn nói là chậm phát triển, là trì trệ thì bạn có thể đưa ra những bằng chứng cụ thể nhất để bảo vệ luận điểm của bạn đưa ra.
Thiên: Vâng. Em nói cái này ra thì mọi người đều thấy rõ hết. Đó là trong cái việc mà xử Linh mục Nguyễn Văn Lý, ông bị bịt miệng ngay trước quan toà; xử Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, hãy nhìn cái cách mà toà xử đi. Hay là trấn áp những người đấu tranh cho dân chủ, rồi là người dân đi khiếu kiện gọi là dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở ngoài Hà Nội, hay là ở toà nhà quốc hội ở TP.HCM. Và bây giờ hiện tại đây người dân đang ở trước Nhà Thờ Đức Bà. Đó là một số điều mà chúng ta có thể nhìn vào, đó là nền chính trị không có phát triển.
Trà Mi: Vì sao bạn cho rằng những hình ảnh bạn đưa ra đó là những ví dụ cho một nền chính trị không phát triển? Ở một nền chính trị phát triển thì nó sẽ như thế nào?
Thiên: Ở một nền chính trị phát triển hơn người ta bắt buộc phải chấp nhận những ý kiến đối lập. Khi mà anh bắt những người có ý kiến đối lập với mình, không chấp nhận những luồng tư tửơng đối lập với mình đó là không phát triển trong đường lối chính trị. Bởi vì trong xã hội có người này người nọ, tục ngữ ta có câu "chín người mười ý". Việc anh cứ duy ý chí, giữ khư khư cái lập trường của mình, đó là điều không phát triển. Nói về đảng phái cũng vậy, (độc đảng) là điều đi ngược lại với luật phát triển xã hội.
Trà Mi: Vừa rồi các bạn đã đưa ra những nhận định khác nhau về bộ mặt chính trị của Việt Nam. Trong buổi gặp gỡ tuần tới chúng ta sẽ cùng nhau phân tích những nguyên nhân khiến nền chính trị Việt Nam vẫn còn chậm phát triển so với các quốc gia khác. Rất mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của quý vị thính giả và các bạn trẻ ở khắp nơi. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào sáng thứ tư tuần tới.
Quý vị và các bạn muốn tham gia, hoặc góp tiếng, với "Diễn đàn bạn trẻ", xin email về vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác gọi vào Mỹ, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Trà Mi thân ái kính chào.