Trường Văn, phóng viên đài RFA
Trong việc phòng chống tham nhũng cũng như truy diệt các tội phạm hình sự, việc bảo vệ các nhân chứng là một điều các cơ quan chức năng thuộc ngành công an, cảnh sát phải tích cực thi hành. Nếu không, không ai dám tố cáo nhất là các tội phạm hình sự như cướp của, giết người, các băng đảng ma túy.
Những băng đảng này không ngần ngại xử dụng vũ lực kể cả giết người để diệt khẩu. Còn trong các cấp chính quyền, hiện tượng trù dập những người tố cáo các hành vi nhũng lạm không phải là một điều hiếm thấy.
Đe doạ, hành hung
Sau những vụ án như Năm Cam, Đồi Hoa mai với Hai Chi.., sự dính líu của các cán bộ nhà nước từ trung ương đến địa phương vào các tổ chức xã hội đen này khiến người dân e dè trong việc tố cáo các hành vi phạm pháp của các băng đảng tội phạm.
Đe dọa, hành hung, sát thương là những thủ đọan mà các giới anh chị, giang hồ thường dùng để bịt miệng nhân chứng. Nếu được sự che chở, bảo kê của công an, cảnh sát thì là một tai họa lớn cho người dân lương thiện.
Đối với các tội phạm xảy ra trong phạm vi các cơ quan nhà nước như tham nhũng, hối lộ, xà xẻo đất công ..tình trạng trù dập nhân chứng, những người tố cáo cũng là chuyện thường ngày ở huyện.
Tuy nhân chứng đựợc luật phòng chống tham nhũng bảo vệ và khuyến khích nhưng trong thực tế công tác này làm chưa được tốt.
Áp lực nặng nề của bọn tội phạm, của các viên chức nhà nước tha hóa lên nhân chứng đã làm nhụt chí khí những người dũng cảm dám đứng lên đấu tranh chống tiêu cực.
Vì thế, để có thể lành mạnh hóa xã hội, làm trong sạch cơ quan công quyền và nhất là thực thi đúng đắn luật phòng chống tham nhũng trong giai đọan hội nhập hiện tại, các cơ quan chức năng trong ngành công an, cảnh sát, viện kiểm sát nhân dân cần phải có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nhân chứng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu thuộc Đòan Luật sư thành phố Hồ Chí Minh tỏ ý tin tưởng là hiện nay việc bảo vệ nhân chứng được thi hành nghiêm chỉnh: "Nhân chứng được luật bảo vệ. Những trường hợp nhân chứng bị trả thù, trù dập chỉ là những trường hợp cá biệt."
Người dân e dè
Tuy nhiên một nhà giáo thì tỏ vẻ dè dặt hơn: "Tuy nhân chứng đựợc luật phòng chống tham nhũng bảo vệ và khuyến khích nhưng trong thực tế công tác này làm chưa được tốt."
Đối với các địa phương vấn đề bảo vệ nhân chứng không dễ dàng. Người dân thường nói và hiện nay một số địa phương vẫn còn áp dụng là “phép vua thua lệ làng” hoặc là xa mặt trời thì đỡ nóng hơn.
Vì thế cho nên tại một số tỉnh, thành phố người dân còn phải chịu đựng một số những áp bức như lời phát biệu sau đây của một cư dân tại Vũng Tàu-Bà Rịa: "Địa phương, trung ương bao che cho nhau nên người dân sợ không dám tố cáo."
Một người dân tại một huyện miền núi thuộc tỉnh Lâm Đồng cũng phát biểu tương tự: "Cán bộ vi phạm không sao còn người dân vi phạm thì bị bịt mồm, bị truy tố."
Từ xưa tới nay trong dân gian vẫn có câu “người dân thấp cổ bé miệng” do đó nếu không được bảo vệ, khuyến khích thì khó có thể thu thập ý kiến của người dân để phòng chống tội phạm một cách hữu hiệu được.