Tình hình phát triển của phụ nữ trên thế giới hiện nay

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Ngày Phụ Nữ Quốc Tế một lần nữa lại đến. Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, được khởi xướng từ nhiều thập niên qua, nói gì về tình hình phát triển của phụ nữ trên thế giới hiện nay, và Việt Nam đã đạt tiến bộ nào trong công cuộc cải thiện đời sống của nữ giới ? Nhã Trân tổng hợp các thông tin và trình bày.

WomenDayProtest150.jpg
Một phụ nữ tham gia cuộc biểu tình chống cuộc chiến Iraq ở Washington, DC, hôm 8-3-2006. AFP PHOTO

Hàng năm vào ngày 8 tháng 3, nhiều nước trên mọi châu lục tổ chức chào mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Ngày Quốc tế Phụ Nữ đầu tiên diễn ra vào hôm 28 tháng 2, 1909 tại Mỹ. Theo thời gian, một ngày khác được chọn để toàn cầu vinh danh nữ giới, và từ gần 100 năm nay, mùng 8 tháng 3 chính thức trở thành ngày dành cho phụ nữ hoàn vũ.

Ngày Quốc tế Phụ nữ hiện là một trong các ngày lễ chính tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khởi thuỷ với tính cách chính trị, ngày này dần dà hoà nhập vào văn hoá của nhiều nước và đến giờ hầu như thuần tuý mang ý nghĩa xã hội.

Các quốc gia hưởng ứng thường dùng ngày 8 tháng 3 để vinh danh những thành quả về xã hội, chính trị hoặc kinh tế mà phụ nữ đã đạt được, đồng thời tổng kết lại tình hình phát triển của nữ giới trong nhiều địa hạt.

Ở một vài nước, các đoàn thể phụ nữ, các tổ chức nhân quyền… thường tổ chức một số hoạt động đặc biệt, như lễ hội, diễu hành kêu gọi bình đẳng giới, xoá bỏ kỳ thị, chấm dứt bạo động đối với phụ nữ v.v.

Tham gia vào nhiều lãnh vực

Chương trình Phát triển LHQ, tức UNDP, chú trọng đến các vấn đề về bình đẳng giới, về phụ nữ, về các chương trình phát triển cho nữ giới. Các cơ chế khác của LHQ cũng thực hiện cùng một công tác, trong lãnh vực trách nhiệm của họ, là giúp thúc đẩy sự phát triển của nữ giới trong xã hội.

Một trong các tổ chức quốc tế có các chương trình hỗ trợ phụ nữ là Liên Hiệp Quốc. Từ nhiều thập niên qua, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc không ngừng yểm trợ phụ nữ toàn cầu, thúc đẩy chính phủ các nước thực hiện công tác cải thiện địa vị cũng như đời sống của nữ giới. Bà Rachel Mayanja, Cố vấn đặc biệt của LHQ về các vấn đề giới và thăng tiến phụ nữ, trình bày: "Chương trình Phát triển LHQ, tức UNDP, chú trọng đến các vấn đề về bình đẳng giới, về phụ nữ, về các chương trình phát triển cho nữ giới. Các cơ chế khác của LHQ cũng thực hiện cùng một công tác, trong lãnh vực trách nhiệm của họ, là giúp thúc đẩy sự phát triển của nữ giới trong xã hội. Như vậy không phải chỉ có một cơ chế quan tâm đến các vấn đề của phụ nữ, mà mọi cơ chế LHQ đều có chung mục đích này.

Chúng tôi cũng có tổ chức UNIFEM, tức Quĩ Phát triển Phụ nữ, một định chế được lập ra nhằm hỗ trợ các tổ chức phụ nữ tại các nước trong việc đề xướng, khuyến khích bình đẳng giới, khuyến khích vai trò của phụ nữ trong phát triển của quốc gia, trong việc kiến tạo hoà bình”.

Trong các thập niên gần đây, mức tham gia của phụ nữ vào nhiều lãnh vực tiếp tục gia tăng. Từ giáo dục, kinh tế đến các hoạt động xã hội, chính trị… tỉ lệ phụ nữ ngày càng lên tuy nói chung là với mức độ vừa phải.

Hiện nay nữ giới có mặt trong hầu hết các địa hạt mà chỉ trong khoảng vài chục năm trước được xem là độc quyền của nam giới. Đặc biệt trong giáo dục và chính trị, lượng phụ nữ tham gia tăng nhiều nhất. Hiện tượng phụ nữ góp mặt trong lãnh vực chính trị ngày càng nhiều được chú ý hơn hết vì điều này được xem là có khả năng tạo thay đổi cục diện tương lai của thế giới vào một thời điểm nào đó.

Theo phúc trình của Liên minh Nghị viện Thế giới, gọi tắt là IPU, số nữ đại biểu quốc hội toàn cầu hiện đạt 17%, tuy vẫn là một con số khiêm nhường so với nam giới nhưng đã tăng hơn 1 phần 10 so với chỉ hơn một thập niên trước. Điểm đáng lưu ý là số phụ nữ trong các vai trò lãnh đạo quan trọng như thủ tướng, chủ tịch nghị viện… tăng đều từ Âu sang Á.

Phẩm chất đời sống

Tuy nhiên, phẩm chất đời sống của phụ nữ được xem là chưa thay đổi nhiều, đồng thời không đồng bộ tại mọi châu lục. Nói một cách tổng quát về những thành quả mà các nước hưởng ứng Chương trình Phát triển Phụ nữ đã đạt được tính đến nay, bà Rachel Mayanja cho biết:

Một trong tám Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ, mục tiêu thứ ba, có đích nhắm là giới hạn sự kỳ thị đối với phụ nữ, thâu hẹp cách biệt về giáo dục, về giới tính vào năm 2005. Mục tiêu này đã không được thành công ở tất cả các nước. Có những quốc gia đạt được một vài tiến bộ và đang trên đường tới đích, trong khi nhiều xứ khác bị bỏ phía sau

“Một trong tám Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ, mục tiêu thứ ba, có đích nhắm là giới hạn sự kỳ thị đối với phụ nữ, thâu hẹp cách biệt về giáo dục, về giới tính vào năm 2005. Mục tiêu này đã không được thành công ở tất cả các nước. Có những quốc gia đạt được một vài tiến bộ và đang trên đường tới đích, trong khi nhiều xứ khác bị bỏ phía sau”.

Việt Nam xưa nay vẫn hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ cùng với cộng đồng thế giới. Đối với Việt Nam, ngày này còn có ý nghĩa đặc biệt vì cũng là ngày khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai bậc anh thư cân quắc của đất nước, từ hơn ngàn năm nay.

Tán đồng đề xướng của LHQ, là cải thiện địa vị và đời sống của phụ nữ, Việt Nam đã ký kết Công ước về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ. Theo trình bày của bà Hà Thị Khiết, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Thăng Tiến Phụ nữ (NCFAW), trước Ủy ban Loại trừ sự Kỳ thị đối với Phụ nữ vào cuối tháng 1 năm nay, Việt Nam đã đạt được một số thành quả trong công cuộc cải thiện đời sống cho người phụ nữ.

Báo cáo cho hay vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội có được cải thiện, khoảng cách giới tính trong hầu hết các lãnh vực đã được thu hẹp, số phụ nữ được tiếp cận các phục vụ y tế, sức khỏe cũng gia tăng, quĩ hỗ trợ giáo dục được nâng, và một ngân quĩ hơn 2 triệu đô la cho sẽ được dành cho công tác xóa đói giảm nghèo cho nữ giới.

Cũng theo cùng phúc trình, Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu nâng cao phẩm chất cuộc sống của nữ giới và sẽ chính thức ban hành Luật mới về Bình đẳng giới vào tháng 7 năm nay.