Nữ quyền ở Ấn độ tăng tiến nhanh hơn tại Trung Quốc

0:00 / 0:00

Việt Long, phóng viên đài RFA

Phụ nữ làm việc ở các địa phương tại Ấn độ nay đã có thể tham dự thêm nữa vào những sinh hoạt chính trị trong nước, đồng thời giúp đỡ thêm được cho cộng đồng phụ nữ. Tuy nhiên tình hình trong xã hội trọng nam khinh nữ tại Trung Quốc không được khả quan như thế.

WomenIndia150.jpg
AFP PHOTO

Hai phụ nữ nắm giữ vai trò quan trọng trong chính trường và hoạt động cho phong trào nữ quyền ở hai quốc gia này nói chuyện về điều đó tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ hôm thứ ba 13 tháng này. Việt Long tường trình lại phóng sự của Richard Finney, phóng viên Đài Á Châu Tự Do, như sau.

Buổi hội thảo diễn ra tại trụ sở tại Washington của Tổ chức quốc tế cổ động cho nữ quyền mang tên Vital Voices, do tổ chức này cùng bảo trợ với Quỹ quốc gia cho dân chủ của Hoa Kỳ. Hai diễn giả chính là Tổng thư ký đảng Quốc Đại của Ấn độ, bà Margaret Alva, và nhà hoạt động cho quyền phụ nữ ở Trung Quốc, bà Tiết Lê Hoa.

Quyền bình đẳng giới

Bà Margaret Alva cho rằng nhờ có thêm sự tham gia của phụ nữ, cơ cấu xã hội và kinh tế của cuộc sống ở nông thôn Ấn độ bắt đầu thay đổi. Bà nói:

“Ngày nay phụ nữ Ấn độ được coi là có khả năng hơn, không phải chỉ biết xách nước và đem thực phẩm nuôi súc vật. Phụ nữ đang tham gia hoạt động chính trị nhiều hơn, bắt đầu tạo thay đổi.”

Ngày nay phụ nữ Ấn độ được coi là có khả năng hơn, không phải chỉ biết xách nước và đem thực phẩm nuôi súc vật. Phụ nữ đang tham gia hoạt động chính trị nhiều hơn, bắt đầu tạo thay đổi.

Bà Alva nhấn mạnh, Ấn độ đã là một quốc gia dân chủ từ năm 1949, và hiến pháp xác định quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên trong gần suốt 50 năm qua, phụ nữ không được coi là có quyền quyết định ngay cả trong những vấn đề ở địa phương.

Bà Alva cho biết hồi năm 1989 bà được Thủ tướng Ấn độ Rajib Gandhi chỉ định lãnh đạo một tổ chức nhằm vạch đường cho phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị. Tổ chức này đề nghị dành cho phụ nữ 33 phần trăm số chức vụ chính trị ở làng, huyện, ở các hội đồng quốc gia, cũng như trong Quốc hội. Bà nói:

“Tổ chức đã lên tiếng rằng phải cho phụ nữ cơ hội tham gia chính trị, qua một quy chế gọi là dành chỗ đứng cho họ, ít nhất cũng là quy chế tạm thời. Nếu không, họ không thể nào cạnh tranh và phá đổ được những cản trở của một kiến trúc chính trị xã hội vẫn dành cho đàn ông và do đàn ông thống trị.”

Chẳng may, những dự luật liên quan đến mục tiêu đó đã gặp thất bại ở Quốc hội. Nhưng khi đảng Quốc Đại của Thủ tướng Rajib Gandhi quay lại chính trường sau vụ ông bị ám sát hụt, những dự luật đó lại được hồi sinh trước thềm Quốc hội. Lần này thì dự luật được thông qua, nhưng chỉ được áp dụng ở cấp địa phương, không được đưa vào tầm cỡ quốc gia.

Không ngừng đấu tranh để thay đổi

Thế nhưng đến ngày nay thì phụ nữ Ấn đã vượt quá giới hạn 33% dành cho họ theo luật định. Tổng thư ký đảng Quốc Đại Ấn độ nói:

“Phụ nữ đã chiếm tới 42% các vị trí chính trị. Họ đấu tranh cho những chức vụ ở bên ngoài tỉ lệ được dành sẵn, và chiến thắng trước phái nam. Sự kiện này là tác động căn bản trong sự nghiệp tự dành lấy quyền chính trị, mà nữ giới đã minh chứng. Được cơ hội, phụ nữ có thể thắng cả những nam nhân.”

Tuy nhiên những dự luật ra đời cách nay 5 năm nhắm mở rộng sự dành chỗ cho phụ nữ, khi lên tới cấp nghị viện tiểu bang và Quốc hội Ấn độ, đã bị ngăn trở. Dù vậy, phụ nữ Ấn không ngừng tranh đấu để đổi thay.

Phụ nữ đã chiếm tới 42% các vị trí chính trị. Họ đấu tranh cho những chức vụ ở bên ngoài tỉ lệ được dành sẵn, và chiến thắng trước phái nam. Sự kiện này là tác động căn bản trong sự nghiệp tự dành lấy quyền chính trị, mà nữ giới đã minh chứng. Được cơ hội, phụ nữ có thể thắng cả những nam nhân.

“Trong lúc chờ được luật pháp chấp nhận cho một môi trường rộng rãi hơn, điều quan trọng là phải thấy được sự thay đổi ở cấp địa phương qua tiến trình tranh đấu. Phụ nữ Ấn ngày nay đã có khả năng chỉ đạo lịch trình phát triển, làm việc về các ngân sách ở cấp địa phương. Họ được quyền nói lên và bàn thảo về những việc nào cần được ưu tiên thi hành.”

Bà Alva nói rằng phụ nữ đang đòi hỏi thêm nước ăn trong sạch, những trung tâm y tế với những y tá lành nghề, những nơi giữ trẻ và những ngôi trường tiểu học. Lịch trình công tác của phụ nữ ngày càng trở nên rõ nét và đem lại lợi ích cho cộng đồng phụ nữ Ấn độ.

Khoảng cách giữa luật lệ và sự thi hành

Tiếp lời bà Tổng thư ký đảng Quốc Đại Ấn độ là nhà hoạt động chính trị Trung Quốc Tiết Lê Hoa, người sáng lập tổ chức gọi là “Phụ nữ Nông thôn cần hiểu biết tất cả”. Bà cho rằng tuy nhiều nước có luật bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ, nhưng những luật lệ đó không phải lúc nào cũng được thi hành:

“Có thể nói rằng Trung Quốc có những đạo luật và quy định khá tiến bộ để bảo vệ quyền bình đẳng giớ. Nhưng giữa luật lệ và sự thi hành lại có khoảng cách rất lớn.”

Bà Tiết Lê Hoa cho rằng nét văn hoá cổ của Trung Quốc là trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tim óc mọi người. Ở miền quê Trung Quốc phụ nữ chiếm 65% lực lượng lao động, nhưng tỉ lệ phụ nữ nông thôn không biết chữ là 70%, và tỉ lệ tự tử cao hơn phía nam giới 25%. Về mặt tham gia chính trị, không tới 20% phụ nữ ra ứng cử các chức vụ trưởng làng và chỉ có 2% trong số này đắc cử.

Bà nói tiếp: "Trong những tình huống đó, tất cả mọi chương trình do tổ chức Phụ nữ Nông Thôn lập ra đều hướng về mục tiêu giải quyết những vấn đề vừa được trình bày."

Có thể nói rằng Trung Quốc có những đạo luật và quy định khá tiến bộ để bảo vệ quyền bình đẳng giớ. Nhưng giữa luật lệ và sự thi hành lại có khoảng cách rất lớn.

Bà Tiết Lê Hoa cho biết tổ chức mang tên “Phụ nữ Nông Thôn cần hiểu biết tất cả” có chương trình huấn luyện cho cả nữ giới lẫn nam giới, để cho cánh đàn ông tới dự và phải nhìn nhận sự bình đẳng của phụ nữ.

Nhà hoạt động nữ quyền họ Tiết kết luận: để có thể kiến tạo một xã hội thực sự thuộc về chính những người dân thành viên của xã hội ấy, thì điều quan trọng là phải khởi sự xây dựng từ nền móng, tức là từ quần chúng ở các địa phương.