Và cũng trong mùa khai trường này nhóm Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn trình làng bộ sách giáo khoa lớp 1 đã đặt ra nhiều câu hỏi và cả hy vọng về khả năng một ngày không xa Việt Nam sẽ xóa bỏ quy định một bộ sách trong luật Giáo dục. Tuy nhiên những ý kiến của người trong cuộc về vấn đề này xem chừng vẫn còn nhiều cách biệt.
Công nghệ giáo dục
Cho tới nay, thái độ chủ yếu của phụ huynh là muốn tìm hiểu để biết, để hiểu về phương pháp mới, và họ ủng hộ nhà trường hỗ trợ cho nhóm Cánh Buồm.
Bà Nguyễn Bích Hà
Vào cuối tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo có tên ‘Chào Lớp Một, nơi bộ sách giáo khoa lớp 1 của nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ trì được giới thiệu. Cách đó không lâu, sách tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho dạy thí điểm ở 10 trường tiểu học. Ngay lập tức sau đó, một số bài báo trong nước đã đề cập đến dấu hiệu cởi mở trong lĩnh vực sách giáo khoa của Bộ Giáo dục, điều mà xã hội và các nhà giáo dục trông đợi từ rất lâu, mặc dù vẫn còn những nghi ngại.
Dấu hiệu cởi mở đầu tiên mà báo chí đề cập tới được nhìn nhận qua hội nghị đánh giá sách tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục hồi cuối tháng 7 do Bộ Giáo dục chủ trì. Chính trong hội nghị này, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nói ‘Công nghệ giáo dục là tự ta làm ra, bằng nguồn lực của chính mình nên nó bền vững’. Đây được coi là lần nhìn nhận chính thức đầu tiên của Bộ giáo dục đối với Công nghệ giáo dục sau hàng chục năm thí điểm. Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cha đẻ của Công nghệ giáo dục sau đó cho rằng Công nghệ giáo dục coi như hoàn thiện và bắt đầu có giá trị thực tiễn. Ông nói:
“Coi như hoàn thiện, không có nghĩa là ý nghĩa khoa học của nó ít đi, bây giờ nó có giá trị thực tiễn hơn.”
Hơn thế nữa giáo sư Hồ Ngọc Đại còn lạc quan tin tưởng rằng bộ sách của ông rồi sẽ được dạy phổ biến rộng rãi sau năm 2015 cùng bộ sách giáo khoa duy nhất của Bộ Giáo dục bây giờ, mặc dù cho đến lúc này Bộ Giáo dục mới cho phép dạy thí điểm sách tiếng Việt 1 tại 10 trường.
Dấu hiệu cởi mở tiếp theo là sự kiện sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh quyết định viết sách giáo khoa ở một số bậc trung học cơ sở dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Thế nhưng việc ra mắt bộ sách giáo khoa lớp một gần đây nhất của nhóm Cánh Buồm mới thực sự là một bước tiến mạnh mẽ khiến người ta thực sự nghĩ đến nhiều hơn về khả năng Bộ Giáo dục sẽ phải cho phép tồn tại nhiều bộ sách giảng dạy trong các trường học của Việt Nam.
Bộ sách lớp 1 đã được biên soạn của nhóm Cánh Buồm gồm 6 cuốn là sách văn học, sách tiếng Việt, sách học lối sống, sách học tiếng Anh, sách tin học, và sách hướng dẫn tổ chức việc học. Nhóm cũng đang biên soạn sách khoa học công nghệ.
Từ đầu tháng 8 năm nay, nhóm Cánh Buồm đã thực hiện việc dạy đầu tiên các môn Lối sống, tiếng Việt, Văn, tiếng Anh và Khoa học tại trường Dân lập Nguyễn Văn Huyên ở Hà nội. Tuy nhiên, vì phải tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục về một bộ sách nên trường vẫn cho dạy sách của Bộ vào buổi sáng và dạy sách của nhóm Cánh Buồm vào buổi chiều.
Hiệu trưởng trường là bà Nguyễn Bích Hà cho biết chương trình của Bộ Giáo dục quy định cho học sinh hiện không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học và chơi của học sinh, nhu cầu phát triển trí tuệ và nhân cách ngày càng tăng của các em và phu huynh. Trong quá trình tìm tòi các phương pháp, chương trình giảng dạy cho các em học sinh trong trường, bà Nguyễn Bích Hà đánh giá cao phương pháp dạy học của Công nghệ giáo dục. Trong bức thư trả lời đài Á châu Tự do, bà viết "chúng tôi rất trân trọng tư duy và công nghệ giáo dục của Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại, được thực hiện ở trường Thực nghiệm và một số địa phương khác trong cả nước. Bản thân gia đình tôi có con cháu hai thế hệ học trường này và được thụ hưởng trực tiếp những thành quả vượt trội của nền giáo dục tiên tiến này".
Tiếp đó, bà Nguyễn Bích Hà giải thích nguyên nhân bà chọn bộ sách của nhóm Cánh Buồm cho trường như sau:
“Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là những tư duy và phương pháp nói trên cho dù đã được hệ thống hóa thành sách giáo khoa, chương trình và sách dùng cho giáo viên- cũng vẫn chưa được phổ biến một cách công khai để có thể tiếp cận được rộng rãi và liên tục. Chính vì vậy khi tìm thấy nhóm Cánh Buồm qua internet, chúng tôi nhận thấy bộ sách lúc đó họ đang soạn và tìm kiếm nơi xuất bản có khả năng là một bộ sách có hệ thống liên tục, và có thể tiếp cận được rộng rãi phổ biến. Đó chính là những lý do tại sao chúng tôi tìm đến nhóm Cánh Buồm.”
Tìm hiểu phương pháp mới
Khi được hỏi về suy nghĩ của phụ huynh học sinh về bộ sách này sau khi đã được dạy tại trường, bà Nguyễn Bích Hà cho biết trong bức thư như sau:
Nhưng có một vấn đề tôi phải nói thành thật là cái việc có một nhóm tác giả đưa ra một bộ sách như thế thì nó thể hiện một cách làm việc mới, cách suy nghĩ mới.
GS Nguyễn Minh Thuyết
“Nhiều phụ huynh rất muốn tìm hiểu thêm nên đã bố trí thời gian dự giờ… Cho tới nay, thái độ chủ yếu của phụ huynh là muốn tìm hiểu để biết, để hiểu về phương pháp mới, và họ ủng hộ nhà trường hỗ trợ cho nhóm Cánh Buồm triển khai triển khai phương pháp mới.”
Nhà trường cũng dự định sẽ triển khai chương trình ở cả hai lớp 1 của nhà trường, và cam kết tạo điều kiện để nhóm Cánh Buồm thực nghiệm bộ sách trên tất cả các khối lớp khi nhóm sẵn sàng.
Theo báo Tuổi trẻ, cho đến lúc này Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện vẫn chưa có ý kiến chính thức về bộ sách này.
Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của quốc hội thì lại có ý kiến khá dè dặt về vấn đề này:
“Tôi cho rằng là nếu theo quy định của luật hiện nay thì cái đó không đúng luật nhưng đứng về phía bộ giáo dục và đào tạo nên cho thẩm định các bộ sách như vậy và nếu thấy chấp nhận được thì có thể đưa vào dạy thử nghiệm ở phạm vi mở rộng dần, rồi sau đó sẽ quyết định sẽ sử dụng bộ sách đó như thế nào.”
Ông Thuyết nói ông ủng hộ việc cho phép có nhiều bộ sách thay vì quy định một bộ sách giáo khoa duy nhất như hiện nay nhưng ông cũng đưa ra những khó khăn khi thay đổi quy định này như vấn đề chi phí mà phụ huynh học sinh phải bỏ ra hay các tiêu cực ở các trường trong việc lựa chọn sách giảng dạy. Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về sự thành công của các bộ sách mới được trình làng:
"Tôi luôn mong muốn có nhiều bộ sách và khi có sự đua tranh như thế thì chất lượng sách sẽ tốt hơn. Nhưng có một vấn đề tôi phải nói thành thật là cái việc có một nhóm tác giả đưa ra một bộ sách như thế thì nó thể hiện một cách làm việc mới, cách suy nghĩ mới. Nhưng bản thân bộ sách ấy thì tôi phải nói là tư tưởng làm bộ sách ấy đã có từ cách đây mấy chục năm và người ta đã thí điểm cách đây mấy chục năm rồi mà không thành công."
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng, vấn đề sách giáo khoa ở Việt Nam là vấn đề nhức nhối lâu nay. Ông tự tin vào bộ sách của mình.
Nếu như bộ sách của tôi trong 5 năm nữa người ta chấp nhận đưa vào từng gia đình thì tôi chả cần bộ máy quyền lực nào chấp nhận cả.
Nhà giáo Phạm Toàn
“Sứ mệnh của tôi là đưa ra một cái mẫu để đỡ thảo luận. Người ta thảo luận mãi rồi, nói mà không ai nghe, nghe mà không hiểu, hiểu mà không sửa được. thế thì tôi đưa ra cái mẫu, thể hiện quan điểm, lý thuyết, hệ thống, hướng đi, cách làm, nó cụ thể hóa. Anh nào thấy nó kém thì chữa đi, anh nào muốn hơn thì hơn đi... tôi không cần hơn ai cả.”
Ông cũng không tin là bộ Giáo dục sẽ cho phép giảng dạy đại trà bộ sách của mình trừ khi Bộ đã nhận được những bài học cay đắng khi thất bại hoàn toàn. Ông cho biết cách làm của mình là sẽ đưa sách ra xã hội, và thậm chí lên internet nếu trong trường hợp tiêu cực sách bị cấm hoàn toàn:
“Nếu như bộ sách của tôi trong 5 năm nữa người ta chấp nhận đưa vào từng gia đình thì tôi chả cần bộ máy quyền lực nào chấp nhận cả. Cách làm của tôi là cứ đưa cho người ta dùng. Bây giờ chỉ có cách là người ta cấm thôi. Cấm tôi thì tôi đưa lên mạng. Anh nào chép thì chép.”
Quay lại với trường Nguyễn Văn Huyên, nơi bộ sách của nhóm Cánh Buồm đang được sử dụng. Hiệu trưởng Nguyễn Bích Hà cho biết đến giờ sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chưa có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc này. Nếu trong trường hợp bộ sách bị cấm thì nhà trường bắt buộc phải tuân thủ theo luật. Tuy nhiên bà Hà cho rằng khả năng cực đoan đó ít xảy ra, và hy vọng nó không xảy ra, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Bà đặt câu hỏi mà cũng như một câu trả lời ‘không lẽ gì lại cấm một nỗ lực tích cực nhằm cải thiện phương pháp và đa dạng hóa nguồn lực trong giáo dục đang được xã hội quan tâm ủng hộ’.
Theo dòng thời sự:
- Có nên cho phép tư nhân xuất bản sách giáo khoa?
- Nạn tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục VN
- Sự thật của việc dạy thêm, học thêm của cấp tiểu học
- Vấn đề giáo dục dưới mắt sinh viên Việt Nam
- Nhà giáo, nghề giáo trong xã hội ngày nay
- Giáo dục Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?
- Học sinh được dạy CNTT trong năm học mới