Vụ Xuân Anh: "Chấm dứt thể chế Thái tử Đảng"

Việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng làm cho dư luận một lần nữa xôn xao về quá trình bổ nhiệm, cân nhắc những gương mặt được gọi là “Thái tử Đảng” hay ‘Hạt giống Đỏ”.

Đảng cử nhưng dân không bầu!

Xuôi theo những đồn đoán của dư luận trong những ngày qua, là câu hỏi, liệu Nguyễn Xuân Anh, con trai ông Nguyễn Văn Chi vốn là một cựu thành viên Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, có phải là “một Thái tử Đảng nằm trong tiến trình nung lò đốt củi, diệt trừ tham nhũng của Tổng Tư lệnh Nguyễn Phú Trọng hay không?”

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Việt nam đã tuyên bố từ bỏ đảng, có nhận định:

“Nó chỉ nói lên 1 điều thôi, là cái gì rồi cũng đến lúc mục vỡ thì nó mục vỡ tất cả. Đấy là chứng hoại thư của thể chế do chế độ toàn trị phản dân chủ. Trong bổ nhiệm cán bộ thì điều đó càng rõ nét hơn nữa. Bí thư tỉnh uỷ thì phải là Bộ chính trị thông qua, mà trước hết phải là ông trưởng ban tổ chức đề nghị, rồi ông Tổng bí thư thông qua. Đâu phải tự nhiên là có.”

<i>Nó chỉ nói lên 1 điều thôi, là cái gì rồi cũng đến lúc mục vỡ thì nó mục vỡ tất cả. Đấy là chứng hoại thư của thể chế do chế độ toàn trị phản dân chủ. - GS Tương Lai</i>

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng nếu có ý kiến cho rằng biện pháp kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh là chuyện ‘đấu đá nội bộ’ thì cũng được, nhưng trên tất cả, ông nghĩ rằng những người sai phải chịu trách nhiệm.

“Đấu đá nội bộ thì ở đâu cũng có cả. Ở đâu cũng có phe có cánh cả. Các nước phương Tây là đa đảng, còn ở đây có 1 Đảng thì thế nào trong Đảng cũng có phe. Nó gắn bó với những nhận thức khác nhau hoặc lợi ích chính trị khác nhau. Việt Nam bây giờ chủ yếu là lợi ích khác nhau.

Khi người ta nói rất nhiều đến yếu tố lợi ích nhóm thì đó chính là phản ảnh thực tế nhất ở Việt Nam hiện nay.”

Theo ông Dương Trung Quốc thì đến nay vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh mới ở mức kỷ luật trong đảng thôi vì bị cho là vi phạm nguyên tắc làm mất uy tín của Đảng. Và vị đại biểu quốc hội này cho rằng không ít trường hợp sau khi kỷ luật Đảng thì người đó vẫn ở lại và không bao giờ bị ra cơ quan pháp luật cả; mà không ra cơ quan pháp luật thì không có tội.

<i>Khi người ta nói rất nhiều đến yếu tố lợi ích nhóm thì đó chính là phản ảnh thực tế nhất ở Việt Nam hiện nay. Ông Dương Trung Quốc</i>

Giáo sư Tương Lai có nhận định hoàn toàn mang tính phản biện với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

“Tuy rằng nói là kỷ luật trong Đảng, thuộc nội bộ Đảng nhưng làm sao có thuộc nội bộ được? Vì Bí thư tỉnh uỷ điều hành cả 1 tỉnh, đứng trên tất cả. Chủ tịch tỉnh hay Hội đồng nhân dân tỉnh đều đứng dưới ổng.

Khi tất cả mọi sự bổ nhiệm đều không thông qua 1 qui trình của luật pháp, hiến pháp, quyền của dân, dân uỷ nhiệm, dân uỷ quyền mà đều là do Đảng chỉ định thì chuyện mục vỡ là chuyện bình thường.”

Ngược lại, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề bổ nhiệm chức vụ trong các cơ quan điều hành của nhà nước “về qui trình thì cái gì cũng đầy đủ”.

“Từ cơ sở trở lên, lấy phiếu bầu, rồi quần chúng góp ý, lý lịch…

Quan sát ở Việt Nam chúng ta thấy các quan chức cao cấp đều là Đảng viên Đảng Cộng sản.

Quần chúng chúng tôi quan tâm là đứng trước pháp luật có vấn đề gì không? Ví dụ vấn đề liên quan đến tham nhũng, sai phạm ảnh hưởng đến xã hội…”

Thái tử Đảng: Một qui trình không mới

Không khẳng định qui trình bổ nhiệm chức vụ trong bộ máy lãnh đạo nhà nước đúng hay sai, nhưng nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh kể ra hàng loạt những gương mặt được gọi là “người kế thừa” như ông Nông Quốc Tuấn, từng là Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, là con trai nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, con của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương…

Và ông cho biết “chuyện kế thừa đã trở thành một qui định bất thành văn của Đảng Cộng sản”.

“Chuyện Thái tử Đảng có từ lâu rồi nhưng nó rộ lên nhất là thời ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng cầm quyền đã rộ lên 1 cách công khai.

Chuyện ông Xuân Anh, ông Nghị, ông Tuấn Anh, ông Nguyễn Chí Vịnh thì đó là những chọn lựa đương nhiên. Họ nhắm trước hết là vào trong gia tộc của họ.”

Năm 2011, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu vào vị trí ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng cùng với ông Nguyễn Thanh Nghị, là con trai thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cả hai đều sinh năm 1976. Kể từ đó, dư luận truyền nhau cách gọi những gương mặt trẻ đó là “Thái tử Đảng” và đang chờ để được truyền ngôi.

Chưa thể chấm dứt “Thái tử Đảng”

Cho đến ngày 18 tháng 9 vừa qua, sau khi ông Nguyễn Xuân Anh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo báo chí cho biết ông bị kỷ luật, dư luận cho là việc này có liên quan Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra, có ý kiến nêu ra là đã đến lúc chuyện “Con vua thì lại làm vua. Con sải ở chùa lại lá đa” cần kết thúc.

Giáo sư Tương Lai đưa ra nhận định quan niệm “con vua thì lại làm vua” nên được nhìn nhận theo đúng với ý nghĩa từng có trong một thể chế của lịch sử.

“Ví dụ như Trần Thánh Tông lui, nhường cho Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông lui, nhường cho Trần Anh Tông, Trần Anh Tông lui, nhường cho Trần Minh Tông.

Quá trình đó là 1 quá trình tuỳ theo thời điểm lịch sử chúng ta đánh giá.

Thế giới có Lý Quang Diệu mất đi. Sau ông ấy là Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống). Rồi đến Lý Hiển Long là con ông Lý Quang Diệu. Có phải đó là ‘con vua thì lại làm vua’?

Nhưng thể chế dân chủ cũng qua bầu cử. Ông Lý Hiển Long vẫn được tín nhiệm trong nhân dân Singapore”

<i>Thế giới có Lý Quang Diệu mất đi. Sau ông ấy là Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống). Rồi đến Lý Hiển Long là con ông Lý Quang Diệu. Có phải đó là 'con vua thì lại làm vua'? </i> <i>Nhưng thể chế dân chủ cũng qua bầu cử. Ông Lý Hiển Long vẫn được tín nhiệm trong nhân dân Singapore - GS Tương Lai</i>

Liên đới đến cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh trong vụ việc mới nhất, Giáo sư Tương Lai cho rằng nếu ông Nguyễn Xuân Anh có tài, thì “không ai nói gì cả”.

Theo ông, ông không đánh giá diễn tiến vụ Đà Nẵng là kết thúc trào lưu này hay trào lưu kia. Mà thay vào đó, ông nhấn mạnh “cần phải thay đổi thể chế, cải cách chính trị đi liền với cải cách kinh tế, thay bằng một quá trình dân chủ hoá và thượng tôn pháp luật.