Trà Mi, phóng viên đài RFA
Ngày 3 tháng 5 hàng năm được quốc tế công nhận là ngày Tự do Báo chí Thế giới.
Mục đích của ngày này nhằm nhắc nhớ các nguyên tắc cơ bản về tự do nghề báo, đánh giá tình hình báo chí quốc tế, bảo vệ tính độc lập của giới truyền thông trước những hành động tấn công, sách nhiễu, lên án những vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến của con người tại nhiều nơi trên thế giới, và cũng là để tưởng nhớ các ký giả đã hy sinh trong lúc đang làm nghiệp vụ.
Thông tin đại chúng độc lập, tự do, và dồi dào góp phần rất quan trọng trong công tác quản lý xã hội dân chủ, vì đó là lực lượng giúp đảm bảo sự minh bạch và uy tín của nhà nước, phát huy vai trò của luật pháp, cũng như đấu tranh chống lại đói nghèo, bất công xã hội.
"Truyền thông đại chúng và chế độ nhà nước tốt"
Trên tinh thần đó, ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay mang chủ đề "Truyền thông đại chúng và chế độ nhà nước tốt".
Để kỷ niệm ngày Tự do Báo Chí năm nay, UNESCO tổ chức 1 hội nghị quốc tế kéo dài trong 3 ngày, tại Dakar, quy tụ các nhà chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông báo chí và đại diện các cơ quan phi chính phủ cũng như các tổ chức xuyên quốc gia trên thế giới về tham dự.
Trong những vấn đề đưa ra bàn thảo có đề cập đến sự đóng góp trực tiếp của truyền thông đối với công tác quản lý nhà nước, và đối với công cuộc đấu tranh cho nhân quyền. Kết thúc hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng nhất trí đưa ra 1 chương trình hành động cho năm nay.
Trong thông điệp nhân ngày Tự do Báo chí 2005, ông Koichiro Matsuura, người đứng đầu UNESCO nhấn mạnh ở đâu không có tự do bày tỏ ý kiến và không có tự do báo chí thì nơi đó không thể có dân chủ cũng như không thể phát triển được.
Báo chí tự do và độc lập không chỉ là một người bảo vệ nhân quyền và giám sát các hành động sách nhiễu của chính quyền, mà còn là phương tiện cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết để họ thực hiện và phát huy quyền dân chủ.
Giải thưởng Tự do báo chí thế giới
Các văn phòng trực thuộc UNESCO cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo và hoạt động ghi nhớ ngày của các nhà báo tại khắp nơi trên toàn cầu, từ khu vực Caribê và Châu Mỹ La tinh cho tới Đông Nam Á, Trung Đông, và Nam Phi.
Giải thưởng Tự do báo chí thế giới Guillermo Cano năm nay được trao cho nhà báo Trung Quốc Cheng Yizhong.
Đánh giá tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, phúc trình năm 2005 do tổ chức nhân quyền Freedom House của Hoa Kỳ thực hiện xếp Việt Nam thứ 177 trong tổng số 194 quốc gia được đánh giá về tự do báo chí. Chót bảng là Bắc Hàn. Ba tiêu chí đánh giá chính yếu dựa trên các lĩnh vực pháp lý, chính trị, và kinh tế.
Ông Chris Walker, giám đốc phụ trách nghiên cứu của Freedom House phát biểu rằng trong năm qua, nhà nước Việt Nam gia tăng sự kiểm soát đối với giới truyền thông. Mặc dù có vài nhà báo được phóng thích, nhưng chính phủ vẫn không nương tay đàn áp những người bất đồng chính kiến, điển hình như những người phát tán quan điểm bất đồng trên mạng Internet.
Báo chí Việt Nam bị quản lý chặt chẽ
Báo giới tại Việt Nam hoặc do nhà nước chủ quản, hoặc được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của đảng cộng sản và chính quyền.
Theo ghi nhận của Freedom House, nhà báo Việt Nam dù thỉnh thoảng trong vài trường hợp đặc biệt, được phép từơng trình về những vấn nạn như tham nhũng, nhưng trên quy tắc chung, họ không được phản ánh những vấn đề nhạy cảm kinh tế và chính trị, hoặc nêu lên thắc mắc công khai về sự cai trị độc đảng.
Một vài ví dụ cụ thể như trường hợp của Nguyễn Hoàng Linh, chủ biên tờ Doanh Nghiệp, người phanh khui vụ tham nhũng trong ngành hải quan hồi năm 1998, để rồi sau đó bắt giam vì tội tiết lộ bí mật nhà nước.
Hay như một trừơng hợp gây xôn xao dư luận gần đây là vụ phóng viên Lan Anh của báo Tuổi Trẻ cũng gặp không ít rắc rối khi viết bài bênh vực quyền lợi cho người tiêu dùng.
Chỉ Số Toàn Cầu về Tự Do Báo Chí do Tổ chức Ký giả không biên giới công bố hồi cuối năm ngoái cũng cho thấy Việt Nam là một trong các quốc gia Châu Á chót bảng.
Ngoài ra, trong danh sách 34 cá nhân và đoàn thể mà tổ chức này gọi là phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì đàn áp báo chí bao gồm giết chóc, bắt giam, hành hung, hoặc đe dọa người làm báo, còn có tên ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam.