Trong buổi phát thanh này, Việt Hà xin được tiếp tục gửi tới quý thính giả về những vấn đề liên quan đến việc thực thi công tác ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã.
Mặc dù pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các hành vi quảng cáo, buôn bán, tiêu dùng thú hoang dã, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm ý thức của người dân, tính hữu hiệu của luật pháp, và hiệu quả của việc thực thi pháp luật.
Ý thức người dân
Trước hết, ở Việt Nam thịt thú hoang dã được dùng trong các nhà hàng đặc sản để phục vụ những người có tiền. Anh Hoàng Mạnh Cường, một chủ trang trại nuôi thú quý hiếm tại thành phố Buôn Ma Thuột cho biết:
“Người nước ngoài rất có ý thức cái điều là có sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm. Nhưng thói quen của Việt Nam mình thì càng hoang dã thì họ càng thích dùng làm thực phẩm.”
Anh Cường cho biết ngay cả con chồn được anh nuôi để lấy café thì cũng được coi là đặc sản cho người Việt Nam. 1 ký chồn hơi được bán trên thị trường có giá từ 600,000 đến 700,000 đồng. Một con chồn trưởng thành nặng trung bình khoảng 4 kg.
Ở Việt Nam thì động vật hoang dã buôn bán có thể nói là 50% là ở trong nước, còn lại chủ yếu xuất sang Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Chị Nguyễn Vân Anh
Những sản phẩm từ thú hoang dã như sừng tê giác, mật gấu, ba ba được dùng làm thuốc cổ truyền. Trước kia Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc. Ngoài ra các sản phẩm từ thú quý hiếm còn được dùng làm đồ trang trí trong nhà. Giờ đây, khi kinh tế trong nước đã khá lên, người Việt Nam cũng tiêu dùng các sản phẩm này, thậm chí cả những người biết được rằng việc tiêu dùng đó là vi phạm pháp luật. Chị Nguyễn Vân Anh, điều phối viên động vật hoang dã, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam nói:
“Người ta buôn bán động vật hoang dã thì không chỉ những là làm món ăn đặc sản, mà còn làm thuốc cổ truyền, hoặc là vật trưng bày trang trí. Ở Việt Nam thì động vật hoang dã buôn bán có thể nói là 50% là ở trong nước, còn lại chủ yếu xuất sang Trung Quốc và các nước châu Á khác.”
Vi phạm có tổ chức
Về mặt thực thi luật pháp, Việt Nam cũng cho thấy nhiều bất cấp. Trong khi việc tiêu dùng các sản phẩm từ thú hoang dã là vi phạm pháp luật, thì các nhà hàng bán thịt thú rừng vẫn mọc lên ở khắp nơi. Loại hình du lịch trang trại gấu ở Quảng ninh vẫn tiếp tục ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài, đón tiếp hàng trăm khách du lịch người Hàn Quốc đến xem chọc hút mật gấu và bán mật gấu cho họ để mang ra ngoài Việt Nam. Cho đến giờ các trang trại này vẫn không bị đóng cửa, các con gấu không bị tịch thu và các chủ trang trại không bị truy tố. Chị Vân Anh cho biết thêm:
“Để mà nói là cái vấn đề ở Quảng ninh tồn tại lâu như thế mà tại sao không xử lý được thì phải nói là đây là một vấn đề phức tạp không thể giải quyết một sớm một chiều, nó đòi hỏi sự hợp tác của các cơ quan chức năng và của các nước ví dụ như Hàn Quốc và các nước châu Á khác chẳng hạn có khách du lịch đến Việt Nam mà thăm trang trại gấu trái phép ở Quảng Ninh. Để trả lời về gấu ở Quảng Ninh thì nó có liên quan đến pháp luật của Việt Nam có những lỗ hổng nhất định, thực trạng hiện nay các tour du lịch được tổ chức thế nào, nó vi phạm và là vi phạm có tổ chức và rất phức tạp, và nó không phải là vấn đề dễ xử lý.”
Vô tình tiếp tay
Trong khi đó, hồi giữa năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành một công văn nhằm hướng dẫn chính quyền cấp tỉnh xử lý các vụ liên quan đến gấu, hổ và các loại động vật hoang dã nguy cấp khác đang bị nuôi nhốt trái phép trên cả nước. Theo một số chuyên gia, thì công văn này có thể được hiểu là cơ quan chức năng đã bật đèn xanh cho việc hợp pháp hóa hành vi sở hữu, nuôi nhốt các loài động vật hoang dã tại Việt Nam, kể cả những loài được bảo vệ trong nhóm 1B, tức là cực kỳ nguy cấp, theo nghị định 32 của Bộ. Căn cứ vào công văn này, người săn bắt hổ trái phép có thể hiểu là nếu anh ta thành công trong việc săn bắt và vật chuyển những con thú đó về nhà thì hình phạt nặng nhất anh ta có thể phải chịu là mức phạt tiền 30 triệu đồng khung hình phạt hành chính cao nhất do pháp luật quy định. 30 triệu đồng là một cái giá quá hời cho một hoặc nhiều cá thể thú quý hiếm mà anh ta có được.
Để trả lời về gấu ở Quảng Ninh thì nó có liên quan đến pháp luật của Việt Nam có những lỗ hổng nhất định, thực trạng hiện nay các tour du lịch được tổ chức thế nào, nó vi phạm và là vi phạm có tổ chức và rất phức tạp, và nó không phải là vấn đề dễ xử lý.
Chị Nguyễn Vân Anh
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng cho thực hiện một số trường hợp bán đấu giá các loài động vật hoang dã nguy cấp tịch thu được. Việc này đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán trái phép các loài thú quý hiếm. Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, vô tình biến các cơ quan chức năng bán đấu giá thành người trung gian trong các đường dây buôn bán động vật hoang dã. Hậu quả là rất nhiều các đối tượng buôn bán sẽ mua lại các động vật được bán đấu giá và rồi xuất lậu qua biên giới sang Trung Quốc. Trong 2 năm qua, Việt Nam đã tịch thu và bán đấu giá 33 tấn tê tê. Câu hỏi đặt ra là những con tê tê đó giờ đã đi về đâu? Ở Việt Nam hiện chưa có bất cứ trang trại nào được cấp phép nuôi tê tê.
Trẻ em Việt Nam ngay từ khi còn ở trong trường học đã được dạy là nước ta có rừng vàng biển bạc. Nhưng với thực trạng săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã như hiện nay thì câu hỏi đặt ra là liệu còn bao lâu nữa điệp khúc rừng vàng biển bạc đó sẽ phải kết thúc. Vấn đề đặt ra là chính phủ cần phải có những chương trình giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân để họ không sở hữu, tiêu dùng các sản phẩm thú quý hiếm. Đồng thời chính phủ Việt Nam cũng cần phải có những thay đổi thích hợp trong việc thực thi luật pháp để việc bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam thực sự có hiệu quả.