Vợ chồng cãi nhau: Hậu quả và ảnh hưởng

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Những ngày Tết đã qua, ai ai cũng bắt đầu trở lại với sinh hoạt bình thường mọi ngày. Nhìn lại những ngày qua, để chuẩn bị cho cái Tết, chắc hẳn với bao nỗi lo toan, bức xúc, có lúc chúng ta không thể nào tránh được những đụng chạm với những người chung quanh... để rồi đi đến chỗ cãi vã nhau chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt.

0:00 / 0:00
CoupleYouth150.jpg
Cặp vợ chồng tình tự trên bờ hồ ở Hà Nội. AFP PHOTO

Và, vì những xích mích ấy, khiến cho không khí trong gia đình trở nên nặng nề, ảnh hưởng không ít đến tâm lý con cái, nhất là trong những ngày đầu năm. Trong chương trình hôm nay, Phương Anh xin dành để đề cập đến vấn đề vợ chồng cãi nhau trong gia đình cùng với hậu quả và ảnh hưởng của nó.

“Cái chén trong chạn còn khua”

Ông bà ta có câu “cái chén trong chạn còn khua” nữa huống hồ là chuyện vợ chồng cãi nhau. Chẳng biết câu này có áp dụng vào đời sống của các gia đình được hay không vì chuyện bất đồng ý kiến giữa hai vợ chồng thì chắc chắn luôn luôn có. Chả thế mà có người còn cho rằng “Thương nhau lắm, cắn nhau đau”.

Có những cặp vợ chồng cãi nhau xong rồi thì cảm thấy yêu nhau hơn, nhưng cũng cũng có những người cãi nhau xong thì mạnh ai nấy đi. Biết vậy, nhưng ai ai cũng không thể nào tránh khỏi.

Chị Thống, cư ngụ ở bang Maryland tâm sự: "Trong gia đình nào cũng đôi lúc cãi nhau chứ làm sao mà tránh được… Vợ chồng sống với nhau đâu phải là thánh nhân, những khi cãi nhau thì rất là buồn, nhưng mà cũng phải nhịn thôi, nhưng giận nhau chỉ một ngày thôi."

Còn chị Ngọc Châu, ở Sacramento thì bày tỏ ý kiến của mình: "Theo em, chuyện cãi nhau thì thường thôi, đâu có gì…nhiều lúc xung đột rồi cãi thôi. Có những lúc cãi nhau như thế, mình mới hiểu được người kia, mình hiểu thêm được chút nữa cái tính lộ ra trong lúc cãi …Nhưng theo em trong cuộc sống vợ chồng mà cãi vã, thì con cái sẽ bị ảnh hưởng, nó ghi nhớ những lời mình nói thì không tốt lắm…"

Vợ chồng thì cũng có lúc nên cãi nhau vì không cãi nhau thì không vui cho mấy. Cãi nhau thì tốt vì sau đó vợ chồng hiểu nhau hơn, nhưng cãi nhau xong thì phải bỏ qua…Khi có con thì còn cãi nhau nhiều hơn. Tại vì cách dậy con, chồng một ý, vợ một ý…Khi có con rồi thì đừng cãi nhau trước mặt con, nổi sùng lên thì cố gắng nhịn đi, xong rồi đi ra chỗ khác, không có mặt nó, để ngồi nói chuyện với nhau…

Tốt hay xấu?

Chị Lê thị Nhiệm, ở Sàigòn, thì cho rằng: "Tốt nhất là đừng cãi nhau. Tranh luận thì nên, nhưng cãi nhau thì không nên… Nhưng nếu cùng lắm thì cũng phải cãi, nhưng cãi nhau xong thì huề, không có vấn đề gì hết. Theo em, cãi nhau thì không ai chịu ai, có khi còn đập chén, đập tô…

Còn tranh luận thì nói tới một giai đoạn nào đó thì ngưng đi, nếu hai người không thống nhất thì mỗi người giữ riêng một quan điểm cho mình. Cãi nhau xong thì vẫn phải tôn trọng nhau, đừng để nó xấu đi…”

Chị Trang, hiện đang làm việc cho một cửa tiệm bán đồ điện tử ở miền Nam California thì lại cho rằng, đôi lúc, trong cuộc sống vợ chồng, cũng nên cãi nhau một tí cho vui cửa vui nhà, chị nói:

“Vợ chồng thì cũng có lúc nên cãi nhau vì không cãi nhau thì không vui cho mấy. Cãi nhau thì tốt vì sau đó vợ chồng hiểu nhau hơn, nhưng cãi nhau xong thì phải bỏ qua…Khi có con thì còn cãi nhau nhiều hơn. Tại vì cách dậy con, chồng một ý, vợ một ý…Khi có con rồi thì đừng cãi nhau trước mặt con, nổi sùng lên thì cố gắng nhịn đi, xong rồi đi ra chỗ khác, không có mặt nó, để ngồi nói chuyện với nhau…”

Anh Thành, ở Ngã Ba Cát Lái, Sàigòn cũng đồng quan điểm, nhưng theo anh, nếu vợ chồng không còn tình yêu nữa thì thật là nguy hiểm:

“Trong cuộc sống không phải là ai cũng tốt hết, ai cũng có cái lầm lỗi, và dĩ nhiên, hai người yêu thương nhau, cãi nhau thì không là gì hết, đó chỉ là một cái gia vị trong tình yêu thôi, chứ không thể nào tạo ra ngăn cách … Còn nếu mà sống với nhau một thời gian, không còn thương nhau, mà cãi nhau, thì đó là một sự nguy hiểm, đó là một mối đe dọa…vì hai người cứ cãi nhau hoài thì sẽ có sự rạn nứt và tan rã…

Theo kinh nghiệm của tôi, có những lúc tôi cảm thấy làm như không còn gì hàn gắn, nhưng lúc mình nguôi ngoai, thì thấy vẫn có thể chấp nhận được, vì trong đời sống có những điều làm cho người ta phải ràng buộc, tình yêu thì hết, nhưng nó vẫn còn tình nghĩa…”

Ai sẽ làm hòa trước?

Theo kinh nghiệm làm việc và học hỏi thì Tuấn có thể nói vợ chồng đừng nên ngại nói lời xin lỗi hay nói lời cám ơn, khi có vấn đề xảy ra. Các ông chồng Việt Nam nhiều khi ngại, không biết phải nói như thế nào khi nói cám ơn vợ mình, hoặc là xin lỗi vợ mình. Điều quan trọng nữa là phải điều khiển cái âm thanh, tiếng nói của mình, khi thảo luận một vấn đề.

Thông thường, khi cãi nhau xong, vợ chồng nào cũng đều cảm thấy không khí nặng nề, và dĩ nhiên, ai cũng muốn xóa đi điều ấy. Thế ai sẽ làm hòa trước đây? Theo kinh nghiệm của chị Thống cho hay:

“Mỗi lần cãi nhau như vậy thì mình phải làm hoà trước ông xã mình…Vì mình cứ nghĩ là có con cái rồi, thôi nhịn cho rồi, mấy ông thì ít có nhịn lắm…Đàn bà Việt Nam mình thì lúc nào cũng phải chịu đựng.”

Còn anh Lê Hà, đang sinh sống tại Long Thành, Đồng Nai thì nói về bản thân mình: "Tôi ít cãi lắm, tôi chỉ nói một hai câu rồi tôi im…nói là giận nhau thì đúng hơn chứ không phải là cãi…

Thường thường, tôi làm hoà trước, vì tôi là người hay gây ra lỗi trước, vì phụ nữ thì đảm đang và nghiêm túc hơn… mình đi ra ngoài, đi trễ về sớm, hành vi của mình nhiều khi không được nề nếp…Công lý nằm ở lẽ phải, nên cô ấy đúng thì mình phải xuống nước chứ sao.. “

Thưa quí vị, với việc làm hòa, nói thì dễ, chứ làm thật khó. Trường hợp của vợ chồng chị Phương Nga, ở bang Virginia, đã có lúc tưởng chừng như phải chia tay, nhưng với sự nhịn nhục và tự thay đổi chính mình, chị đã làm cho gia đình trở nên hạnh phúc hơn.

Chị tâm sự: "Vợ chồng nói qua nói lại, nhiều khi không hợp ý, khắc khẩu, mà không nhịn nhau thì rất là dễ gây lộn. Ngày xưa em với chồng em gây lộn dữ lắm, nói chuyện gì không hợp ý là một hồi cãi lộn…

Kinh nghiệm của em là gây lộn riết rồi cũng mệt, rồi mình thấy cái chuyện gì không đáng, thì mình bỏ qua, hay sửa đổi. Mình cứ nói người chồng mình sửa đổi, mà chồng mình không sửa được thì mình sửa…mình ráng đừng giận nữa. Hồi xưa thì gây lộn hàng tuần, bây giờ thì hết rồi…”

Tranh luận

Theo lời anh Nguyễn Hữu Minh Tuấn, một chuyên gia về tâm lý, hiện đang làm việc ở Santa Clara, California, thì nguyên nhân gây ra việc vợ chồng cãi nhau là vì con cái, tiền bạc và do việc cư xử với gia đình bên nội, bên ngoại. Anh cho rằng khi cãi nhau mà anh gọi là “tranh luận” xong, thì một trong hai phải biết làm hòa, anh nói:

Nếu một trong hai người im lặng quá, không chịu nói cho người kia biết ý muốn của mình và lâu ngày rồi, người phía bên kia cảm thấy là chỉ khi nào chọc tức hoặc là nói nặng thì mới có sự phản ứng của phía bên này… Và sự chọc tức này là khởi đầu cho sự đối thoại, nhưng rất tiếc, cách này không phải là cách hay.

“Theo kinh nghiệm làm việc và học hỏi thì Tuấn có thể nói vợ chồng đừng nên ngại nói lời xin lỗi hay nói lời cám ơn, khi có vấn đề xảy ra. Các ông chồng Việt Nam nhiều khi ngại, không biết phải nói như thế nào khi nói cám ơn vợ mình, hoặc là xin lỗi vợ mình. Điều quan trọng nữa là phải điều khiển cái âm thanh, tiếng nói của mình, khi thảo luận một vấn đề.

Xin phép không dùng chữ cãi nhau mà dùng chữ tranh luận. Sau cuộc tranh luận nên giải quyết ngay, nếu cần thêm thời gian, cũng có thể dừng lại đó để tranh luận vào dịp khác thì nó sẽ tốt hơn cho hai người.”

Một câu hỏi khác được đặt ra rằng: ai sẽ là người nên “xuống nước” trước. Anh Tuấn cho ý kiến:

“Theo kinh nghiệm làm việc, theo văn hóa Việt Nam thì thường người vợ là người xuống nước trước, và những gia đình đó thì hạnh phúc và sống tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở thời đại này thì cả vợ và chồng đều nên “xuống nước” trước để mà giải quyết vấn đề thay vì giận nhau mà kéo dài hơn nửa ngày hay một ngày thì không nên.”

Không nên giữ im lặng

Với bác sĩ tâm lý Lê Phương Thúy, đã hành nghề ở San Jose, bang California từ năm 1990 đến nay, thì chuyện cãi nhau phải tùy theo từng hoàn cảnh, và từng trường hợp. Bà nói:

“Nếu bày tỏ những sự khác biệt, những sự bất mãn, bất đồng ý kiến để rồi đưa đến sự thông cảm và hiểu nhau thì đó là một điều quá tốy đẹp…Mình ngồi lại, không lớn tiếng, không dùng những lời lẽ vô lễ hay nặng nề để chửi rủa nhau, thì điều đó rất tốt đẹp và đưa đến cái hạnh phúc lứa đôi…

Nhưng cãi nhau mà đưa tới việc bạo hành dưới hình thức dùng những lời nặng nề chửi rủa nhau thì chắc chắn, sự cãi vã đó sẽ không thể nào đưa đến sự xây dựng gia đình tốt đẹp được.”

Với kinh nghiệm làm việc trong nhiều năm, bà cũng cho biết thêm về trường hợp người chồng hay người vợ chỉ biết im lặng khi bất bình để rồi dẫn đến hậu quả không hay:

“Nếu một trong hai người im lặng quá, không chịu nói cho người kia biết ý muốn của mình và lâu ngày rồi, người phía bên kia cảm thấy là chỉ khi nào chọc tức hoặc là nói nặng thì mới có sự phản ứng của phía bên này… Và sự chọc tức này là khởi đầu cho sự đối thoại, nhưng rất tiếc, cách này không phải là cách hay.

Có nhiều gia đình như vậy lắm, người này hỏi, người kia không chịu nói, cứ giữ âm ỉ trong lòng cho đến một ngày kia bùng nổ, và khi bùng nổ như vậy, chắc chắn sẽ dùng những lời lẽ nặng nề và những phương tiện thô bạo chứ không phải là bình tĩnh, điềm đạm để mà chia xẻ với nhau.

Cho dù bất cứ trường hợp nào đi nữa, ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ, nếu cãi nhau mà đi đến chuyện bạo hành, được hiểu theo nghĩa rộng, tức là đánh đập, chửi rủa thô tục, áp đảo, cấm đoán…đều là những điều không tốt và rất có hại cho hạnh phúc.”

Làm sao tránh cãi vả

Thưa quí vị, để kết thúc chương trình kỳ này, Phương Anh hỏi bác sĩ Lê Phương Thúy rằng: vậy trong cuộc sống vợ chồng, làm sao chúng ta có thể tránh được chuyện cãi nhau để giữ mái ấm gia đình? Bà cho ý kiến:

“Nếu cãi nhau mà theo kiểu chất vấn, đặt vấn đề.. thì tôi nghĩ là điều này nên làm mỗi ngày. Thí dụ, người bạn đường của mình làm điều gì cho mình bực mình, thì mình nên nói ngay…

Mỗi ngày, nếu ấm ức những gì thì phải nói cho hết, nhưng nói như thế nào là cả một nghệ thuật, nói làm sao để có tình thương, chứ không phải nói để làm cho nhau mất mặt hay đau lòng..thì điều đó không tốt!”

Quí vị vừa theo dõi Trang Phụ Nữ với đề tài vợ chồng cãi nhau. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.