Khi nào Việt Nam tiêm chủng ngừa cúm A/H1N1?

Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, việc tiêm vắc-xin ngừa cúm A/H1N1 đã trở nên khá phổ biến, thì tại Việt Nam chuyện được tiêm vắc-xin chủng ngừa cúm A/H1N1 dường như vẫn còn khá xa vời.

0:00 / 0:00

Chờ vắc-xin

Tại nhiều nước trên thế giới, việc tiêm vắc-xin chủng ngừa cúm A/H1N1 đã được tiến hành từ vài tháng nay. Ở Việt Nam, từ tháng 9 năm ngoái đã có những tin tức về việc nhận vắc-xin do WHO tài trợ và có một số công ty trong nước đang tiến hành sản xuất vắc-xin này.

Bộ Y tế còn chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng cho phụ nữ có thai và cán bộ y tế. Tuy thế, cho đến giờ, vẫn chưa thấy thông tin chắc chắn về số vắc-xin mà Việt Nam sẽ nhận là bao nhiêu và bao giờ thì có. Người dân được tuyên truyền thế nào về đợt tiêm chủng sắp tới cũng như tác dụng của vắc-xin H1N1?

Bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã nhận được thông tin là tổ chức Y tế Thế giới sẽ viện trợ một số liều vắc-xin cho Việt Nam để tiến hành tiêm chủng trên một số các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao là phụ nữ có thai và cán bộ y tế. Lúc đó, bác sĩ Jean Marc Olive, Trưởng đại diện WHO đã nói:

“Chúng tôi hy vọng là có thể nhận được khoảng 100 đến 200 triệu liều vắc-xin và một vài nước sẽ được nhận vắc-xin này trong đó có Việt Nam. Sẽ có khoảng từ 1 triệu đến 1,5 triệu liều vắc-xin viện trợ cho Việt Nam. Khi chúng tôi nhận được vắc-xin thì có thể là vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 này Việt Nam sẽ được nhận các liều vắc-xin đầu tiên.”

<i>Ngay sau khi các giấy tờ hoàn tất và vắc-xin đã sẵn sàng thì chúng tôi sẽ gửi cho Việt Nam. </i>Ô. Jean Marc Olive.

Lúc đó, theo ông Jean Marc Olive thì chính phủ Việt Nam vẫn đang tính toán để xác định chính xác số lượng những người thuộc nhóm được ưu tiên tiêm chủng, do số liều vắc-xin có hạn.

Đợi giấy tờ

Thế nhưng cho đến giờ là tháng 1 năm 2010, Việt Nam vẫn chưa có nhưng liều vắc-xin đầu tiên. Báo chí trong nước loan tải là WHO sẽ viện trợ Việt Nam ba đợt vắc-xin trong hai năm 2009 và 2010 với tổng số liều lên đến 8,8 triệu liều. Khi được hỏi về điều này, ông Jean Marc Olive cho biết:

“Chúng tôi chắc chắn sẽ cung cấp vắc-xin ngừa cúm A/H1N1 cho Việt Nam nhưng số đợt là bao nhiều thì chúng tôi chưa biết bởi vì nó phụ thuộc vào số liều đã có sẵn. Có thể là 1, 2, 3 hay 4 đợt nhưng hiện chúng tôi vẫn đang thảo luận với chính phủ vì chúng tôi còn cần 3 loại giấy tờ phải hoàn tất. Liên quan đến những liều đầu tiên gửi cho Việt Nam thì cho đến giờ tôi vẫn chưa biết có liều nào đã được cung cấp ra. Ngay sau khi các giấy tờ hoàn tất và vắc-xin đã sẵn sàng thì chúng tôi sẽ gửi cho Việt Nam.”

Theo ông Jean Marc Olive thì những giấy tờ này là nằm trong thủ tục đăng ký dược phẩm bình thường mà Việt Nam cần phải thực hiện trước khi cho lưu hành vắc-xin. Ông cũng cho biết những liều vắc-xin đầu tiên sẽ đến Việt Nam trong năm 2010 nhưng không biết chính xác là vào lúc nào.

Trong khi đó, công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 là một trong các công ty dược phẩm đầu tiên ở Việt Nam tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1.

Bà Nguyễn Thu Vân, giám đốc công ty cho biết hiện vắc-xin đang sang giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trước khi cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Quy mô sản xuất của công ty là 2 triệu liều một năm. Trước đó, vào tháng 9 năm 2009, khi được hỏi bao giờ thì những liều vắc-xin đầu tiên của công ty sẽ được lưu hành, bà Vân cho biết:

“Phía mình thì khác với các nước khác là mình chưa sản xuất các vắc-xin cúm thường, chưa được cấp phép cho các vắc-xin cúm thường, cho nên chắc cũng phải dài hơn. Bọn tôi dự kiến là đến năm 2011. Đó là tính toán nhanh nhất.”

Bà Vân cũng hy vọng có thể có được các liều vắc-xin đầu tiên vào năm 2010 do khả năng bộ Y tế có thể xem xét để đẩy nhanh thủ tục xét duyệt thông thường.

Mặc dù vẫn chưa có vắc-xin, nhưng theo báo Tuổi trẻ thì hiện Bộ Y tế đã nhận được danh sách của 740,000 phụ nữ có thai từ tháng thứ 4 trở lên để chuẩn bị tiêm chủng. Dự kiến toàn chiến dịch sẽ có 1,15 triệu người được tiêm chủng miễn phí.

<i>Em đang có bầu thì em không tiêm, liệu thành phần thuốc đấy liệu có giống với những thành phần thuốc ở bên Trung quốc thử nghiệm hay không. </i>Chị Nguyễn Bích Dung.

Người dân lo ngại

Tuy nhiên, những thông tin về chiến dịch tiêm chủng này lại chưa đến đầy đủ tới những phụ nữ mang thai. Tại thủ đô Hà nội những hiểu biết về việc tiêm phòng là rất khác nhau giữa những phụ nữ được hỏi. Chị Nguyễn Thị Thu Huệ, một phụ nữ có thai ở tháng thứ 9 nói:

“Nếu mà môi trường ngày xưa em làm việc thì em cũng muốn tiêm vì ngày xưa em giao dịch ngân hàng thì khách hàng nhiều, thì nếu được tiêm thì em muốn tiêm. Nhưng giờ nghỉ ở nhà rồi không đi ra ngoài chắc em cũng không tiêm. Tâm lý cũng ngại, mình thì ko sao, nhưng sợ ảnh hưởng đến con thế nào.”

Chị cho biết chị không biết gì về chiến dịch tiêm chủng sắp tới mặc dù chị biết mình thuộc nhóm được ưu tiên

Chị Nguyễn Bích Dung, một phụ nữ khác đang có thai ở tháng thứ 4 nói:

“Em đang có bầu thì em không tiêm. Phải nghe ngóng xem thứ nhất là liệu thành phần thuốc đấy liệu có giống với những thành phần thuốc ở bên Trung quốc thử nghiệm hay không. Em thấy ở trên vô tuyến nói là Trung quốc thử nghiệm cái đấy có phản ứng nhưng họ không nêu cụ thể. Có thể họ muốn giấu giếm cái gì đó, có thể với người này thì tốt, mà với người kia thì cơ địa mỗi người khác nhau. Em chỉ nghĩ là bây giờ tiêm vào với cơ thể mẹ không sao nhưng nhỡ nó gây đột biến trong số tế bào đang hình thành.”

Khi được hỏi là chị có biết gì về chiến dịch tiêm chủng mà chính phủ đang chuẩn bị thực hiện, chị Dung nói chị không biết gì về thông tin này. Chị cũng không biết là mình thuộc nhóm được ưu tiên tiêm chủng. Thậm chí chị Dung còn nhận được thông tin là do vắc-xin hiếm nên nếu ai muốn tiêm thì phải trả đến 10 triệu đồng một liều và phải thân quen với cán bộ y tế thì mới có thể được đăng ký tiêm.

Một mùa cúm nữa lại sắp qua đi. Cao trào của cúm A/H1N1 cũng đã bắt đầu lắng dịu. Những lời hứa và dự định tiêm vắc-xin cho người dân Việt Nam hiện vẫn nằm trong kế hoạch. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu người dân Việt Nam sẽ được thực sự tiếp cận với vắc-xin vào mùa cúm sắp tới hay không và nhà nước sẽ làm gì để tránh những tiêu cực có thể sẽ xảy ra do thiếu vắc-xin.